Những cuộc tình éo le trong sử Việt: Danh vọng không màng
(Chuyện về Đinh Tiên Hoàng và nàng Hoa Nương)

27/06/2023 07:47 GMT+7

Cờ lau tập trận, thống nhất giang sơn

Đinh Bộ Lĩnhngười động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay thuộc H.Hoa Lư, Ninh Bình), con trai ông Đinh Công Trứ, một nha tướng của Dương Đình Nghệ, giữ chức Thứ sử châu Hoan.

Cha mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh theo mẹ về quê nơi sơn dã. Năm 944, khi Đinh Bộ Lĩnh tròn 20 tuổi, vua Ngô Quyền băng hà. Một năm sau, Dương Tam Kha chiếm ngôi và xưng là Bình Vương. Con trai Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập chạy về Nam Sách (Hải Dương), chống lại Dương Tam Kha, tạo nên cuộc tranh chấp ngôi báu giữa nhà Ngô và ngoại tộc.

Những cuộc tình éo le trong sử Việt: Danh vọng không màng - Ảnh 1.

Đền thờ Đinh Tiên Hoàng ở Gia Viễn (Ninh Bình)

Lê Hồng Khánh

Dương Tam Kha bại trận, Ngô Xương Ngập cùng em là Ngô Xương Văn nắm lại quyền lực. Triều đình nhà Ngô trở nên rối ren, các sứ quân nổi dậy cát cứ, tranh giành quyền lực, đánh giết lẫn nhau. Sử nước ta gọi thời này là loạn 12 sứ quân.

Thấy nhân dân khổ sở, đồ thán, Đinh Bộ Lĩnh dựng cờ nghĩa, mong lập nghiệp lớn. Ông theo về dưới trướng của sứ quân Trần Lãm (Trần Minh Công) ở Bố Hải Khẩu, được Trần Lãm nhận làm con nuôi. Khi Trần Lãm mất, Đinh Bộ Lĩnh thay quyền, đem quân về giữ Hoa Lư, chiêu mộ hào kiệt, thanh thế ngày càng hùng mạnh. Đinh Bộ Lĩnh đã lần lượt thu phục các sứ quân, chấm dứt tình trạng phân chia cát cứ, thống nhất đất nước, được tôn xưng là Vạn Thắng Vương. Năm Mậu Thìn (968), Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, tức Đinh Tiên Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt và cho định đô ở Hoa Lư. Đại Cồ Việt trở thành nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ phong kiến tập quyền ở Việt Nam.

Đinh Tiên Hoàng cho xây cung điện, chế triều nghi, định phẩm hàm quan văn, quan võ. Ông lập 5 hoàng hậu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông.

Không màng ngôi hậu, vui với đất quê

Truyện cổ tích Miếu Bà Chúa tối linh kể rằng: Khi Đinh Tiên Hoàng đã ở ngôi, phong 5 bà vợ làm hoàng hậu, thì ở trang An Lạc, đất Quảng An, thuộc châu Ái (nay là H.Thọ Xuân, Thanh Hóa) có người con gái xinh đẹp tên là Hoa Nương, con của một người họ Nguyễn và bà vợ họ Hoàng. Cha mẹ Hoa Nương ăn ở hiền lành, chăm làm điều thiện. Họ sống bằng nghề nông, tuy vất vả nhưng ấm no, bình yên. Hai ông bà ước sinh được một đứa con cho vui cửa vui nhà, nhưng ước nguyện đó chưa thành dù hai người đã đi cầu nguyện rất nhiều nơi.

Vậy rồi, vào một ngày hè, người mẹ Hoa Nương đang ngồi hóng mát trên một gò đất nhỏ (gọi là gò Kim Quy) thì bỗng thấy trong người xốn xang, sau đó trong bụng xuất hiện những cơn đau mang dấu hiệu hoài thai. Khi biết chuyện người vợ có mầm con, hai người quỳ xuống lạy tạ đất trời.

