Những cuộc tình éo le trong sử Việt: Đào nương tình đậm
(Chuyện tình Lương Thế Vinh và cô đào hát)

29/06/2023 07:27 GMT+7

ÔNG TRẠNG LƯỜNG

Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1441 - 1496) tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thụy Hiên, sinh ra trong một gia đình nông dân có học ở làng Cao Hương, H.Thiên Bản, nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, H.Vụ Bản, Nam Định.

Từ thời niên thiếu, Lương Thế Vinh đã nổi tiếng là thần đồng, thông minh, nhanh trí; chưa đầy 20 tuổi, tài học đã nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam. Năm 23 tuổi, đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận thứ tư (1463), ông đỗ Trạng nguyên.

Những cuộc tình éo le trong sử Việt: Đào nương tình đậm   - Ảnh 1.

Chân dung Lương Thế Vinh (tranh cổ)

Lê Hồng Khánh

Cuộc đời 32 năm làm quan, Lương Thế Vinh đều ở Viện Hàn lâm, trải thăng đến chức Hàn lâm Thị thư chưởng Hàn lâm viện sự, đứng đầu Viện Hàn lâm. Ông có biệt tài về ngoại giao, được nhà vua tin yêu, giao trọng trách soạn thảo văn từ bang giao và đón tiếp sứ thần nước ngoài. Trạng nguyên Lương Thế Vinh còn dạy học ở Quốc Tử Giám, Sùng văn quán và Tú lâm cục…

Ông đã biên soạn cuốn Đại thành toán pháp - cuốn sách giáo khoa toán đầu tiên ở nước ta. Trong cuốn sách, ông tổng kết những kiến thức toán thời đó và cả những phát minh của ông.

Lương Thế Vinh còn am hiểu sâu sắc về âm nhạc và hát chèo. Ông đã cùng Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận soạn hai bộ Đồng văn và Nhã nhạc dùng trong quốc lễ và triều hội. Ông nghiên cứu hàng trăm phường chèo, biên soạn cuốn Hý phường phả lục ghi lại các khoán ước của phường chèo, kịch bản và diễn xuất, cách đánh trống chèo, phương pháp múa và hát.

Về văn thơ, Lương Thế Vinh cũng có nhiều đóng góp. Ông giữ chức Sái phu trong hội thơ Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông, là người chuyên phê bình, sửa chữa thơ trong hội.

Lương Thế Vinh còn là người trọng thực học, thích mở mang kinh tế. Cuộc đời ông là cuộc đời của một nhân tài toàn diện, hiếm thấy trong xã hội nước ta thời trung đại. Ông có tầm nhìn xa, trông rộng, có tấm lòng yêu nước, thương dân, sống gần gũi với nhân dân, một bậc sĩ đại phu có thực học, thích sống cuộc đời phóng khoáng. Khoảng năm 1495, Lương Thế Vinh về hưu tại quê nhà, sống cuộc đời thanh cao, bình dị.

Năm 1496, ông qua đời, hưởng thọ 56 tuổi. Nghe tin ông mất, vua Lê Thánh Tông thương tiếc, đã làm thơ viếng, cho lập đền thờ tại làng, phong làm phúc thần.

MỐI TÌNH ĐẦU CẢM ĐỘNG

Trong tác phẩm biên khảo Những mối tình nổi tiếng trong truyền thuyết và lịch sử Việt Nam (Hà Phạm, Nhà xuất bản Lao Động, 2009) có chuyện kể về mối tình của Lương Thế Vinh và một cô đào trẻ, rất cảm động:

