Những 'chiến binh' dũng cảm chống dịch Covid-19

Vũ Thơ
Vũ Thơ
20/08/2021 06:35 GMT+7

Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội, nhiều bạn trẻ tuổi mười tám, đôi mươi đã xung phong đi chống dịch. Họ luôn sẵn sàng như những 'chiến binh' không kể thời gian, công việc…

Xung phong chống dịch

Đang trực chốt kiểm soát Covid-19 ở nơi sinh sống (xã Thụy Lâm, H.Đông Anh, Hà Nội), Đinh Thế Dương (18 tuổi) gọi điện cho mẹ báo tin đi chống dịch ở một nơi xa nhà rồi vội vã lên đường làm nhiệm vụ mà không kịp về lấy tư trang. Địa bàn Dương đến là xã Kim Chung của huyện, nơi đang được coi là ổ dịch nguy hiểm của TP. Tại đây, các thanh niên của xã cũng thuộc diện phải cách ly nên không có người tham gia chống dịch. Khi Huyện đoàn Đông Anh cần người tăng cường, Dương đã xung phong đi ngay. “Nhận được tin, em xuống xã làm xét nghiệm và có xe đón đi luôn, không kịp về nhà mang theo tư trang, nên phải nhắn mẹ gửi đến sau”, Dương kể và cho biết đây là lần đầu tiên em đi xa gia đình, chưa biết trong thời gian bao lâu, vì khi dịch ổn định thì em mới trở về nhà.
Dương cũng cho biết gia đình có hai anh em. Người anh đang làm công nhân ở khu công nghiệp, do dịch không được về nhà. Giờ em đi nên mẹ cũng lo lắng, dù đây không phải lần đầu Dương tham gia chống dịch. Chàng trai này đã tham gia trực chốt phòng, chống dịch Covid-19 từ đợt dịch năm 2020, khi còn học lớp 11. Năm nay, khi dịch tái bùng phát, Dương đã có hơn 20 ngày tham gia chống dịch tại địa phương. Biết công tác phòng chống dịch rất vất vả, nên Dương muốn góp sức mình để chia sẻ với các lực lượng chức năng. “Em đi làm việc gì cũng được, chỉ mong hết dịch để hai anh em được trở về với gia đình”, Dương bày tỏ.

Vừa học vừa đi trực chốt

Bạn Đào Duy Huy (20 tuổi, ở xã Xuân Canh, H.Đông Anh), sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng xung phong đi chống dịch suốt từ 30.4 đến nay.
Huy cho biết H.Đông Anh là điểm nóng về dịch bệnh vì có khu công nghiệp và là địa bàn có khu cách ly tập trung của TP. Huy tham gia mọi công việc khi Huyện đoàn huy động như: trực các chốt cách ly F1, F2; hỗ trợ các điểm tiêm vắc xin, vận chuyển hàng hóa trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2, nơi điều trị bệnh nhân Covid-19.
Những 'chiến binh' dũng cảm1

Dù phải đi cách ly tập trung khi có thành viên nhiễm Covid-19 nhưng các tình nguyện viên xã Vĩnh Quỳnh vẫn không bi quan, nao núng

Vừa đi học, Huy vừa tham gia chống dịch, có đêm trực chốt ở Bệnh viện Bắc Thăng Long đến 6 giờ sáng lại vội về nhà chuẩn bị bài vở cho kỳ thi cuối năm học.
“Đêm đi trực chốt, ngày đi học… em khá vất vả, nhưng cũng chưa là gì so với các bác sĩ luôn ướt sũng mồ hôi trong bộ đồ chống dịch giữa trời nắng 40 độ C, cũng chẳng thấm tháp gì so với mất mát của các gia đình ở vùng dịch. Vì thế, em luôn cố gắng vượt qua khó khăn”, Huy tâm sự.