Tròn 9 tháng 10 ngày sau, người vợ sinh hạ một nữ nhi. Lúc đứa bé ra đời có hương thơm lan tỏa khắp nhà, phảng phất mùi hương một loài hoa lạ, vì vậy họ đặt tên cho con gái là Hoa Nương. Hoa Nương lớn lên ngày càng xinh đẹp lạ thường. Một hôm cô đi chăn trâu ở bãi cỏ ven sông thì bỗng thấy một người đàn ông mặc áo xanh bước đến và nói: "Ta với nàng có nhân duyên tiền định, chẳng bao lâu nữa sẽ gặp nhau", sau đó người này biến mất.

Ngày theo ngày đi qua, Hoa Nương cứ lớn lên êm đềm bên cha mẹ với cuộc sống thôn quê dân dã, quên luôn câu chuyện về người đàn ông áo xanh năm ấy.

Cho đến năm 18 tuổi, Hoa Nương nổi tiếng khắp vùng. Rất nhiều chàng trai đến cầu hôn nhưng đều bị nàng từ chối.

Danh tiếng của người con gái từ Ái châu đã lan đến tận kinh đô Hoa Lư. Nhà vua cho người mang lễ vật mời cha mẹ Hoa Nương về triều và tỏ ý muốn tuyển con gái họ vào làm vương phi. Hai vợ chồng vui mừng về nhà nói lại với Hoa Nương, nhưng lạ thay, cô gái đã kiên quyết từ chối lời mời của vua. Lý do Hoa Nương chối từ làm vợ đế vương là vì cô không muốn sống cảnh giàu sang với nhiều lễ nghi gò bó trong cung đình. Cô chỉ muốn sống cuộc sống ở quê nhà bình dị, chăm sóc bố mẹ già.

Bố mẹ Hoa Nương ra sức thuyết phục nhưng vẫn không lay chuyển được quyết định của cô. Cuối cùng, hai người đành phải dâng thư về triều đình xin nhận tội. Có phần thấu hiểu tâm tư của Hoa Nương, vua Đinh Tiên Hoàng đã bỏ qua chuyện gọi nàng vào cung, về sau không còn nhắc đến nữa.

Về phần Hoa Nương, cô tiếp tục với cuộc sống quê mùa, làm nông, dệt vải. Một ngày nọ, cô thưa với cha mẹ là đi vào rừng hái củi, nhưng đến tối mịt chưa về. Cha mẹ cô và hàng xóm chia nhau đi tìm suốt đêm mà chẳng thấy. Sáng hôm sau người làng thấy gánh củi của cô để lại ở gò Mộc Tinh phía đầu làng. Trẻ mục đồng kể rằng chiều hôm ấy chúng nhìn thấy Hoa Nương trò chuyện với một người áo xanh ở gò Mộc Tinh, sau đó cát bụi nổi lên mịt mù, rồi trời tối hẳn. Người làng tin rằng Hoa Nương là người cõi tiên giáng trần, khi mãn kiếp phàm trần được người cõi trên đưa về thượng giới, nên lập miếu thờ nàng, gọi là miếu Bà Chúa tối linh.

Lê Hoàn lên ngôi, thay triều Đinh trị nước, trong lần thân chinh dẹp giặc ở phương Nam, khi đi ngang qua ngôi miếu có làm lễ cầu khấn âm thần tế độ. Vua thắng trận trở về, cho dân làng tu sửa ngôi miếu và sắc phong bà chúa Hoa Nương mỹ hiệu là: "Hiển tế Anh linh Tiên thiên Thánh nữ Hiển ứng Thượng đẳng tối linh Công chúa".

Nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật Đặng Văn Hùng cho biết miếu bà Hoa Nương hiện nay không còn, nhưng câu chuyện về người con gái dám trái ý vua, chối từ ngôi vị cao sang thì vẫn được người dân vùng Thọ Xuân lưu truyền từ đời này sang đời khác. 

(còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.