525 năm ngày hoàng đế Lê Thánh Tông qua đời (theo âm lịch: 30.1.1497 - 30.1.2022): Cuộc hòa huyết vĩ đại

02/03/2022 07:01 GMT+7

Trong những tháng năm cuộc hòa huyết âm thầm diễn ra ở miền Trung, ở Quảng Ngãi quê tôi, thì nó cũng diễn ra âm thầm không kém, hồn nhiên không kém ở vùng đất Sơn Tây chỉ cách Thăng Long mấy chục dặm.

Nơi đó, từ thời hoàng đế Lê Thánh Tông, đã có rất nhiều tù binh người Chàm bị bắt về từ các trận đánh ở miền Trung, ở Quảng Ngãi, và được “an trí” ở xứ Đoài. Dĩ nhiên, họ được tự do sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất mới, được tìm hiểu và kết hôn với phụ nữ xứ Đoài mà không bị một ngăn cấm nào. Qua bao nhiêu đời, vùng đất xứ Đoài ấy không chỉ biết dùng đá ong để xây nhà, xây giếng nước ăn, mà điều này mới thú vị: giọng nói của người xứ Đoài có màu âm là lạ.

Ở làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), đá ong là vật liệu xây dựng được sử dụng nhiều, làm nên đặc trưng riêng của vùng “xứ Đoài mây trắng”

Lưu Quang Phổ

Ngày còn nhỏ, tôi học ở Trường học sinh miền Nam khu Chương Mỹ, Hà Đông. Chủ nhật bọn trẻ chúng tôi thường đi bộ dọc sông Đáy ngược khoảng 5 cây số thì tới những vườn ổi của người dân Sơn Tây. Chúng tôi lên đó hái ổi ăn, tha thẩn trong vườn ổi và gặp gỡ bà con bản địa, chuyện trò với cô bác ở đó. Chúng tôi rất ngạc nhiên vì giọng nói của “người vườn ổi”, họ phát âm không có dấu, kiểu như: “Ban cho chau hai háo” (Bán cho cháu hai hào). Mãi sau này, khi đã trưởng thành, đã hiểu nhiều chuyện, chúng tôi mới đoán: những người quê xứ Đoài chúng tôi gặp hồi ấy, họ là người Việt có pha dòng máu Chàm. Họ là kết quả từ bao nhiêu đời trước của những cuộc hòa huyết trên đất Sơn Tây.

Chúng ta biết, đá ong là vật liệu xây dựng chủ yếu của người Chàm, bây giờ còn lưu dấu nơi những ngôi nhà lá mái được dựng lên bằng đá ong và lợp bằng đất sét ở bờ Bắc sông Trà Quảng Ngãi. Những ngôi nhà lá mái ấy cũng còn khá nhiều ở Bình Định, gần cố đô Đồ Bàn. Có rất nhiều người từng đi du lịch tới làng Đường Lâm ở Sơn Tây, hẳn đã thấy những ngôi nhà cổ ở đây xây tường đá ong, đã uống những giếng nước ở đây mà thành giếng, lòng giếng được lót bằng đá ong nguyên chất. Kỹ thuật dùng đá ong làm vật liệu xây dựng ấy, có thể xuất phát từ những tù binh Chàm định cư ở đất Sơn Tây, vùng đất có rất nhiều núi đá ong.

Như thế, “cuộc hòa huyết vĩ đại” không chỉ diễn ra ở miền Trung VN, ở Quảng Ngãi quê tôi, nó còn diễn ra ở vùng đất Sơn Tây, nơi miền “xứ Đoài mây trắng lắm” (thơ Quang Dũng).

Bây giờ, nghệ thuật, âm nhạc và thơ có thể viết về “Bản trường ca hòa bình” này cho con cháu chúng ta hiểu hơn về những gì đã diễn ra hơn nửa thiên niên kỷ trước.

Cách đây đúng 10 năm, tôi đã viết được bản trường ca dâng lên miền đất Quảng Ngãi quê tôi, nhan đề Trường ca chân đất. Nhưng trước đó nhiều năm, tôi đã không biết bao lần nghe ca khúc Tiếng trống Paranưng của nhạc sĩ Trần Tiến, một người quê ở xứ Đoài Sơn Tây. Ca khúc này đã khiến tôi như mê đi trong giai điệu, nhịp điệu và sắc điệu Chàm của nó. Còn với nhà thơ Quang Dũng cũng quê xứ Đoài, tôi xin được gọi ông là một thiên tài. Thơ ông đã khiến nhiều thế hệ người Việt ở miền Bắc, người Việt có dòng máu Chàm ở miền Trung và miền Nam mê đắm.

Nhân ngày tưởng nhớ hoàng đế Lê Thánh Tông, xin có những suy nghĩ mạo muội này. Đất nước chúng ta mở về phương Nam, nhưng hòa huyết của tình yêu thì diễn ra ở cả miền Nam, miền Trung và miền Bắc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.