Sở dĩ các nhân vật chính phải lên Lương Sơn là do “quan bức dân phản”. Chung quy bọn họ cũng chỉ là tạm thời náu mình, ngóng đợi chiêu an để lập công báo quốc. Đây là tư tưởng đã được trình bày rõ ngay từ tác phẩm Đại Tống Tuyên Hòa di sự. Mãi đến thời Thanh, nhà phê bình Kim Thánh Thán mới bắt đầu đề xuất ý kiến trái ngược, nói Tống Giang giả nhân giả nghĩa. Có thật thế không?
Đầu hàng triều đình
Mặc dù nổi lên tại Lương Sơn bạc sớm hơn Phương Lạp, nhưng Tống Giang chỉ bành trướng hoạt động khi Phương Lạp nổi dậy vào năm Tuyên Hòa thứ 2 (1120). Điều thú vị là Tống Giang ngày càng có xu hướng chuyển mũi hoạt động về phía nam. Tống sử, Huy Tông kỷ chép: “Tuyên Hòa năm thứ 3 (1121), tháng 2, ngày Giáp Tuất, giáng chiếu chiêu an Phương Lạp… Tháng đó, Phương Lạp hãm Xứ Châu. Giặc Hoài Nam là bọn Tống Giang phạm Hoài Dương quân. Sai tướng đánh dẹp. Lại xâm phạm Kinh Đông, Giang Bắc, vào địa giới hai châu Sở, Hải. Sai tri châu Trương Thúc Dạ chiêu hàng chúng”.
Giang Nam lúc này đang là địa bàn hoạt động mạnh của Phương Lạp. Tống Giang từ bắc kéo quân về nam. Điều này khiến người ta không khỏi có cảm giác ông ta muốn hô ứng với Phương Lạp. Có điều Tống Giang tính không bằng Tống triều tính. Tống Giang hoành hành Tề, Ngụy thì không ai dám chống, nhưng càng đi về nam thì sự đánh trả của quan binh triều đình càng mạnh. Tại Nghi Châu, Tri châu Tưởng Viên “một mình sửa soạn kế sách đánh giữ, đem binh phạm vào mũi nhọn của giặc. Giặc không thể làm bừa, mới bảo là chỉ mượn đường. Công giả vờ đồng ý, rình xét được hết thực tình của chúng, rồi đốc quân ác chiến, đại phá chúng. Dư đảng bỏ chạy về Quy, Mông, cuối cùng dâng biểu xin hàng”. Lúc qua Thuật Dương, Huyện úy Vương Sư Tâm cũng “dẫn binh chặn đánh ở trong cõi, giặc thua chạy”.
Tống Giang dẫn quân đến Hải Châu thì hoàn toàn bị Trương Thúc Dạ bẻ gãy. Tống sử, Trương Thúc Dạ truyện chép: “Tống Giang nổi lên ở Hà Sóc, đi cướp mười quận, quan quân không ai dám tranh phong, đánh tiếng là sắp kéo đến. Thúc Dạ sai gian tế dò xét hướng đi của chúng. Giặc vọt thẳng ra bờ biển, cướp mười mấy chiếc thuyền lớn, chở muối cướp được. Thế là
[Thúc Dạ] mộ tử sĩ, được 1.000 người, đặt phục ở Nghi Thành, rồi xuất khinh binh ra biển đánh nhử; lại cho lính khỏe nấp ở bên bờ biển. Đợi khi quân gặp nhau, liền đốt lửa thiêu cháy thuyền của chúng. Giặc nghe tin ấy, không còn lòng chiến đấu. Phục binh thừa cơ trỗi dậy, bắt kẻ làm phó của giặc. Giang bèn hàng”.
