Tính từ ngày 16.8 đến nay thì nhóm thiện nguyện Trụ lại Sài Gòn đã chạy được chẵn một tháng. Đó là một tháng của biết bao cung bậc cảm xúc. Nhưng không chỉ cảm xúc, đó còn là một tháng của những hành động thiết thực, cùng chung tay với người nghèo để tìm cách vượt qua đại dịch.
Mỗi tấm lòng là một nhịp cầu
Ngày 15.8, khi nhìn thấy cảnh những đoàn người, trong đó có rất nhiều cặp vợ chồng trẻ, ràng rịt, bồng tống trên những chiếc xe gắn máy, tìm cách thoát khỏi thành phố, nhưng bất thành; thú thật tôi đã không kìm được những giọt nước mắt.
Mấy chục năm trước, tôi cũng từng là người từ quê nghèo Quảng Ngãi vào Sài Gòn trọ học rồi sinh sống, làm việc ở đây cho tới hôm nay. Tôi từng có hơn 10 năm sống cảnh nhà trọ, nên rất hiểu tình cảnh và cảm xúc khi phải dọn hết đồ đạc lên một chuyến xe rồi rời đi không dám ngoái đầu nhìn lại.
Nhưng với họ, giờ đây đi hay ở, không tự mình quyết định được. Chúng ta phải hiểu rằng, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 lúc này, có những thứ không thể đo lường bằng suy nghĩ hay cảm xúc thông thường.
Đúng là “tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận”. Không được về quê, phải quay đầu xe trở lại, phải thực hiện nghiêm “ai ở đâu ở yên đó”, đồng lòng chống dịch. Nhưng để “ai ở đâu ở yên đó” thì vẫn phải có những người “dịch chuyển” giúp đỡ họ. Tôi nghĩ thế, nên không chần chừ mà khởi động nhanh nhóm thiện nguyện Trụ lại Sài Gòn.
|
Như tôi đã chia sẻ, Trụ lại Sài Gòn nòng cốt là CLB thiện nguyện “Về với quê mình” của các anh chị quê Quảng Ngãi hiện sinh sống ở Sài Gòn. Đó là các anh chị Nguyễn Tấn Đức, Đoàn Thế Hiền, Hàng Chức Nguyên, Lê Quốc Ân, Nguyễn Hoàng Ngân, Kiều Phụng, Thanh Trâm, Thùy Trang… Những người đã thực hiện không biết bao nhiêu chương trình thiện nguyện về với quê nhà suốt bao năm qua. Nhưng để thực hiện chương trình Trụ lại Sài Gòn, trong bối cảnh cả thành phố tăng cường giãn cách, chúng tôi hữu duyên may mắn khi nhận được sự kết nối, trợ giúp từ đội xe bán tải PNF (Pickup And Friend), mà anh Trần Đức Vượng là một nhịp cầu.
Thế rồi, từ khi họa sĩ Trần Trung Lĩnh giúp tôi vẽ cái poster chương trình, thì các nhịp cầu khác dần xuất hiện, ráp nối vào nhau. Đó là nhà báo Nguyễn Trần Tâm, Bùi Nhơn, Hà Phan, Bùi Đương, Phương Huyền… Không có họ, chắc chắn chương trình không thể thành công và lan tỏa như hiện nay.
|
Số tiền tỷ lệ thuận với lòng yêu thương
Bây giờ, khi tôi ngồi viết những dòng này thì điện thoại vẫn không ngừng đổ chuông và tin nhắn Zalo vẫn liên hồi. Nhưng thú thật là đỡ hơn rất nhiều so với 2 tuần đầu chương trình. Đó là 2 tuần mà tôi bị “quay chong chóng” từ 7 giờ sáng tới 10 giờ đêm. Để ngủ, tôi chỉ còn cách tắt điện thoại. Nhưng tắt điện thoại rồi thì vẫn cứ nằm thao thức, chập chờn.
Dự cảm của tôi về sự khó khăn của những cặp vợ chồng trẻ hóa ra là đúng. Rất nhiều bạn trẻ gọi cho tôi, bối rối, lo lắng, hoang mang và nghẹn ngào. Có rất nhiều cuộc điện thoại bị ngắt nửa chừng. Tài khoản điện thoại không đủ cho một cuộc gọi, phải tạm ứng thêm 10.000 đồng để khẩn khoản: “Chú ơi, chú đồng ý kết bạn Zalo với con đi. Máy con hết tiền rồi”. Thế rồi, chưa bao giờ tôi có nhiều bạn bè trên Zalo như thế.
|
Như dự tính ban đầu của chúng tôi, hỗ trợ bằng phương thức chuyển khoản là chủ yếu trong giai đoạn này. Để làm tốt việc này, ngoài tôi làm nhiệm vụ tiếp nhận thông tin chính, còn có các kênh do các nhà báo đang làm công tác chống dịch hỗ trợ nhiệt tình. Mỗi khi xuống địa bàn tác nghiệp, họ phối hợp lập danh sách các hộ cần hỗ trợ chuyển về cho chúng tôi xử lý.
Nhưng tôi vẫn là người chịu trách nhiệm xác nhận các thông tin chuyển khoản, nên điện thoại cứ dồn dập ngày đêm. Có những trường hợp, có cảm giác cần kíp, không thể chờ đợi thêm được nữa, tôi phải nhờ mấy người bạn “giải cứu”. Thật cảm động, không ai tỏ ra phiền hà, bực bội, trái lại còn nhắn nhủ: “Nếu thấy ai cần gấp, cứ nhắn đừng ngại”.
