Những chàng trai làm 'bác sĩ cấp cứu' máy bay

Phạm Hữu
Phạm Hữu
09/05/2021 08:16 GMT+7

Đó là những kỹ sư cơ khí hàng không chuyên sửa chữa, bảo dưỡng các loại máy bay thương mại trước và sau những lần cất, hạ cánh ở sân bay.

Một ngày như mọi ngày, đến ca trực, Trần Ngọc Sơn (32 tuổi, kỹ sư bảo dưỡng ngoại trường, thuộc Công ty Vaeco) chuẩn bị mọi thứ rồi xuống sân đỗ máy bay để làm việc.
Trên tay Sơn cầm bộ đàm, lịch trình các chuyến bay, sơ đồ hướng dẫn kỹ thuật của loại máy bay sắp hạ cánh. Đầu đeo tai nghe, Sơn di chuyển từ bên trong nhà ga đến bãi đỗ máy bay để chờ sẵn. Khi máy bay an vị, Sơn cùng đội tiến đến chuẩn bị công tác kiểm tra kỹ thuật an toàn của chiếc máy bay vừa đến.
“Đây là điều bắt buộc trong quy định hàng không, người kỹ sư sẽ kiểm tra an toàn kỹ thuật và chạy đua với thời gian để máy bay tiếp tục cất cánh trong thời gian tiếp theo. Nếu trễ sẽ ảnh hưởng dây chuyền với nhiều bộ phận khác”, Sơn cho biết.

Không được phép làm sai

Nhiệm vụ của anh phải di chuyển một vòng, kiểm tra thật kỹ từ bánh, đầu, thân, động cơ, cánh đến đuôi máy bay. Sau đó, Sơn nối dây với cổng kết nối bộ đàm từ bãi đáp với phi công để trao đổi thông tin về hiện trạng máy bay. Mọi trao đổi với phi công đều phải bằng tiếng Anh. Sau khi nắm bắt tình hình, Sơn thông báo về trạm chỉ huy nếu có vấn đề kỹ thuật để nhờ hỗ trợ xử lý. Kết thúc 1 giờ, Sơn rời bãi đáp, giơ tay chào tạm biệt hành khách cùng máy bay lên đường. Đó là những quy trình lặp đi lặp lại hàng chục lần của một kỹ sư hàng không trong ca làm việc ở sân bay.
Những chàng trai làm 'bác sĩ cấp cứu' máy bay1

Các kỹ sư hàng không kiểm tra hiện trạng máy bay

ẢNH: PHẠM HỮU

Có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề, Lê Ngọc Anh (34 tuổi, kỹ sư ngoại trường) cho biết làm nghề sửa máy bay không khó, cũng không dễ. Người kỹ sư phải trải qua nhiều khóa học trong nhiều năm để nâng cao bằng cấp. Bước đầu, người thợ phải đọc nhiều tài liệu, nhận biết những trang thiết bị, làm chủ rồi mới tự sửa chữa ở nơi đúng chuyên môn. Người mới vào nghề sẽ được một người thầy giám sát công việc. Đến khi thuần thục mới được giao nhiệm vụ một mình sửa chữa. Đỉnh cao của nghề mất từ 3 - 5 năm học tập sau khi làm việc mới được sửa động cơ.
Theo Ngọc Anh, nghề sửa chữa máy bay được phân thành 2 loại, ngoại trường và nội trường. Ngoại trường là những kỹ sư thực hiện kiểm tra an toàn các thiết bị máy bay trước khi bay. Còn nội trường, người kỹ sư sẽ sửa chữa, bảo trì khi máy bay bị hỏng hóc hay kiểm tra định kỳ. Sau khi hoàn thành sẽ bàn giao máy bay ra bên ngoài cho đội ngoại trường kiểm tra lần cuối trước khi đưa vào khai thác.
“Bộ phận nào trên máy bay cũng khó. Đa phần các loại máy bay đã có những tài liệu hướng dẫn. Người kỹ sư chỉ cần nhìn vào và làm theo đúng như vậy. Làm nghề này phải có tính cẩn thận, không được phép cẩu thả, lúc nào cũng phải nghĩ đến những người đi trên các chuyến bay. Vì vậy, đây là nghề ngăn chặn những sự cố, không để bất kỳ sự việc nào xảy ra đối với kỹ thuật hàng không”, anh Lê Thanh Hải (33 tuổi), kỹ sư nội trường, cho biết.
Những chàng trai làm 'bác sĩ cấp cứu' máy bay2

