Những chuyến xe yêu thương

17/09/2021 15:02 GMT+7

Từ khi dịch Covid-19 đợt 4 bùng phát đến nay, mỗi ngày có hàng chục chuyến xe chở đầy nông sản từ Đà Lạt, Lâm Đồng hướng về TP.HCM và các tỉnh vùng dịch Covid-19.

Khởi đầu những chuyến xe yêu thương

Giữa tháng 6.2021, có 4 “Chuyến xe yêu thương” đầu tiên chở đầy rau, củ, quả từ TP.Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Bảo Lâm (Lâm Đồng) hướng về TP.HCM. Chương trình này do Tỉnh đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên VN tỉnh Lâm Đồng chủ trì, phối hợp Hội Phụ Nữ, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ và Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng kêu gọi, đã nhận được sự ủng hộ rất tích cực của các doanh nghiệp, các tổ chức công đoàn, cơ quan, đoàn thể… mang theo tình cảm của tuổi trẻ và người dân Lâm Đồng đến với TP.HCM.
Theo chị Trần Thị Chúc Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng, chương trình “Chuyến xe yêu thương” lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 18.6, nhằm mục đích gửi gắm tình cảm, tấm lòng của tuổi trẻ và người dân Lâm Đồng đến với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng y tế TP.HCM, với mong muốn thành phố mang tên Bác sớm vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh.
Bên cạnh đó, một số người dân khi biết chương trình “Chuyến xe yêu thương” đã nhiệt tình trực tiếp chở rau, củ, quả đến điểm tập kết để ủng hộ TP.HCM. Nhiều bạn trẻ trực tiếp ra đồng cùng nông dân thu hoạch rau củ để kịp đưa về TP.HCM.
Từ những “chuyến xe yêu thương” khởi đầu đó, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có những chuyến xe chở đầy nông sản hướng về Bình Dương, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng… để góp phần chung tay chống dịch.

Thanh niên tình nguyện tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ bốc xếp nông sản để vận chuyển về TP.HCM

L.V

Hỗ trợ TP.HCM trong cao điểm chống dịch

Từ ngày 22.8, tỉnh Lâm Đồng giao Sở NN-PTNT làm đầu mối tổ chức việc thu mua nông sản để đều đặn hỗ trợ (miễn phí) cho TP.HCM trong đợt cao điểm chống dịch mỗi ngày hơn 200 tấn rau, củ, quả các loại.
Các mặt hàng được ưu tiên thu mua là hàng củ, quả và rau để được dài ngày như: cà rốt, khoai tây, củ dền, củ cải, bắp sú… Việc thu mua rau, củ, quả được tỉnh Lâm Đồng đưa ra khung giá, nhằm đáp ứng 2 lợi ích: vừa tiêu thụ nông sản cho nông dân vừa hỗ trợ TP.HCM trong lúc chống dịch Covid-19.
Sáng 16.9, đợt thứ 6 Tập đoàn Phương Trang - FUTA Group sử dụng 20 xe giường nằm và 6 xe buýt vận chuyển 200 tấn nông sản đi TP.HCM. Tổng cộng tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ TP.HCM hơn 5.500 tấn nông sản.
Dịp này, thông qua Ủy ban MTTQ VN tỉnh Lâm Đồng, cộng đồng Công giáo tại Lâm Đồng hỗ trợ 10 tấn nông sản cho TP.HCM; phật tử tại Lâm Đồng cũng đóng góp 15 tấn nông sản hỗ trợ TP.HCM. Tất cả đều do hãng xe Phương Trang vận chuyển miễn phí.

UBND tỉnh Lâm Đồng với sự đồng hành của Tập đoàn Phương Trang, đã chuyển hàng ngàn tấn nông sản từ Lâm Đồng về hỗ trợ TP.HCM

L.V

Tập đoàn Phương Trang hoán cải hàng chục xe khách, xe buýt để vận chuyển nông sản từ Đà Lạt đi TP.HCM. Suốt quá trình vận chuyển, các xe bật máy lạnh để bảo quản nông sản được tươi ngon.
“Ở góc độ doanh nghiệp vận tải, chúng tôi sẽ dùng toàn bộ nguồn lực hiện có để hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động chống dịch, và cùng Lâm Đồng, TP.HCM hỗ trợ cộng đồng”, ông Đào Viết Ánh, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines, chia sẻ. 

