Tân sinh viên cần biết:

Những công việc và kinh nghiệm khi đi làm thêm

20/08/2024 07:30 GMT+7

Đi làm thêm ngay từ năm nhất đại học là nhu cầu của nhiều sinh viên để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và có thu nhập. Thế nhưng trong thời gian vừa học vừa làm, tân sinh viên nên tìm những công việc nào cho phù hợp? Những kinh nghiệm nào để sinh viên cân bằng thời gian học và đi làm thêm mà không lo sao nhãng việc học?

Một số công việc...

Một trong những công việc làm thêm được nhiều sinh viên lựa chọn là gia sư. Bởi gia sư có mức tiền công cao hơn và thời gian bỏ ra không nhiều so với những công việc phục vụ khác. Nguyễn Hữu Luân (23 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết công việc làm thêm thời sinh viên của Luân là gia sư dạy kèm tiếng Anh. Luân chia sẻ: "Mức lương của công việc gia sư sẽ dao động khoảng 120.000 - 200.000 đồng/2 giờ. Một tuần mình đi làm gia sư 3 ca, mỗi ca 2 giờ, thường là vào buổi sáng hoặc chiều tối. Tuy nhiên, lịch dạy sẽ thay đổi tùy theo lịch trình của hai bên".

Những công việc và kinh nghiệm khi đi làm thêm- Ảnh 1.

Làm thêm tại cửa hàng tiện lợi là một trong những công việc bán thời gian của các sinh viên

Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Còn Lê Ngọc Giao, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: "Mình hay làm mẫu ảnh cho những studio để chạy quảng cáo; làm mẫu chụp theo những chủ đề đang là xu hướng… Thông thường, trên các nền tảng mạng xã hội sẽ đăng bài tuyển mẫu ảnh, nếu thấy phù hợp mình sẽ liên hệ. Tuy nhiên, cần phải chọn lọc kỹ để tránh tình trạng lừa đảo".

Giao cho biết vì là công việc làm thêm, sắp xếp linh hoạt theo lịch học nên thu nhập không cố định. "Thường mức tiền công mình nhận được sau 1 buổi chụp là từ 500.000 -

1 triệu đồng. Tuần nào học ít mình sẽ nhận tầm 3 - 4 lịch chụp mẫu, nếu học nhiều thì giảm còn một nửa để có thể đảm bảo được thời gian cho việc học và chăm sóc sức khỏe. Công việc mẫu ảnh mang lại cho mình nhiều mối quan hệ và có nguồn thu nhập để tự chủ kinh tế, chi trả các phí sinh hoạt cá nhân, hỗ trợ cho ba mẹ một ít", Giao cho hay.

Với nhiều sinh viên năm nhất chưa có kinh nghiệm, không có xe máy để đi lại thì thường chọn làm nhân viên phục vụ cho các quán cà phê, tiệm ăn gần trường học, nhà trọ hay trong ký túc xá. Bắt đầu đi làm thêm ngay từ năm nhất đại học, Trần Ngọc Ánh Trúc (23 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho hay: "Bốn năm trước, mình xin làm nhân viên phục vụ trong căn tin ngay tại ký túc xá với mức tiền công 16.000 đồng/giờ. Mỗi tuần mình đăng ký làm từ 3 - 4 ca tùy vào lịch học, 1 ca kéo dài 4 giờ".

Anh Huỳnh Tấn Tấn, chuyên viên phụ trách mảng hợp tác doanh nghiệp, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (TP.HCM), đưa ra lời khuyên: "Nếu có thể, tân sinh viên nên tìm hiểu và chọn các công việc gần đúng hoặc liên quan với ngành học để có thể tích lũy kinh nghiệm. Lấy ví dụ, nếu sinh viên ngành quản trị nhà hàng, quản lý kinh doanh dịch vụ ăn uống thì có thể xin làm phục vụ ở các nhà hàng, cửa hàng thức ăn nhanh. Các bạn học ngành quản trị kinh doanh, quản lý siêu thị có thể xin làm thêm ở cửa hàng tiện lợi, telesales (phương pháp bán hàng thông qua điện thoại - PV) part time. Sinh viên ngành ngôn ngữ, sư phạm thì làm gia sư. Sinh viên kỹ thuật ô tô có thể xin làm chăm sóc, bảo dưỡng xe".

