Rồng trong văn hóa Việt

Những con rồng tai to

10/02/2024 14:00 GMT+7

Đôi mắt to ngoại cỡ, cặp tai cũng vĩ đại không kém, cánh tai cái cụp cái xòe đầy nét duyên, cùng khóe miệng rộng tươi cười nhân hậu… những con rồng dị tướng ấy bước khỏi thế giới của linh vật, quyền uy nơi hoàng triều và cõi xa tiên thánh để hòa vào đình làng một cách thân thương, gần gũi, từ đó định hình một dòng rồng Việt độc đáo hơn 300 năm.

Trong chiều dài lịch sử biến đổi hình dáng rồng Việt, khi hệ thống kiến trúc đình làng hình thành rõ nét, từ giai đoạn Lê sơ - Mạc - Lê trung hưng (1428 - 1789), việc sử dụng trang trí rồng qua chạm khắc trên gỗ đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Rồng ở đình làng cổ được thể hiện khác nhiều với kiến trúc lăng tẩm, cung điện đương thời, chiếm số lượng đa dạng, rõ nét cả về ý nghĩa, tạo hình, xúc cảm, giới tính… Tìm về những ngôi đình cổ hôm nay như một hành trình ngược dòng lịch sử để gặp lại hình tượng rồng đặc biệt trong nghệ thuật, tín ngưỡng dân gian Việt Nam xưa, đặc biệt là con rồng tai to kỳ lạ.

Những con rồng tai to- Ảnh 1.

Rồng mẹ, rồng con, người chơi đùa với hổ, người ôm râu rồng, làm thơ, đi chợ… gửi gắm niềm mong ước thái bình

Lam Phong

Rồng tai to, vì sao ?

Rồng khi hiện diện chốn vương triều là biểu trưng quyền lực của vua nên có những quy tắc, định chế riêng. Án ngữ trên kiến trúc cung điện, trong trang trí nội thất, trên trang phục, cả trong đồ ngự dụng chốn hoàng cung, hình tượng rồng phải tuân theo niêm luật quy định rõ về kiểu dáng, hình thức biểu hiện. Ngược lại, về đến đình làng, chuẩn mực của rồng nơi hoàng triều bị phá vỡ hoàn toàn, đặc biệt là vị trí và thứ bậc. Linh vật rồng từ cõi trên cao, ở vị trí quan sát, trấn giữ, bảo vệ, giờ hạ thân xuống với đời, trở thành rồng cha, rồng mẹ, rồng con, hòa nhịp sống chung trong đình làng - thể hiện đầy sinh động qua các mảng chạm hoạt cảnh sinh hoạt đời thường như đi chợ, mẹ gánh con, đấu vật, đi săn, hội đua thuyền…

Dựa vào hình dáng rồng trên kiến trúc đình làng, có thể thấy rõ những biến chuyển thú vị, riêng rồng tai to nói lên nhiều điều. Đầu tiên, phải xét đến hình tượng rồng trên kiến trúc đình cổ từ thời nhà Mạc (1527 - 1677). Những ngôi đình tiêu biểu từ thời Mạc còn tồn tại đến ngày nay có thể kể đến như Thụy Phiêu (1531, Ba Vì, Hà Nội), Lỗ Hạnh (1576, Hiệp Hòa, Bắc Giang), Tây Đằng (1583, Ba Vì, Hà Nội)… đều có hình tượng rồng trong trang trí kiến trúc. Kiểu thức rồng thời Mạc ở các mảng chạm nơi vì nóc, đầu dư, hệ tai cột quân… với hình rồng uy nghi, dũng mãnh, ánh mắt tinh anh, thân hình uyển chuyển mềm mại, biểu trưng uy lực vốn có của rồng. Đặc biệt là rồng chạm ở đầu dư, với thế ngoảnh mặt vào gian giữa nơi đại đình, rất sống động và đầy thần thái. Các kiểu thức chạm rồng tiêu biểu kể trên và cũng sớm nhất trong kiến trúc đình làng, chỉ tồn tại dưới thời Mạc.

Từ thời Lê trung hưng (1533 - 1789) trở về sau, rồng tai to bắt đầu xuất hiện trên kiến trúc đình. Nhìn lại lịch sử khi ấy, đất nước đang trong cảnh loạn lạc nam - bắc triều giữa hai nhà Hậu Lê - Mạc, rồi chế độ vua Lê - chúa Trịnh (1545 - 1786), tiếp đến là Trịnh - Nguyễn phân tranh từ 1627 khiến đất nước chia cắt thành Đàng Trong (Nguyễn) và Đàng Ngoài (Trịnh), lại còn thêm cả quốc nạn kiêu binh của lính tam phủ hoành hành dữ dội ở Đàng Ngoài, đặc biệt trong giai đoạn 1782 - 1786. Những điều đó cho thấy bức tranh toàn cảnh xã hội bấy giờ, tầng lớp trên cùng với chúa thì chuyên quyền, át vua, vua thì bù nhìn, bất lực, quan lại thì tham ô, tranh giành quyền lực, rồi thêm nạn kiêu binh, cướp bóc khắp chốn khiến đời sống dân đen khốn khổ, lầm than. Làng xã khi ấy tự tách khỏi những quản lý, luật lệ, phép tắc triều đình, họ tự xây dựng thành những "lệ làng" làm chỗ dựa tinh thần. Rồng tai to cũng theo dòng chảy nhiễu nhương xã hội khi ấy mà hiển lộ, nhằm gửi gắm khát vọng, ước mong của người dân cho bản thân, gia đình, làng xã và đất nước.

