Những cuộc tình éo le trong sử Việt: Chối bỏ tình vua
(Chuyện về vua Lê Thánh Tông và ni cô chùa Ngọc Hồ)

30/06/2023 07:27 GMT+7

Bậc minh quân của quốc gia Đại Việt

Lê Thánh Tông (1442 - 1497) tên là Tư Thành, hiệu Thiên Nam động chủ, sinh năm Nhâm Tuất (1442), con thứ tư của Lê Thái Tông, mẹ là Ngô Thị Ngọc Dao.

Lê Thánh Tông lên ngôi giữa lúc triều chính nhà Lê đang lục đục mâu thuẫn. Vì vậy công việc quan trọng đầu tiên của ông là nhanh chóng chấm dứt tình trạng phe phái trong cung đình, khẩn trương tổ chức công cuộc xây dựng đất nước với một ý chí cải cách mạnh mẽ, táo bạo.

Bên cạnh cải tổ cơ chế nhà nước, Lê Thánh Tông đặc biệt chú ý các biện pháp phát triển kinh tế, sửa đổi chế độ thuế khóa, điền địa, khuyến khích nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, mở đồn điền, khai khẩn đất hoang.

Bộ luật Hồng Đức là một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của sự nghiệp Lê Thánh Tông và lịch sử VN. Sự ra đời của bộ luật này được xem là sự kiện đánh dấu trình độ văn minh cao của xã hội Đại Việt hồi thế kỷ 15. Cùng với việc xây dựng và củng cố thiết chế xã hội, Lê Thánh Tông đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài. Nền giáo dục, thi cử thịnh đạt, vai trò của trí thức được đề cao, đó là những dấu hiệu rõ rệt của một thời đại thịnh trị, vua sáng tôi hiền. Ngoài những cơ quan văn hóa, giáo dục lớn (Hàn lâm viện, Quốc sử viện, Nhà Thái học, Quốc Tử Giám), Lê Thánh Tông còn cho xây kho bí thư chứa sách, lập ra Tao Đàn gồm 28 vị đại thần, gọi là Nhị thập bát tú, mà ông là Tao Đàn đô nguyên soái.

Những cuộc tình éo le trong sử Việt: Chối bỏ tình vua - Ảnh 1.

Chùa Ngọc Hồ (tranh vẽ thời Pháp thuộc)

Nói tới công lao của ông đối với nền văn hóa dân tộc, không thể không kể đến một việc làm có ý nghĩa lịch sử mà hậu thế phải hàm ơn ông rất nhiều. Đó là việc nhà vua minh oan cho Nguyễn Trãi, sưu tầm lại thơ văn Ức Trai tiên sinh vốn đã bị tiêu hủy rất nhiều sau vụ án Lệ Chi viên.

Hội ngộ người tiên

Lê Thánh Tông cũng là một trong số ít những vị vua có nhiều giai thoại về tình ái. Điều này kể cũng là dễ hiểu, bởi từ ngàn xưa đã có câu "Anh hùng khó qua ải mỹ nhân".

Ở Hà Nội có ngôi chùa khá nổi tiếng tên là chùa Ngọc Hồ (chùa Bà Ngô). Ngôi chùa này gắn với truyền thuyết lãng mạn từ thế kỷ 15 về lầu Vọng Tiên (tức đền Vọng Tiên ở phố Hàng Bông bây giờ). Chuyện kể rằng một lần vua Lê Thánh Tông thăm Trường Quốc Tử Giám, lúc về có ghé ngôi chùa Ngọc Hồ. Vào tới sân chùa, vua nghe thấy có tiếng người tụng kinh, giọng trong trẻo diệu kỳ như vút lên tận tầng mây, lại gần thì ngây ngất, sững sờ khi thấy ni cô đẹp như một tiên nữ giáng trần khiến cho tâm thần đức vua không khỏi xốn xang. Nhận thấy đôi mắt nhà vua nhìn mình đăm đắm, ni cô bèn lấy bút đề vào vách chùa hai câu thơ Nôm:

Tới đây mến cảnh mến thầy

Tuy vui đạo Bụt, chưa khuây lòng trần.