Làm thêm nhưng không sao nhãng việc học

Thực tế, có nhiều trường hợp sinh viên không kiểm soát tốt thời gian nên dễ bị cuốn theo công việc, dẫn đến sao nhãng chuyện học rồi rớt môn. Vậy làm thế nào để cân bằng được thời gian giữa học và làm?

Những công việc và kinh nghiệm khi đi làm thêm- Ảnh 2.

Tìm những công việc làm thêm phù hợp với tân sinh viên

Mặc dù vừa học vừa làm nhưng Luân vẫn tốt nghiệp loại xuất sắc, là thủ khoa của toàn trường. Chia sẻ về kinh nghiệm cân bằng thời gian giữa học và làm, Luân cho biết: "Thật ra ban đầu mình cũng rất lo lắng về việc đi dạy thêm sẽ ảnh hưởng đến việc học. Nhưng dần về sau mình thấy có thêm được nhiều kinh nghiệm thực tế, nâng cao chuyên môn sư phạm. Để cân bằng giữa việc dạy và học, điều quan trọng với mình là cần phải có một thời gian biểu rõ ràng. Mình sẽ chia ra các khung giờ cụ thể cho việc đi dạy và việc học riêng. Ví dụ, nếu đi dạy từ 17 - 19 giờ, trừ thời gian ăn uống, vệ sinh thì 21 giờ mình sẽ học bài và ôn tập kiến thức. Ban đầu, theo thời gian biểu này có thể sẽ khó, nhưng mình cố gắng kỷ luật bản thân để không có việc nào ảnh hưởng đến nhau".

Chàng trai này chia sẻ thêm những lợi ích của việc đi làm thêm khi còn là sinh viên không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cần phải ưu tiên hàng đầu cho việc học. "Đừng đi làm nhiều đến mức không có thời gian nghỉ ngơi dẫn đến kiệt sức, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần và cuối cùng kết quả học tập sẽ sa sút. Và đừng xem việc đi làm thêm là mục tiêu duy nhất của những năm tháng đại học", Luân nói.

Nguyễn Minh Thư, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thì cho rằng chỉ nên đi làm thêm từ kỳ thứ 2 của năm nhất thay vì vừa nhập học đã vội tìm việc làm ngay. "Thời gian đầu nhập học còn nhiều lạ lẫm, bỡ ngỡ vì đa số tân sinh viên đều rời xa gia đình đến một môi trường mới. Khoảng thời gian đó thật sự rất khó khăn nên mình đã dành kỳ học đầu tiên để tập trung làm quen, thích nghi với mọi thứ, đến khi gần hết năm nhất mình mới đi làm thêm", Thư cho hay.

Hiện tại đang làm thêm ở một cửa hàng tiện lợi với mức tiền công 23.000 đồng/giờ, Thư cho biết từ khi đi làm đã phải quản lý, sắp xếp thời gian chặt chẽ hơn để không ảnh hưởng đến việc học. "Nhiều lúc kết thúc ca làm buổi sáng nhưng vì quá mệt mỏi nên buổi chiều mình đi học không nổi. Sau đó, mình đã sắp xếp lịch làm phù hợp, không cố làm quá nhiều để đảm bảo thời gian học và nghỉ ngơi. Bên cạnh việc đi làm thêm, mình nghĩ cũng nên dành thời gian tham gia các câu lạc bộ", Thư nói.

Anh Tấn cũng cho rằng việc đi làm thêm thời sinh viên có khá nhiều lợi ích, như tăng tính mạnh dạng, trau dồi kỹ năng giao tiếp, biết cách quản lý được thời gian. Tuy nhiên, nếu sinh viên không kiểm soát tốt thời gian sẽ bị cuốn vào guồng quay đi làm kiếm tiền mà bỏ bê việc học.

Anh Tấn nói thêm: "Khi tìm việc làm hãy tham khảo những người thân quen, thầy cô, bạn bè và tìm sự hỗ trợ qua trung tâm giới thiệu việc làm của trường. Vì những nơi này có thể tin cậy và thông tin việc làm chính xác hơn. Cần cẩn trọng và kiểm chứng đối với các thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội. Nếu đi phỏng vấn xin việc làm thêm mà bên thuê yêu cầu đặt cọc tiền, thì hãy suy nghĩ thật kỹ để tránh bị mất tiền oan".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.