Cửa đóng then cài !
Theo thống kê của tổ giám sát Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị mới đây, chỉ riêng ở TP.Đông Hà có 4 công trình của các cơ quan T.Ư tồn tại một cách rất lãng phí. Đó là nhà khách Biên phòng (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng), Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị, trụ sở TAND TP.Đông Hà (cũ), trụ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Trị.
Công trình nhà khách Biên phòng cửa đóng then cài |
Trong số đó, nhà khách Biên phòng tọa lạc trên đường Lý Thường Kiệt với mặt tiền hàng chục mét. Công trình này trước đây đã có thời gian tu sửa và trưng dụng làm nơi cách ly tập trung phòng Covid-19, nhưng gần đây hầu như không được sử dụng. Đến cuối tháng 4, cả tòa nhà chính giữa (còn khá mới) và 2 khối nhà cũ cạnh đó đều cửa đóng then cài.
Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị được Bộ GD-ĐT phê duyệt xây dựng từ năm 2009 tại P.Đông Lương với kinh phí 256 tỉ đồng. Do số lượng sinh viên tuyển sinh quá ít nên nhiều năm qua hầu hết các phòng học, tầng nhà ở đây không sử dụng. Nơi đây cũng từng được trưng dựng làm nơi cách ly tập trung y tế, nhưng khi trở về trạng thái bình thường mới, cả khu vực rộng rãi với những khối nhà to “vật vã” chỉ thấy có vài người vào ra.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Trị hiện có tới 2 trụ sở tại TP.Đông Hà, nằm trên đường Trần Hưng Đạo và đường Hoàng Diệu (cách đó khoảng 2 km). Còn tòa nhà của TAND TP.Đông Hà (cũ) nằm ở vị trí “đất vàng”, ngay góc 2 mặt tiền Điện Biên Phủ và Hùng Vương, 3 tầng, xây dựng năm 2006, kinh phí 5 tỉ đồng. Đến năm 2013, khi TAND tỉnh Quảng Trị xây dựng trụ sở mới ở đường Đại Cồ Việt, TAND TP.Đông Hà được chuyển về trụ sở TAND tỉnh (cũ) ở đường Lê Lợi. Kể từ đây, trụ sở này bị bỏ hoang. Ghi nhận của PV Thanh Niên hồi cuối tháng 4, cỏ dại um tùm vây quanh trụ sở, cả khu nhà nhếch nhác, xuống cấp nghiêm trọng…
Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị được xây dựng rất lớn nhưng lượng sinh viên quá ít, gây lãng phí |
NGUYỄN PHÚC |
Đáng chú ý, từ năm 2016, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định thống nhất chuyển mục đích sử dụng đất cơ quan hành chính đối với đất xây dựng trụ sở sang đất ở đô thị để bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhưng do nhiều lý do, vướng các quy định của T.Ư và chờ phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền, đến nay chủ trương này vẫn chưa thực hiện trên thực tế.
Kiến nghị cơ quan chủ quản xử lý
Mới đây, tại buổi giám sát chuyên đề với UBND tỉnh Quảng Trị, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị khẳng định một số đơn vị có tài sản công để lãng phí có phần trách nhiệm của các đơn vị chức năng của tỉnh. Bà Lê Thị Thanh, Giám đốc Sở Tài chính, nhìn nhận trụ sở nhà đất bị lãng phí không chỉ gây tình trạng hoang hóa mà còn mất mỹ quan đô thị. Ông Hoàng Đức Thắng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, chia sẻ nhiều năm qua cử tri Quảng Trị đã kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh đề nghị Bộ Tài chính kịp thời có phương án quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản công, tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã có văn bản báo cáo, đề nghị Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ sớm chỉ đạo, xử lý; tránh tình trạng dư luận bức xúc kéo dài.
Trụ sở TAND TP.Đông Hà (cũ) bỏ hoang, cây cối mọc um tùm xung quanh |
Ông Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, cũng lưu ý thời gian tới Quảng Trị cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà, đất công vụ và các công trình phúc lợi công cộng. Đồng thời, phải kiên quyết, kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; thực hiện công khai việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao tính răn đe của pháp luật, tính phê phán, lên án của xã hội.
Bình luận (0)