Hái măng rừng gởi người dân TP.HCM

Thật cảm động, tại xã Đưng K’Nớ - xã nghèo nhất H.Lạc Dương (Lâm Đồng) và cách trung tâm huyện gần 60 km, khi nghe lời kêu gọi ủng hộ rau, củ, quả giúp TP.HCM chống dịch Covid-19, bà con dân tộc đã chia sẻ tình yêu thương với TP.HCM bằng chính những sản vật của núi rừng.
Theo ông Thân Văn Hữu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ, nhiều người từ sáng sớm lặn lội vào rừng bẻ măng về rửa sạch, lên nương rẫy kiếm những nhánh chuối lớn nhất để gởi về TP.HCM. Có gia đình mang lên góp vài trái bầu, trái bí, mấy trái đu đủ, trái bơ, hoặc một túi xoài xanh, mớ rau rừng…

Người dân Lâm Đồng thu hái nông sản để tặng TP.HCM cao điểm chống dịch Covid-19

L.V

Ông Kơ Đưng Ha Biêng, Trưởng thôn Lán Tranh (xã Đưng K’Nớ), cho biết bao nhiêu năm nay, đồng bào dân tộc nghèo ở Lán Tranh và xã Đưng K’Nớ nhận được sự nhiều quan tâm, chia sẻ của các tổ chức thiện nguyện TP.HCM, nay TP.HCM đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 nên đồng bào muốn đáp đền lại tình yêu thương ấy.
Theo ông Lê Chí Quang Minh, Phó chủ tịch UBND H.Lạc Dương, từ khi dịch đợt 4 đến nay, ngoài việc huyện trích kinh phí thu mua nông sản, thì bà con các dân tộc cùng các ban ngành, đoàn thể, tôn giáo trong huyện cùng chung tay đóng góp để chuyển về TP.HCM và tỉnh Bình Dương được hơn 500 tấn rau, củ, quả các loại.

Chung sức chung lòng

Ngoài ra, một lượng lớn rau chưa được thống kê cụ thể cũng đã được người dân các huyện, các tổ chức thiện nguyện, các tôn giáo trong tỉnh Lâm Đồng gửi tặng người dân vùng dịch. Sở NN-PTNT Lâm Đồng ước tính có khoảng 15.000 tấn nông sản đã được bà con nông dân tặng TP.HCM và các tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 trong đợt dịch thứ 4 này.

Đoàn xe Phương Trang đã vận chuyển hàng ngàn tấn nông sản từ Lâm Đồng về tặng TP.HCM

L.V

Không chỉ nông dân mà đoàn viên thanh niên, hội viên Chữ thập đỏ, hội phụ nữ, giáo viên, công chức, tu sĩ… ở TP.Đà Lạt và các huyện cùng chung tay ra đồng thu hái, đóng rau, củ, quả vào bao, thùng để bảo quản tốt nhất trong quá trình vận chuyển đi TP.HCM và các tỉnh. Các nhà xe nhận vận chuyển những “chuyến xe yêu thương”, “chuyến xe không đồng” miễn phí; bên cạnh đó nhiều tài xế xung phong được làm tình nguyện viên đưa rau đi các tỉnh vùng dịch mà không nhận thù lao.
Tại huyện Đức Trọng, từ tháng 6.2021 đến giữa tháng 9.2021, cán bộ, người dân, các đoàn thể, tổ chức của huyện đã đóng góp hỗ trợ cho vùng dịch trong tỉnh và TP.HCM cũng như các tỉnh có dịch gần 4.000 tấn rau củ, quả các loại (nhiều nhất tỉnh Lâm Đồng). Số nông sản này được chuyển đi hàng ngày bằng xe tải nhỏ do nông dân thuê hoặc được một số nhà xe ủng hộ.
Có thể nói, gần như mọi năng lượng tốt đẹp dành cho bà con đang gặp khó khăn trong vùng dịch đều được lan tỏa từ những “chuyến xe yêu thương”, “chuyến xe 0 đồng” và chương trình 5.000 tấn rau xanh tặng bà con TP.HCM và các tỉnh phía nam.
Việc hỗ trợ nông sản cho người dân vùng dịch của UBND tỉnh Lâm Đồng thể hiện sự đồng hành của người dân cao nguyên với người dân các tỉnh phía nam trong hành trình bước qua đại dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.