Những cuộc tình éo le trong sử Việt: Duyên phận lỡ làng
(Chuyện tình của Vũ Khâm Lân và kỹ nữ Diễm Hương)

01/07/2023 00:19 GMT+7

Bậc danh sĩ xuất thân nghèo khó

Vũ Khâm Lân, hiệu là Di Trai, quê xã Ngọc Lặc, H.Tứ Kỳ (nay là thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn, TP.Hải Dương). Ông sinh năm Quý Mùi (1703), trong một gia đình nghèo khó, trước có tên là Vũ Khâm Thận, sau đổi là Vũ Khâm Lân.

Vũ Khâm Lân sớm có tư chất thông minh hơn người. Khoa thi năm Đinh Mùi, niên hiệu Bảo Thái 8 (1727), đời vua Lê Dụ Tông, ông đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, bước vào chốn quan trường, giữ chức quan Cấp sự trung, sau đó được điều chuyển Giám sát Ngự sử đạo Sơn Nam (1734).

Những cuộc tình éo le trong sử Việt: Duyên phận lỡ làng
 - Ảnh 1.

Hình ảnh đào nương qua tranh cổ

Lê Hồng Khánh

Sau đó, Vũ Khâm Lân được bổ nhiệm, thuyên chuyển, kiêm giữ nhiều chức vụ hoặc làm các công việc có liên quan đến việc quân. Năm 1746, ông được thăng chức Hữu Thị lang Bộ Lại, ban tước hầu. Cũng trong năm này, Vũ Khâm Lân được thăng làm Tham tụng ở Phủ đường (phủ chúa Trịnh). Năm 1756, ông được thăng chức Bồi tụng Đô ngự sử (chức quan đứng đầu Ngự sử đài), tước quận công.

Đương thời, Vũ Khâm Lân có tiếng là người hào hiệp, khẳng khái, không câu thúc, dám nói, dám làm, không xu nịnh kẻ quyền quý. Ông có văn tài, là người đã góp thêm nhiều truyện mới vào sách Lĩnh Nam chích quái...

Vũ Khâm Lân mất ngày 20.8 âm lịch, không rõ năm. Triều đình truy tặng ông chức Thượng thư Bộ Binh, ban tên thụy là Mẫn Đạt, hiệu là Di Trai.

Một chuyện tình buồn

Sách Giai thoại làng Nho (Lãng Nhân, Nam Chi tùng thư, 1964) kể lại: Vũ Khâm Lân sống trong gia cảnh nghèo khó lại bị mẹ kế độc ác hà hiếp nên phải bỏ nhà ra đi. Khi đến làng Dịch Vọng (Từ Liêm, Hà Nội) thì được người thương và chu cấp cho ăn học.

Mùa xuân năm ấy, làng Dịch Vọng mở hội, bạn bè rủ chàng đi xem. Trai gái đến hội đều ăn mặc đẹp, riêng chàng thấy quần áo của mình xuềnh xoàng quá, nên chỉ đứng nép bên cột đình xem hát vì sợ người khác trông thấy bộ dạng cũ bẩn của mình.

Trong phường hát có một cô đào trẻ đẹp chừng 17, 18 tuổi tên Diễm Hương. Về sau, Vũ Khâm Lân mới biết nàng là người H.Chương Đức, xứ Sơn Nam (nay là H.Chương Mỹ, Hà Nội). Nàng vừa hát hay vừa múa giỏi. Vũ Khâm Lân đắm đuối ngắm nhìn nhan sắc nổi bật và chăm chú lắng nghe giọng hát của Diễm Hương.

Lúc nàng đang hát, bỗng có ánh đuốc lớn chiếu qua phía Vũ Khâm Lân đứng khiến nàng nhìn thấy chàng. Bốn mắt chạm nhau, lòng nàng xao xuyến. Ngay phút giây đó, nàng đào nương bần thần cả người không sao hát được nữa. Người chủ đám hát phải xin dừng đêm hát lại. Chàng ra về với những ám ảnh không nguôi về người trong mộng.

Khoảng trưa hôm sau, Diễm Hương đến tận chỗ Vũ Khâm Lân trọ học. Trong khi chàng luống cuống không biết làm gì trước mặt người đẹp thì Diễm Hương đã chủ động đặt vào tay chàng 10 quan tiền và nói: "Thiếp biết chàng khó khăn nên đến giúp chàng ít tiền gọi là để mua giấy bút học hành".

