Manh nha
Một chính trị gia có tham vọng làm tổng thống Mỹ thường sẽ lập một ủy ban thăm dò để thử phản ứng từ chính trường và các nhà tài trợ. Tiến trình này có thể bắt đầu từ 2 năm trước ngày bầu cử. Một khi thấy mình hút được sự chú ý của báo chí, lãnh đạo đảng và các nhà tài trợ, họ sẽ chính thức tuyên bố tranh cử và vận động ở các bang bầu cử sớm.
Dẫu kinh nghiệm chính trị hầu như là con số 0, ông Donald Trump đã làm nên lịch sử khi thu hút được giới truyền thông trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay Reuters
|
Giành giật
Giai đoạn “đánh nhau với người nhà” bắt đầu sau khi chính trị gia chính thức tuyên bố tranh cử. Thường thì họ sẽ bắt đầu vận động, tập trung suốt nhiều tháng trời ở các bang quan trọng sẽ tổ chức bầu cử sơ bộ và bỏ phiếu kín sớm như Iowa, New Hampshire và South Carolina. Kết quả tốt ở những bang này sẽ là đòn bẩy quan trọng cho họ tiếp tục tiến tới.
Bầu cử sơ bộ và bỏ phiếu kín
Đó là quá trình cử tri ở 50 bang, thủ đô Washington và các lãnh thổ Mỹ đi bỏ phiếu bầu ra các đại biểu của mỗi đảng. Trong hầu hết các trường hợp, các đại biểu này đã xác định rõ và giữ đúng cam kết ủng hộ một ứng viên nào đó. Bầu cử sơ bộ là cách bầu phổ biến nhưng một số bang chọn hình thức bỏ phiếu kín, vốn kéo dài thời gian và phức tạp hơn. Quá trình này thường kết thúc vào khoảng tháng 6 nhưng không có một thời hạn chắn chắn nào, bởi nó có thể kết thúc bất kỳ lúc nào có ứng viên đã giành đủ phiếu bầu đại biểu hoặc đã “đè bẹp” được hết các đối thủ khác.
|
Cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay là giữa một cặp vợ chồng từng ở trong Nhà Trắng và một cặp đôi doanh nhân - người mẫu Reuters
|
Đại hội đảng
Đại hội đảng thường diễn ra trước ngày bầu cử khoảng 3 tháng rưỡi. Tại đây, các đảng chính thức đề cử ứng viên đã được cử tri của đảng chọn ra sau các kỳ bầu cử sơ bộ và bỏ phiếu kín. Trước hoặc trong đại hội đảng, ứng viên tuyên bố “phó tướng” - người sẽ trở thành phó tổng thống nếu “tướng” đắc cử tổng thống.
Bởi vì ứng viên của mỗi đảng thực ra đã được biết rõ từ trước khi đại hội bắt đầu nên sự kiện này chủ yếu là lúc để “đánh bóng” hơn là thông báo ứng viên.
Bà Clinton sau giây phút được "xướng tên" tại Đại hội đảng Dân chủ hồi tháng 7.2016 Reuters
|
Đến lúc tung đòn
Sau khi đã lấy được “con dấu” của đảng nhà, ứng viên tổng thống của mỗi đảng chính thức bước vào cuộc đấu với ứng viên của đảng đối thủ. Thực chất đây là cuộc đấu tay đôi giữa ứng viên Dân chủ và Cộng hòa, dẫu Mỹ là nước có rất nhiều đảng phái và ứng viên độc lập nhưng chỉ “tai to mặt lớn” mới bước được tới “cửa ải” này.
Mỗi ứng viên đều vung tiền – tính bằng đơn vị triệu USD để quảng cáo đánh bóng tên tuổi, cùng lúc “dìm hàng” đối thủ. Họ rong ruổi hết bang này đến bang kia để vận động tranh cử.
Năm nay có 3 cuộc
tranh luận trực tiếp giữa 2 ứng viên tổng thống. Đó thực sự là những màn đấu đầy kịch tích, không chỉ đề cập đến các vấn đề cơm áo gạo tiền, an ninh cũng như hình ảnh nước Mỹ mà cả 2 ứng viên đã tập trung rất nhiều vào việc công kích lẫn nhau, đưa hết đời tư của nhau ra xỉa xói giữa chính trường.