Để sửa được máy bay, kỹ sư phải trải qua nhiều khóa học trong nhiều năm để nâng cao bằng cấp

Những kỷ niệm không thể quên

Nhớ lại những lần nhận nhiệm vụ sửa máy bay của Việt Nam bị hỏng ở sân bay nước ngoài, anh Ngọc Anh cho rằng đó là kỷ niệm không thể quên. Anh không nhớ hết những lần lên đường đi sửa máy bay Việt Nam bị hỏng đột ngột ở nước ngoài. Làm nghề thiên về kỹ thuật nhưng Ngọc Anh không nghĩ mình sẽ được đi nước ngoài nhiều đến vậy. Lần nhận nhiệm vụ đi Nhật đầu tiên với anh còn khá bỡ ngỡ, bởi đó là lần đầu được ra nước ngoài, được nhìn thấy tuyết ở nước Nhật xa xôi...
Còn một chiều cách đây vài năm, một máy bay của Việt Nam gặp sự cố ở sân bay Thượng Hải (Trung Quốc) thông báo về trạm chỉ huy Tân Sơn Nhất. Ngọc Anh nhận lệnh rồi phải khăn gói lên đường ngay tức khắc. 1 giờ sáng, trời Thượng Hải lạnh băng, anh xuống máy bay và di chuyển khoảng 1 giờ mới đến được chiếc máy bay để sửa chữa.
“Lúc đó nhiệt độ đã xuống âm, hai tay tôi lạnh cóng. Tôi sửa máy bay đến 6 giờ sáng mới xong. Cuối cùng, máy bay cũng bay về nước thành công. Tôi như “bác sĩ cấp cứu” vậy đó. Chỉ cần trong ca trực, nghe có máy bay hư hỏng ở nước ngoài là tôi chuẩn bị quần áo, hộ chiếu đi ngay, bất kể ngày hay đêm”, anh chia sẻ.
Ít đi “cấp cứu” ở nước ngoài hơn, nhưng anh Hải cũng có kỷ niệm nhớ hoài khi phải lên đường sửa máy bay ở Phú Quốc. “Lần đó sửa chữa hơi khó khăn. Máy bay mới khai thác, thang nối lên máy bay chưa phù hợp với cửa sổ nên không thể bắc tới, làm tôi phải đẩy xe rồi trèo lên. Kiểm tra hệ thống điện tử, phần mềm mà công việc đó đòi hỏi phải tắt hết điện máy bay. Trời nắng, rất nóng cộng thêm không khí ngột ngạt làm tôi mất sức. Phải mất 2 giờ mới xong. Chưa kể vừa xong lại có máy bay xuống nữa, tôi phải làm tiếp. Thế là hôm ấy bỏ cả bữa trưa...”, anh Hải nhớ lại.
Những chuyến bay giải cứu công dân
Ngoài chuyện đi “cấp cứu” máy bay, những kỹ sư trẻ ở đây còn nhận luôn nhiệm vụ đi giải cứu công dân ở nước ngoài. Chuyển những chuyến hàng cứu trợ đến nước ngoài trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, anh em kỹ sư phải đấu tranh tâm lý, ổn định người thân mới có thể lên đường làm nhiệm vụ. Mọi người vẫn nghĩ nghề kỹ sư chỉ gắn liền với mặt đất hay trong nhà xưởng, tuy nhiên với những chuyến bay quan trọng, các kỹ sư phải có mặt, làm sao đảm bảo kỹ thuật an toàn cho chuyến bay cả đi lẫn về.
Ngoài ra, để tránh lây nhiễm bệnh, mọi công tác kiểm tra kỹ thuật khi đến nước bạn đều do anh em kỹ sư thực hiện. Những vết hằn tím tái từ chiếc khẩu trang, kính bảo hộ với anh em là điều không tránh khỏi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.