Những con rồng tai to- Ảnh 2.

Nét đẹp hồn nhiên, vô tư của rồng tai to ở mảng chạm đình Chu Quyến (đình Chàng, Ba Vì, Hà Nội)

Lam Phong

Những con rồng tai to- Ảnh 3.

Nét hiền hậu của rồng mẹ khi nhìn đàn rồng con chơi đùa vui vẻ cùng kỳ lân ở đình Mông Phụ (Sơn Tây, Hà Nội)

Lam Phong

Rồng làng, rồng đời

Rồng tai to xuất hiện dưới mái đình, cho thấy hệ thống làng xã lúc đương thời đã tách biệt khỏi sự quản lý của triều đình. Họ tự tạo ra rồng theo lối riêng, không theo kiểu thức nhất định, cũng chẳng theo khuôn mẫu hay bố cục nhất quán. Mỗi đình làng có cách biểu hiện rồng theo cách nghĩ riêng, và ẩn ý sau hình tượng rồng mới chính là điều người dân muốn thể hiện.

Nhìn vào hình rồng tai to trên mảng chạm trang trí, chi tiết gây ấn tượng về tạo hình là đôi tai một cái vểnh, một cái cụp, thể hiện động tác lắng nghe một cách chăm chú. Ý đồ cho sự ra đời của rồng tai to bắt đầu thể hiện rõ: Nếu rồng là vua, biết lắng nghe tiếng lòng của dân, đất nước sẽ không còn cảnh nồi da xáo thịt. Nếu trong gia đình, người làm chủ (là cha mẹ) biết lắng nghe lẫn nhau, gia đình hẳn sẽ thuận hòa ấm êm. Nếu trong xã hội, người trên biết nghe lời ngay thẳng, tôn ti trật tự được duy trì, xã hội sẽ thanh bình, yên ả. Thế nên ở các mảng chạm rồng tai to, gần như không thấy rồng xuất hiện một mình, mà thường gắn liền với một con rồng tai to khác để tạo thành cặp đôi rồng bố, rồng mẹ, cùng bầy rồng con vây quanh. Cũng có khi rồng tai to và các linh thú khác trong bộ tứ linh hoặc đồng hiện với muông thú phàm trần như hổ, chim hoặc xuất hiện trong cảnh sinh hoạt cùng con người. Đặc biệt là hình ảnh người đùa với rồng, cưỡi rồng, tay vuốt râu rồng… đều là những hành động mà nếu diễn ra ở chốn cung đình thì e rằng chủ thể con người khó bảo toàn mạng sống.

Những con rồng tai to- Ảnh 4.

Mảng chạm nơi cửa võng ở đình Hương Canh (Vĩnh Phúc) với hình tượng rồng mẹ chứng kiến thế sự nhiễu nhương, tranh giành của nhiều thế lực

Lam Phong

Không chỉ sáng tạo hình tượng rồng tai to kỳ lạ, nghệ thuật chạm chốn đình làng còn đẩy cảm xúc rồng lên cảnh giới khác. Rồng trong mọi hình thái ở cung đình, vốn thường chỉ có uy nghiêm, oai vệ, thậm chí là dữ tướng, chứ chưa từng xuất hiện với hình ảnh băn khoăn, trăn trở, ưu thời mẫn thế như rồng tai to. Ở mảng chạm rồng ngay cửa võng đình Hương Canh (Vĩnh Phúc) là ví dụ cho cảm xúc rồng như thế. Rồng xuất hiện ở vị trí trung tâm mảng chạm, tai cụp tai vểnh rất nét, ánh mắt buồn nhìn đàn rồng con và thú dữ cọp, cá sấu, và cả hình tượng người… như đang tranh chấp, xâu xé lẫn nhau, khiến rồng mẹ phiền não, khổ đau vì đàn con mà không cách gì ngăn giải được. Chỉ một mảng chạm đã biểu đạt thật trọn vẹn thời cuộc đương thời. Lối cài cắm tài tình ấy, phải là người có khối óc kỳ diệu mới có thể tạo nên diện mạo của rồng sao cho vừa không phạm phép nước, không gây xáo động đến thiên triều, mà vẫn truyền tải được ý tứ, mong vọng, tình cảm, niềm đau…

Hình tượng đặc dị của rồng tai to mang nét đẹp tiêu biểu về nghệ thuật chạm khắc thời Lê trung hưng và là kho tàng văn hóa dân gian độc đáo, không lặp lại ở các thời kỳ tiếp nối về sau. Nếu muốn tìm hình tượng rồng Việt rõ nét và mang lại nhiều cảm xúc ấn tượng nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt, hẳn không thể thiếu những con rồng tai to nơi đình làng cổ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.