BBC đưa tin, trong những tuần tranh cử cuối cùng, 2 ứng viên tổng thống tập trung nhiều vào các bang còn đang lưỡng lự, nơi đội quân hùng hậu tình nguyện viên và các thành viên ban vận động tranh cử của từng ứng viên đi gõ cửa từng nhà, gọi điện thoại cho từng người ủng hộ để vận động họ đi bỏ phiếu.
Ông Trump luôn có gương mặt rất biểu cảm Reuters
|
Giờ G
Ngày bầu cử tổng thống Mỹ luôn diễn ra vào thứ ba đầu tiên sau thứ hai đầu tiên của tháng 11. Năm nay, ngày bầu cử là thứ ba 8.11. Về mặt nguyên tắc, cử tri không bỏ phiếu cho ông
Trump hay bà Clinton mà họ dùng lá phiếu phổ thông của mình để bầu ra cử tri đại diện cho bang bầu một trong 2 chính trị gia đó. Đó là quy trình mà người Mỹ gọi là bầu đại cử tri đoàn.
Mỗi bang, tùy thuộc vào dân số của mình, sẽ có số lượng đại cử tri khác nhau. Chẳng hạn bang California đông dân nhất có 55 đại cử tri, trong khi bang ít dân nhất Delaware chỉ có 3 đại cử tri. Tổng số đại cử tri của Mỹ là 538 và ứng viên nào giành được quá bán con số đó, tức 270 phiếu sẽ trở thành tổng thống Mỹ.
Ở hầu hết các bang, ứng viên giành được đa số phiếu phổ thông sẽ nhận toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó. Chính vì điều luật này mà một người giành được đa số phiếu phổ thông trực tiếp từ người dân trên toàn quốc chưa chắc đã trở thành tổng thống. Kịch bản này đã từng xảy ra trong cuộc bầu cử hồi năm 2000, khi ông Al Gore được đa số người dân bỏ phiếu nhưng người vào Nhà Trắng là đối thủ George Bush.
Giây phút ông Trump đang "xỉa xói" bà Clinton tại vòng tranh luận tổng thống thứ nhất Reuters
|
Nhà tù màu trắng
20.1 là ngày vinh quang của người chiến thắng: ngày tuyên thệ nhậm chức. Ông/bà đó chính thức được ngồi trong phòng Bầu Dục của Nhà Trắng kể từ giờ phút đó, sau khi vị tổng thống hết nhiệm kỳ phải ra đi. Xin chúc mừng tân tổng thống vì kể từ giờ phút này, họ không có lấy một phút tự do, muốn băng qua đường cũng bị bám sát nút bởi một rừng nhân viên mật vụ.
Họ sẽ bị "giám sát" 24/24, từng câu từng chữ phát ra khỏi miệng, từng cử chỉ hành động sẽ bị đem ra mổ xẻ, chỉ trích, phân tích bởi báo giới không chỉ trong nước Mỹ mà khắp hành tinh. Kề vai sát cánh bên họ là những cái đầu ưu việt từ các nghị sĩ quốc hội đảng kia, sẵn sàng “choảng” lại mọi chính sách kinh tế, xã hội, quốc phòng của tổng thống.
Cái ghế mà ông Barack Obama ngồi suốt 8 năm qua sắp đổi chủ Nhà Trắng
|
Mỗi ngày, trung bình người chiến thắng sẽ làm việc 12 giờ và không bao giờ sợ nhàm chán, bởi tất cả những gì đặt trên bàn làm việc của họ toàn thứ khó nuốt. Còn mấy “phần nạc” dễ hơn đã được bộ sậu trợ lý đông đảo của họ giải quyết giúp.
Nhưng một tổng thống Mỹ sẽ có cơ hội gây ảnh hưởng sâu rộng ở một đất nước có tới 318 triệu dân. Sự ảnh hưởng đó thật ra là trên toàn cầu.
Bình luận (0)