Cứ như thế, những người góp vào tài khoản của nhóm Trụ lại Sài Gòn ngày một nhiều. Khi con số vượt qua 1,5 tỉ đồng, tôi thật sự xúc động, không tin rằng nhóm mình có thể quyên góp được số tiền lớn như vậy. Bởi đây là thời điểm khó khăn chung của cả cộng đồng. Số tiền lúc này cũng tỷ lệ thuận với tình yêu thương và sự tin tưởng. Đặc biệt bất ngờ và xúc động là nhóm bạn văn Hải Dương, do nhà văn Trương Thị Thương Huyền và anh Đoàn Văn Thanh đại diện, đã quyên góp và ủng hộ nhóm Trụ lại Sài Gòn tới hơn 100 triệu đồng.
Cùng với số tiền, nhóm Trụ lại Sài Gòn cũng nhận được rất nhiều quà từ các nhà hảo tâm, và đặc biệt là từ quê nhà Quảng Ngãi.
|
Lấm láp cuộc đời, mộc mạc yêu thương
Chương trình của nhóm Trụ lại Sài Gòn vẫn tiếp tục, chúng tôi chưa có con số tổng kết sau cùng. Tuy nhiên, lúc này có đôi phút ngồi nhìn lại, tôi thấy đọng lại những điều thật đáng nhớ, đáng quý.
“Không ai nhận quà mà không để lại lời cảm ơn”. Thật ngẫu nhiên, tôi và anh Hàng Chức Nguyên đều thốt lên câu này. Người nhận gạo mì mắm muối, cảm động rớt nước mắt, mộc mạc nói lời cảm ơn. Người nhận tiền qua tài khoản, để lại những dòng tin nhắn đầy cảm xúc, lời cảm ơn đi cùng với lời chúc. Có những hôm, không có thời gian đọc tin nhắn, thì có người cứ nhắn đi nhắn lại, cho đến khi mình đọc được và phản hồi.
|
Thỉnh thoảng tôi lại gặp vài trường hợp không biết chữ, mặc dù đó là những bạn không còn quá trẻ, rất ngạc nhiên, tôi hỏi kỹ thì biết lúc ở quê họ lo làm lụng mà bỏ trường lớp. Giờ họ rất ân hận, nhưng lúc này không biết làm sao. Không biết số tài khoản là gì. Cũng chưa từng đi rút tiền ở cây ATM. Họ phải mượn tài khoản chủ phòng trọ hoặc bạn phòng bên. Chuyển khoản xong phải lọ mọ chuyển màn hình thông báo cho họ. Nhận được rồi, họ lại gọi điện liên tục, bực quá nhưng cũng ráng bình tĩnh: “Chú chuyển tiền cho con rồi mà”; “Dạ, con nhận được rồi, con gọi để cảm ơn chú”. À, thì ra không biết chữ nên phải gọi cảm ơn.
Nếu như không trực tiếp tham gia chương trình này, tôi chắc chắn không biết một điều: “Ở thành phố này, single mom (bà mẹ đơn thân) gần như là bất tận”. Trung bình cứ 10 cuộc gọi tới cho tôi xin hỗ trợ tiền mua sữa tã cho con thì có chừng 7 bạn là single mom. Những mảnh đời dang dở, đầy nước mắt. “Tụi em ăn uống sao cũng được, nhưng con không có sữa uống khóc miết, tụi em chịu không nổi”, đó là lời tâm sự chung của những bà mẹ trẻ.
|
Nhưng dù họ là ai, đời sống lấm láp thế nào, tôi vẫn thấy ở họ sự chân thành mộc mạc của yêu thương. Có cô gái xin được 500.000 đồng, rồi về chia lại một nửa cho bạn cùng dãy trọ, xong nhắn tin “báo cáo” cho tôi. Và, người mẹ trẻ nào, khi nhận tiền cũng vội vàng mua sữa tã, chụp hình gửi qua Zalo “khoe” với tôi.
Rồi, không biết tự bao giờ, trên mạng người ta kêu tôi là “Ông nhà văn cho sữa”. Bạn nào gọi tới cho tôi cũng hỏi: “Chú ơi, chú có phải là nhà văn cho tiền mua sữa không?”. Tôi nghe rất mắc cười, nhưng phải nghiêm giọng nói rằng: “Tiền này không phải của cá nhân tôi đâu. Đây là tiền mà mọi người góp cho nhóm Trụ lại Sài Gòn để nhờ nhóm san sẻ tới các bạn”. Cũng có người mẹ trẻ đang mang bầu sắp sinh, biết tôi là nhà văn nên nhờ đặt tên con giùm, tôi nói: “Cha mẹ hãy là người đặt tên cho con mình. Hãy cứ đặt cái tên mà mình muốn kêu lên nhất”.
Cứ như thế, một tháng trôi qua, tôi thấy mình như đi giữa hàng trăm phận người và còn không biết bao nhiêu câu chuyện chưa kể hết.
Và tôi thấy thêm nhiều những hy vọng, khi Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin TP.HCM tiếp tục nỗ lực chăm lo an sinh cho người dân ở trên địa bàn, sau khi hàng ngàn tỉ đồng đã được chi hỗ trợ trong thời gian giãn cách.
|
Bình luận (0)