Những cô nàng 9X 'đau lắm' ở phòng chờ phá thai

05/07/2016 10:07 GMT+7

Một sự yên lặng đáng sợ bao trùm lên tất cả, ngoài tiếng của bác sĩ tất cả đều im lặng, không ai nói với ai tiếng nào vì họ biết điều họ đang làm tại đây – phá thai là việc bất đắc dĩ.

Khoa Kế hoạch hóa gia đình tại tầng 4 khu M của bệnh viện Từ Dũ luôn tấp nập người ngồi chờ nhưng ai cũng im lặng, chẳng hề nói với nhau tiếng nào. Những người trẻ tại đây người thì cặm cụi lướt điện thoại người thì gục mặt lên hàng ghế phía trước vì chờ đợi quá lâu, cũng có thể, họ gục mặt để không ai thấy những giọt nước mắt đang lăn dài.
“Em đau lắm…”
Bước ra từ khu vực dành riêng cho bệnh nhân, Nguyễn Ngọc Minh T. (20 tuổi, sinh viên trường ĐH T.N TP.HCM) ôm bụng, bước từng bước khó nhọc về phía hàng ghế đợi. Cô gái trẻ đeo khẩu trang kín mít, lấy tay làm gối, tựa đầu xuống thành ghế thút thít.
T. kể, em quen bạn trai trong cùng dãy trọ ngay từ năm nhất Đại học, đến năm hai thì cả hai dọn về sống với nhau như vợ chồng mặc những lời can ngăn của cô bạn thân. Cuộc sống của đôi “vợ chồng” cũng hạnh phúc, đủ đầy với sự chu cấp hằng tháng của cha mẹ hai bên.
“Thời gian đó cũng là quãng thời gian hạnh phúc, anh hứa với em nhiều lắm, đợi học ra trường có việc làm rồi cả hai ra mắt cha mẹ để làm đám cưới. Em một mực tin tưởng nên mới dọn đồ sống chung với anh”, T. nhớ lại.
Em cũng dày vò bản thân mình nhiều lắm, đứa bé không có tội, người có tội là em. Nhưng nếu ra đời em bé sẽ rất khổ vì không có cha, em lại chưa thể tự mình nuôi con được...

Nguyễn Ngọc Minh T. (20 tuổi)

Đến khi thấy mình hay ói, đau lưng, đau bàn tay, bàn chân lại không thấy chu kỳ 2 tháng liên tiếp T. mới nghi ngờ mua que về thử, 2 vạch, T. biết mình có thai khi vừa kết thúc năm hai Đại học.
Vừa lo sợ vừa run rẩy T. điện thoại cho bạn trai đang học ở trường, cậu bạn trai hơn T. 1 tuổi ậm ừ cho qua chuyện rồi tắt máy.
T. nghẹn ngào: “Đến khi anh về em nói có em bé chắc cũng 3 tháng rồi thì anh ôm em lại bảo cho anh thời gian để tính chuyện. Vậy mà hôm sau em đi chợ về thấy phòng trống hoác, anh đã dọn đồ đi, em gọi, bạn bè anh gọi cũng không được, anh khóa cả Facebook. Hiểu chuyện, em đau lắm, khóc đến ngất đi, tỉnh dậy em tìm đọc trên mạng rồi đến đây bỏ thai”.
Biết rằng bỏ thai là mang tội nhưng có lẽ đây là sự lựa chọn duy nhất, T. nói trong nước mắt, em không còn sự lựa chọn nào khác, vì ở quê, cha mẹ phải chạy đi mượn tiền chỗ này chỗ kia cho em đi học, mong em được đổi đời.
Lấy tay quệt nước mắt: “Em cũng dày vò bản thân mình nhiều lắm, đứa bé không có tội, người có tội là em. Nhưng nếu ra đời bé sẽ rất khổ vì không cha, em lại chưa thể tự mình nuôi con”.
Vì thai đã được 12 tuần nên phải thực hiện gắp thai, thủ thuật này khiến T. đau đớn nhưng vẫn phải cắn răng chịu đựng, nỗi đau về thể xác một phần, nỗi đau tinh thần còn hơn thế nữa.
T. chậm rãi tay vịn cầu thang, tay ôm bụng, bịt kín khẩu trang lầm lũi từng bước ra về từ thang bộ tầng 4 của bệnh viện…
“Chơi được, chịu được”
Bằng tuổi T. nhưng Lê Thị Kim M. (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) thì chẳng chút sợ sệt hay đau đớn. M. nổi bật nhất trong phòng chờ với đôi chân dài miên man, mái tóc nhuộm vàng. Trong thời gian chờ đợi đến lượt vào phòng khám, M. liên tục lớn tiếng với cậu bạn trai đi cùng: “Thấy chưa đã nói rồi mà không nghe, ham hố cho cố vô”.
Nhiều người gục đầu dựa xuống ghế tại phòng chờ
Nhiều người gục đầu dựa xuống ghế tại phòng chờ Ảnh: V.P
M. cho biết vì gia đình có điều kiện nên M. được gia đình mở cho một shop bán quần áo nhưng tất cả đều có nhân viên làm, công việc của M. chỉ là hằng ngày tới lấy tiền.
Khi được hỏi em có hối hận không, M. nói: “Ai trách gì trách, chơi được chịu được chẳng sao hết”.
Trở ra từ phòng khám, bước đi đủng đỉnh trên đôi giày cao gót, M. đập mạnh giấy tờ xuống tay cậu bạn trai rồi phán câu xanh rờn: “Lần thứ ba rồi, thêm lần nữa là chừng tui khỏi đẻ” rồi quay ngoắt đi ra trước.
Những trường hợp như T., như M. tại bệnh viện Từ Dũ không phải là ít, thế nhưng tước đoạt đi quyền sống của chính đứa con mình có phải là sự lựa chọn duy nhất hay không? Ngoài ra, phá thai còn để lại những hệ lụy như ảnh hưởng tâm sinh lý và thiên chức làm mẹ sau này.
Một số nhà tạm lánh dành cho phụ nữ mang thai cần nơi nương tựa để sinh con:

-         Mái ấm Giê su (38 Kỳ Đồng, P.9, Q.3)

-         Mái ấm Tình mẹ 1 (99/1 Phan Văn Trị, P.10, Q.Gò Vấp)

-         Nhà tình thương Giê-ra-đô (352/5/16 Bình Quới, P.28, Q.Bình Thạnh)

-         Mái ấm Mai Linh (74/805C Lê Đức Thọ, P.17, Q.Gò Vấp)

-         Nhà tạm lánh Mai Tiến (KP4, P. Hố Nai, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.