Chàng kỹ sư 9X đam mê... tiếng Việt

26/02/2021 14:01 GMT+7

Lê Trọng Nghĩa (26 tuổi) cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, hiện là kỹ sư công nghệ thông tin tại Nhật Bản. Ít ai biết rằng Nghĩa có một niềm đam mê với… tiếng Việt .

Nghĩa cũng là chủ nhân trang Facebook mang tên Tiếng Việt giàu đẹp với hàng ngàn lượt tương tác.

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào…. tiếng Việt

Cơ duyên khiến chàng kỹ sư Trọng Nghĩa yêu thích tiếng Việt vì từ nhỏ Nghĩa đã được tiếp xúc với tạp chí Kiến thức ngày nay. Trong quyển tạp chí này, anh chàng ấn tượng với chuyên mục Chuyện đông chuyện tây của học giả An Chi. Cũng từ đây sau mỗi lần đọc anh lại thấy mình tìm được những cách giải nghĩa lý thú về các phong tục, tập quán và đặc biệt là nguồn gốc từ ngữ. Nói về việc mê….tiếng Việt nhưng chọn học ngành công nghệ thông tin, Nghĩa cho rằng ứng dụng 4.0 hiện nay có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngôn ngữ. Nghĩa nói: “Theo mình, ứng dụng công nghệ 4.0 rất quan trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ đặc biệt là tiếng Việt, vì đây có thể là nơi lưu trữ tài liệu, tư liệu, ngôn ngữ học là ngành có nhu cầu tra cứu rất lớn. Mình nhận thấy tại các nước trên thế giới, hầu như mỗi xã, phường, thị trấn đều có các thư viện. Và các thư viện đều có hệ thống tra cứu online. Qua tra cứu online, mọi người có thể tìm đến thư viện gần nhất để tìm cuốn sách mà mình cần”.
Chia sẻ với Thanh Niên, Nghĩa cho hay tạo nên trang Tiếng Việt giàu đẹp trên mạng xã hội vào năm 2012 khi còn học THPT. Thời điểm đó trên Facebook đã có những trang chuyên về tiếng Anh, tiếng Nhật nhưng vẫn chưa có trang nào nổi bật về tiếng Việt. Chợt nhớ về ký ức thời thơ ấu, nên anh quyết định lập ra trang Tiếng Việt giàu đẹp để theo gương học giả An Chi, nhằm chia sẻ cái hay của ngôn ngữ đến với nhiều người.
Trọng Nghĩa bộc bạch: “Năm 2019, khi sắp kết thúc chương trình đại học tại Nhật, mình quyết định sắp xếp thời gian để đăng bài cho trang đều đặn mỗi ngày. Rồi dần dần trong quá trình mò mẫm, mình phát hiện được nhiều tư liệu quý và viết được nhiều bài chất lượng hơn”.
Điều khó khăn nhất là việc tìm kiếm và tra cứu tài liệu, có khi đã biết được tên sách mà không sao tìm được. Khi tra cứu thì hầu như các tư liệu đều sẽ có những hạn chế nhất định, tuỳ theo điều kiện nghiên cứu của học giả. Vì vậy, cần phải so sánh, đối chiếu nhiều tư liệu thì mới có thể rút ra được kết luận chuẩn xác.

Trang “Tiếng Việt giàu đẹp” thu hút hàng ngàn lượt tương tác trên mạng xã hội.

ẢNH: Chụp màn hình

Người trẻ học được gì từ trang Tiếng Việt giàu đẹp?

Từ sau những lần xem các bài viết trên trang Tiếng Việt giàu đẹp, Nguyễn Thị Vân Oanh (SV năm 3 ngành ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cảm thấy yêu thích hơn ngành mình lựa chọn. Vân Oanh nói: “Mình nhận thấy rằng Tiếng Việt giàu đẹp là một trang vô cùng bổ ích về tiếng Việt, đặc biệt là với giới trẻ hiện nay. Không những vậy, trang còn cung cấp những thông tin khá hữu ích về từ vựng của tiếng Việt hiện nay”.
Cảm nhận về trang Tiếng Việt giàu đẹp, Nguyễn Ngọc Yến (sinh viên năm 3, ngành Văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) bày tỏ: “Mình nghĩ để giúp tiếng Việt ngày càng giàu đẹp hơn, cần tạo ra nhiều sân chơi cũng như môi trường để mọi người, nhất là giới trẻ có cơ hội thêm yêu tiếng Việt. Từ đây mình nhận thấy bản thân có ý thức hơn trong việc tìm hiểu cũng như rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Việt của mình”.
Lần đầu tiên biết đến trang Tiếng Việt giàu đẹp Nguyễn Ngọc Thanh Tùng, sinh viên khoa văn hóa học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, không khỏi bất ngờ khi trang này giúp mọi người phân biệt được những từ ngữ tuy rất đơn giản, nhưng chúng ta lại phát âm hay viết sai. Tùng cho hay: “Những lời nói thường ngày mình quen miệng phát âm ra như vậy nhưng ý nghĩa sâu xa của nó thì quá rộng. Xem trang này giúp mình cải thiện vốn từ, hiểu chính xác nghĩa của những từ mình dùng hằng ngày”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.