Câu thơ nói đúng tâm trạng của vua lại càng làm Lê Thánh Tông xao xuyến, vua liền sai các quan hầu cận làm thơ vịnh để ghi nhớ buổi kỳ ngộ.

Thân Nhân Trung (Phó nguyên soái Tao Đàn Nhị thập bát tú) trình lên vua bài thơ làm nhanh nhất, được mọi người khen là hay nhất:

Ngẫm sự trần duyên

khéo nực cười

Sắc không, tuy Bụt,

ấy lòng người

Chày kình một tiếng

tan niềm tục

Hồn bướm ba canh lẩn sự đời

Bể ái nghìn tầm mong tát cạn

Nguồn ân muôn trượng

chửa khơi vơi

Nào nào cực lạc là đâu tá?

Cực lạc là đây chín rõ mười.

Những cuộc tình éo le trong sử Việt: Chối bỏ tình vua - Ảnh 2.

Tượng Lê Thánh Tông được vẽ bởi các nghệ nhân cung đình ngay sau khi nhà vua băng hà

T.L

Vua bèn trao bài thơ cho vị ni cô xem và có ý bảo họa lại. Xem qua một lát, vị nữ tu thưa với nhà vua: "Muôn tâu bệ hạ, kẻ tu hành thấy 2 câu thực (câu 3 và 4) chưa chỉnh, mạn phép sửa lại:

Gió thông đưa kệ tan niềm tục,

Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời.

Vua nghe xong ngạc nhiên quá, không ngờ ni cô đã sắc nước hương trời mà kiến thức về văn chương cũng thật uyên bác, bèn đem lòng yêu thương, mới phán:

-Ái khanh sửa như thế hay lắm. Ta thực không ngờ. Tiện đây ái khanh hãy sửa soạn cùng ta hồi cung để sớm tối cùng nhau đàm luận thơ phú.

Ni cô hốt hoảng thưa:

-Muôn tâu bệ hạ, bần tăng đã cắt tóc đi tu.

Vua bèn làm mặt giận khiến

ni cô không dám phạm vào tội

khi quân kháng lệnh, đành lên kiệu theo vua về cung. Nhưng thật bất ngờ, khi xa giá vừa đến cửa Đại Hưng (khu vực Cửa Nam, Hà Nội ngày nay) thì trong xe không còn thấy bóng ni cô đâu nữa.

Vua Lê Thánh Tông ngạc nhiên tin chắc đây là một tiên nữ giáng trần. Lòng ngơ ngẩn tiếc nuối, rồi truyền lệnh cho xây lầu Vọng Tiên ở ngay đó để kỷ niệm và cũng để ngóng trông, hy vọng có dịp tái ngộ với người con gái tài sắc ấy. Về sau, khi phá thành Thăng Long xây lại, lầu Vọng Tiên bị tháo dỡ và chuyển về phố Hàng Bông.

Chùa Ngọc Hồ ở kinh đô dựng từ thời Lý, theo lời truyền thường có tiên nữ hiện ra nên còn có tên là Tiên Phúc, về sau cải tên là Ngọc Hồ. Người dân trong vùng kể rằng chùa vốn có một giếng nước rất trong không bao giờ cạn, được xem như một thức uống tinh khiết bậc nhất dâng lên đức Phật, vì thế chùa được gọi là Ngọc Hồ, theo tên của giếng nước. Hiện nay, cạnh chùa có đền thờ vua Lê Thánh Tông, nhắc nhớ về cuộc ngự du và gặp tiên của nhà vua tài đức mà cũng là một đấng nam nhi đa tình.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng giai thoại về vua Lê Thánh Tông và tiên nữ khiến chùa Ngọc Hồ trở thành ngôi chùa duy nhất ở Thăng Long thể hiện một khía cạnh khá đặc biệt của đạo Phật ở nước ta. Đó là tư tưởng giải thoát mọi sự phiền muộn của Phật giáo Thiền tông kết hợp với quan niệm về con đường siêu thoát của đạo Lão, nhằm đạt tới cảnh giới thanh cao, theo nếp sống an hòa đạo cốt, đem cảnh tiên, tâm Phật về giữa cõi người. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.