Làm hậu cần trong khu cách ly

Anh Nguyễn Kim Đức, Phó bí thư Đoàn P.Biên Giang (Q.Hà Đông, Hà Nội), chia sẻ từ 16.7 anh đã vào phục vụ khu cách ly tập trung tại Trường trung cấp Cầu đường (tổ dân phố Phú Mỹ, P.Biên Giang, Q.Hà Đông). Nơi đây thường xuyên có hơn 100 ca F1. Tổ phục vụ chỉ có khoảng 10 người chia làm 3 nhóm: trực cổng, hậu cần, tiếp nhận công dân. Anh Đức trong nhóm hậu cần, hằng ngày cùng các tình nguyện viên đến tận phòng các F1 cung cấp đồ ăn, dọn vệ sinh, khử khuẩn, hỗ trợ tổ y tế mang thuốc, đo thân nhiệt…

Dù có vất vả nhưng giúp được bà con trong khu cách ly để họ khỏe mạnh sớm về nhà, chúng tôi lại cố gắng mỗi ngày

Nguyễn Kim Đức (Phó bí thư Đoàn P.Biên Giang, Q.Hà Đông, Hà Nội)

Mỗi ngày, khi cởi bỏ bộ quần áo bảo hộ ra, ai cũng mệt nhoài. Chưa kể các anh sẽ phải xa gia đình ít nhất 1 tháng vì khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ phải cách ly thêm 14 ngày. Nếu không may tiếp xúc với F0 thì thời gian kéo dài chưa biết bao lâu.
Phục vụ trong khu cách ly đợt dịch này, các anh còn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao vì các F1 trở thành F0 khá nhiều. “Ở đây mỗi ngày đều xuất hiện các ca F0 phải chuyển đi điều trị. Chúng tôi cũng lo lắng, nhưng nhìn hình ảnh những em bé mới 3 tháng tuổi đã phải theo mẹ vào đây cách ly, thì lại quên đi hết. Dù có vất vả nhưng giúp được bà con trong khu cách ly để họ khỏe mạnh sớm về nhà, chúng tôi lại cố gắng mỗi ngày”, anh Đức chia sẻ.
Những 'chiến binh' dũng cảm2

Đinh Thế Dương xung phong đi trực chốt kiểm soát dịch vào ban đêm

Từ trực chốt đến hỗ trợ tiêm vắc xin

Khi TP.Hà Nội triển khai đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay, các thanh niên tình nguyện ngoài việc trực chốt kiểm soát dịch, phục vụ ở khu cách ly còn “chạy sô” đến các điểm tiêm chủng trên địa bàn để hỗ trợ. Trong lúc tham gia hoạt động tình nguyện, có không ít người đã gặp rủi ro.
Anh Nguyễn Duy Bắc, Bí thư Đoàn xã Vĩnh Quỳnh (H.Thanh Trì, Hà Nội), chia sẻ: “Ở các điểm tiêm chủng người dân đến rất đông, nên lực lượng tình nguyện viên phải rất vất vả để ổn định trật tự, giúp mọi người giữ đúng khoảng cách, hỗ trợ đo thân nhiệt, khai báo y tế… Trong thời gian tham gia công việc này, có 2 bạn tình nguyện viên bị phát hiện dương tính. Sau đó công tác truy vết đã tiến hành kịp thời nhưng vẫn chưa xác định được nguồn lây”.
Hiện anh Bắc và cả đội thanh niên tình nguyện đang đi cách ly tập trung, còn 2 bạn là F0 được đi điều trị. Tuy vậy họ vẫn lạc quan. “Khi tham gia tình nguyện, chúng tôi cũng xác định mình có thể bị lây nhiễm, nhưng để mọi người được an toàn và sớm chiến thắng dịch bệnh, trở về cuộc sống bình yên, các bạn tình nguyện viên dù đang là F0 và F1 vẫn không nao núng, ai cũng sẵn sàng trở lại làm nhiệm vụ khi đã ổn định sức khỏe và hết thời gian cách ly”, anh Bắc trải lòng.
Hà Nội: Hơn chục ngàn thanh niên tình nguyện tham gia chống dịch
Chia sẻ về việc tham gia phòng, chống dịch Covid-19, anh Nguyễn Đức Tiến, Phó bí thư thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.Hà Nội, cho biết trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ca nhiễm mới tại cộng đồng, Thành đoàn Hà Nội đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn thủ đô xung kích, tiên phong tham gia, đảm nhận nhiều công tác hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh. Toàn TP có hơn chục ngàn thanh niên tình nguyện đã tham gia chống dịch, bằng rất nhiều việc làm, hoạt động thiết thực, chung tay cùng TP vượt qua đại dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.