Bản dập văn bia Chiết Khả Tồn mộ chí minh |
TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ |
Sự diệt vong của Phương Lạp
Gần như không lâu sau khi bị đánh bại ở Hải Châu, Tống Giang đã xuất hiện trong đoàn quân của triều đình đi thảo phạt Phương Lạp. Bắc minh hội biên có chép việc nhà Tống “sai Đồng Quán làm Giang Chiết phủ sứ, dẫn theo bọn Lưu Diên Khánh, Lưu Quang Thế, Tân Xí Tông, Tống Giang hơn hai mươi vạn người đi thảo phạt”.
Trong chiến dịch bao vây Phương Lạp ở động Bang Nguyên, Tống Giang cùng với Triệu Minh, Triệu Hứa đảm nhiệm mặt phía sau động. Trận này Phương Lạp đại bại. Việc đó diễn ra vào tháng 4. Đến tháng 6, Tống Giang còn theo Tân Hưng Tông đánh giặc ở động Thượng Uyển. Việc Tống Giang có tham gia chiến dịch thảo phạt Phương Lạp là có thể xác nhận. Nhưng công lao đánh dẹp Phương Lạp không phải hoàn toàn của Tống Giang. Tống Giang chỉ góp một phần công lao vào đó.
Thực ra người có công lớn trong việc bắt giữ Phương Lạp chính là danh tướng Hàn Thế Trung. Thời đó Hàn Thế Trung còn là Thiên tướng dưới trướng Vương Uyên. Chính Hàn Thế Trung đã bẻ gãy quân Phương Lạp ở Hàng Châu, buộc Lạp chạy về sào huyệt Mục Châu. Tống sử, Hàn Thế Trung truyện chép: “Giặc ẩn sâu, dựa vách núi làm nhà, chia ra ba động. Các tướng nối nhau kéo đến, nhưng không ai biết lối vào. Thế Trung ngầm đi trong khe núi, hỏi người phụ nữ nhà quê, biết được đường nhỏ, liền cầm mác đi ngay, vượt hiểm mấy dặm, phá sào huyệt chúng, giết ngay mấy chục người, bắt Lạp dẫn ra. Tân Hưng Tông dẫn quân chẹn cửa động, cướp những người bị bắt để biến thành công lao của mình. Vì thế, việc ban thưởng không có Hàn Thế Trung”. Hàn Thế Trung bị Tân Hưng Tông cướp công. Tân Hưng Tông lại bị Tống Giang và đám người Lương Sơn bạc cướp công. Thật là chuyện trái khoáy.
Câu chuyện về nhóm người Tống Giang cũng kết thúc ở chỗ diệt Phương Lạp. Tống Giang hoàn toàn biến mất trong sử sách. Năm Tuyên Hòa thứ 4 (1122), Đồng Quán đánh Liêu. Sử tịch không nhắc đến Tống Giang nữa mà nhắc đến một tướng khác đi theo Đồng Quán là Dương Chí (nguyên bản của nhân vật Thanh Diện Thú Dương Chí).
Nhà nghiên cứu Dư Gia Tích đoán rằng lúc đó Tống Giang đã chết. Nếu Tống Giang còn sống, chắc hẳn có hoạt động được ghi chép lại. Đến năm 1939, ở Thiểm Tây phát hiện bia mộ của danh tướng Chiết Khả Tồn (1096 - 1126). Trong đó có nói, Chiết Khả Tồn tham gia đánh dẹp Phương Lạp, sau khi thắng trận “ban sư, đi qua quốc môn, phụng ngự bút phê sai đi đánh bắt thảo khấu Tống Giang, không quá một tháng, lại bắt được”. Tống Giang hàng rồi lại phản. Đó là điều hết sức kỳ lạ. Nhưng bia mộ Chiết Khả Tồn là tư liệu gốc. Thông tin ghi chép trong đó có thể tin tưởng được. Tống Giang theo triều đình chỉ vài tháng, còn phần lớn sự nghiệp là phản kháng triều đình. Vậy thế nào là trung nghĩa?
(còn tiếp)
Bình luận (0)