Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1.2023

Mai Hà
Mai Hà
31/12/2022 18:10 GMT+7

Từ tháng 1.2023 bỏ quy định nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính; áp chính sách với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty TNHH do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ.

Theo Văn phòng Chính phủ, từ tháng 1.2023, một số chính sách mới của Chính phủ sẽ có hiệu lực.

Bỏ quy định nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính. Từ ngày 1.1.2023, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công sẽ có hiệu lực.

Kể từ ngày 1.1.2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng

phúc bình

Theo đó, nghị định bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, chủ yếu thuộc nhiều lĩnh vực như: việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội, điện lực, nuôi con nuôi…

Thay vào đó, khi thực hiện các thủ tục trên, người dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ: thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2022 nhìn lại: GDP cao kỷ lục và điểm sáng kinh tế Việt Nam

Chính sách với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty TNHH do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ có hiệu lực từ 15.1.12023. Theo đó, Nghị định 97/2022/NĐ-CP quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Gồm: công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước; công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; công ty độc lập. Việc sắp xếp được thực hiện khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm: cổ phần hóa, bán toàn bộ doanh nghiệp; chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; chuyển thành đơn vị sự nghiệp; sáp nhập, hợp nhất, chia, tách; giải thể, phá sản.

4 trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản: Nghị định số 99/2022/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm có hiệu lực từ 15/1/2023. Trong đó, Nghị định quy định rõ 4 trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản (biện pháp bảo đảm).

Cụ thể, gồm: đăng ký thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, bảo lưu quyền sở hữu theo quy định của bộ luật Dân sự, luật khác liên quan; đăng ký theo thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, trừ cầm giữ tài sản; đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có nhiều bên cùng nhận bảo đảm hoặc trong trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có thỏa thuận; đăng ký thay đổi nội dung đã được đăng ký (đăng ký thay đổi); xóa đăng ký nội dung đã được đăng ký (xóa đăng ký) đối với trường hợp quy định tại các điểm 1, 2 và 3.

Quy định mới về cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, theo đó Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Xây dựng và thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bồi thường nhà nước, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, công tác pháp chế; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ. Về cơ cấu tổ chức, Bộ Tư pháp có 25 đơn vị.

Ngân hàng nhà nước có 25 đơn vị theo Nghị định 102/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1.1.2023.

Ngân hàng nhà nước là cơ quan ngang bộ; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối (tiền tệ và ngân hàng); thực hiện chức năng của Ngân hàng T.Ư về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Về cơ cấu tổ chức, Ngân hàng Nhà nước có 25 đơn vị.

2022 nhìn lại: Việt Nam đã thực sự vượt qua đại dịch Covid-19?

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Nghị định 108/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định viện thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tư vấn về chính sách phát triển trong lĩnh vực khoa học xã hội; đào tạo nhân lực có trình độ cao về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có 38 đơn vị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.