Năm Lương Thế Vinh 20 tuổi, một hôm làng ông mời gánh chèo hay ở làng Si (nay thuộc xã Vĩnh Hảo, H.Vụ Bản, Nam Định) về biểu diễn. Đào chính của gánh chèo là một cô gái thanh sắc nổi tiếng một vùng. Là người mê chèo nên Lương Thế Vinh không thể bỏ qua. Đêm diễn ấy suýt bất thành vì người chơi đàn nhị bất ngờ bị ốm ngay trước khi buổi diễn bắt đầu, khiến người chủ gánh chèo luống cuống, định xin dời buổi hát vào hôm sau. Nhưng người xem lại không muốn về, cứ chùng chình giục tìm người đàn thay. Trước tình huống đó, Lương Thế Vinh bèn xin thay lên đánh đàn nhị. Dù chưa tin tưởng lắm, nhưng không còn cách nào khác, ông chủ gánh hát đồng ý để Lương Thế Vinh vào vai người chơi đàn. Chiếu chèo bắt đầu vào cuộc, mọi người bất ngờ khi tiếng đàn của "kẻ đóng thế" Lương Thế Vinh quá thành thục, càng chơi càng hay khiến cả đoàn hát trầm trồ thán phục, bà con đến xem vỗ tay tưng bừng tán thưởng.

Trên chiếu chèo, cô đào chính biểu diễn hay hơn thường lệ, vì cô biết rằng chàng trai đang chơi đàn nhị kia chính là thần đồng nổi tiếng gần xa, mà tiếng đàn của chàng lại dường như cũng đồng cảm với tâm trạng nàng:

Biển tình mênh mông,

biển tình dâu bể

Sẽ nâng niu ai vững lái chống chèo?

Rồi cô đào hướng đến người kéo đàn nhị mà rằng:

Thiếp xin chàng đèn sách văn chương

Dầu hao thiếp rót

Bấc non thiếp ngắt

Ngọn đèn tàn thiếp khâu…

Sau buổi biểu diễn, cô đào gặp Lương Thế Vinh để cảm ơn đã chơi đàn giúp, hai người trò chuyện thật tâm đắc và vui vẻ, càng về cuối càng quyến luyến. Lương Thế Vinh mê tiếng hát và nét duyên đằm thắm của cô đào nên đã ngỏ lời ước hẹn, cô đào đem lòng yêu, nhưng biết Lương Thế Vinh sắp đi thi, đồng thời là phận gái nên cũng không muốn vội tiết lộ quê quán tên tuổi. Hôm sau phường chèo đi diễn nơi khác, Lương Thế Vinh có ý tìm lại cô đào nhưng lại không biết ở đâu.

Rồi chàng trai lên đường ứng thí, đỗ giải nguyên trong kỳ thi Hương, đến kỳ thi Hội xếp hạng nhì, vào thi Đình đoạt ngôi Trạng nguyên, vinh quy bái tổ về làng.

Lúc này cha mẹ muốn ông yên bề gia thất nên giục ông lấy vợ, muốn tiểu đăng khoa cùng đại đăng khoa hợp thành "song hỷ lâm môn". Nhớ người cũ nhưng lại không có tin tức gì, Lương Thế Vinh trằn trọc suốt nhiều ngày đêm trước khi nghe theo lời cha mẹ lấy con gái thầy dạy học, vừa như một nghĩa cử trả ơn thầy, vừa làm vui lòng cha mẹ.

Truyền rằng, để đón mừng quan Trạng, các quan lại và chức dịch địa phương cùng dân làng mở hội khao vọng, có mời gánh chèo đến hát góp vui.

Định mệnh thật trớ trêu, trong gánh chèo đó có cô đào năm xưa. Biết tin chàng trai kéo đàn nhị năm xưa đã đỗ Trạng nguyên, cô rất vui, nhưng khi nghe chàng đã có vợ lòng cô buồn tê tái.

Hôm ấy cô đào gửi tâm sự của mình vào lời hát, cô hát hay đến mức khiến nhiều người cảm động rơi nước mắt.

Sau buổi diễn không ai thấy cô đào đâu nữa, đến sáng hôm sau mọi người mới biết cô đã tự tử để lại lá thư tuyệt mệnh. Đào nương đã quyết định quyên sinh để vĩnh viễn mang theo mối tình đầu trong sáng.

Trạng Lường Lương Thế Vinh vô cùng xót thương, đã tự làm bài văn điếu đầy bi ai, rồi cho lập miếu thờ cô đào tại giáp Nhất của làng Cao Hương, dân làng gọi đó là miếu Ả Đào và thôn có ngôi miếu thì gọi là Đào thôn hoặc xóm Đầu.

 (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.