Từ đó, thỉnh thoảng nàng lại tìm đến chỗ chàng nấu nướng, may vá cho Vũ Khâm Lân. Ngoài ra, nàng còn tình nguyện chu cấp tiền bạc hàng tháng để cho chàng theo đuổi việc bút nghiên.

Tấm lòng của người con gái vừa đẹp người vừa tốt nết đã khiến Vũ Khâm Lân vô cùng xúc động và kính trọng. Dần dần, chàng cảm nhận được tình cảm mà cô đào dành cho mình nên cũng nảy sinh tình yêu.

Người ta kể rằng kể từ khi hai người yêu nhau, thấy nàng yêu mình, đôi lần Vũ Khâm Lân còn lẻn tới chỗ nàng xin ngủ cùng nhưng nàng nhất quyết từ chối. Nàng nói: "Nếu thiếp là phường gió trăng thì thiếu gì trang phong lưu công tử theo đuổi. Xin chàng đừng coi thiếp như loại liễu ngõ hoa tường. Đời này con hát có gì là xấu, chỉ có người nghĩ xấu về họ mà thôi".

Khoảng hai năm sau, vào kỳ thi Hội, Vũ Khâm Lân chuẩn bị về quê để tham gia kỳ thi. Diễm Hương đến tiễn chàng trong nỗi bịn rịn tiếc nuối. Chàng hỏi xin địa chỉ quê quán để sau này có dịp sẽ tìm gặp nhau. Nhưng Diễm Hương đã không cho chàng biết. Kỳ thi năm đó, chàng đỗ đầu cả thi huyện, thi phủ, thi tỉnh và đỗ tiến sĩ năm 1727.

Sau lễ vinh quy, cha Vũ Khâm Lân có ý định hỏi cưới cho chàng một người con gái con nhà gia thế. Chàng thành thật bày tỏ mong muốn được lấy người con gái tốt bụng năm xưa đã từng cưu mang mình và mình đem lòng thương yêu. Chàng trù trừ mãi trước đám cưới sắp đặt song cuối cùng vẫn phải vâng lời cha kết hôn với người con gái không yêu.

Được tin người yêu lấy vợ danh giá, Diễm Hương vô cùng đau lòng. Song nàng vẫn muốn một lần gặp mặt người tình cũ nên lại tìm đến chỗ Vũ Khâm Lân ở kinh đô. Đối mặt với nàng, chàng ngượng ngùng không biết ứng xử ra sao thì nàng đã nói: "Tiến trình của chàng còn xa muôn dặm, thiếp hèn hạ không xứng hầu hạ khăn lược cho chàng. Đó là số phận của thiếp".

Khoảng hai mươi năm sau, khi Vũ Khâm Lân đã là một quận công, rồi thăng chức tham tụng, vẻ vang hiển hách hiếm người sánh bằng. Mỗi khi kể chuyện đã qua, chàng lại buồn rầu tự trách mình. Chàng đã sai người đi tìm chỗ ở của Diễm Hương với mong muốn chuộc lỗi nhưng vẫn không tìm được.

Trong một tiệc hát ở nhà bạn, tình cờ Vũ Khâm Lân gặp lại người tình xưa. Dẫu cho thời gian dầu dãi mà nét kiêu sa, đằm thắm cùng tiếng hát tuyệt kỹ của đào nương vẫn khiến người xem thổn thức. Chàng hỏi thăm về những ngày tháng đã qua của nàng thì biết mười năm trước, Diễm Hương đã lấy một viên quan võ ở trấn Thái Nguyên.

Khi chồng chết, hai người chưa có con cái gì, nàng không biết đi đâu, chỉ còn một ít tư trang, mới lần về quê cũ. Gặp đứa em phá tan cơ nghiệp, nàng đành dắt mẹ già lưu lạc trong thành Tràng An, dựa vào các nhà giàu có, đàn hát qua ngày kiếm sống. Nghe chuyện của người xưa, chàng xót thương vô hạn, bèn đón cả hai mẹ con nàng về một nơi ở riêng, chu cấp đầy đủ.

Hơn một năm sau, mẹ nàng mất. Lo chôn cất cho mẹ xong, Diễm Hương lại từ biệt ra đi. Bất chấp Vũ Khâm Lân hết lòng giữ lại rồi còn tặng nhiều tiền bạc, nàng kiên quyết từ chối tất cả với lý do: "Thiếp không có phúc được làm vợ tướng công, thì những thứ tiền bạc này đâu có phúc để tiêu mà nhận".

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.