Nhập ngũ đầu tháng 9.1945, ông Vũ Văn Cẩn được cử làm Giám đốc Ban Y tế Giải phóng quân, rồi Giám đốc Ban Y tế Vệ quốc đoàn toàn quốc. Năm sau, Cục Quân y được thành lập, ông được bổ nhiệm làm Cục trưởng. Theo đánh giá của đồng nghiệp, trong kháng chiến chống Pháp, bác sĩ Vũ Văn Cẩn vừa là người tổ chức xây dựng ngành quân y non trẻ, vừa là người tiếp thu các tinh hoa của nền y học quân sự châu Âu và các kinh nghiệm quân y phương Đông để ứng dụng vào thực tiễn nước ta.
Giảm bớt mù lòa cho dân
F.Casaux - bác sĩ chuyên khoa mắt người Pháp - sang Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám đã gọi nước ta là “xứ sở của bệnh đau mắt hột”. Ông viết: “Khám mắt 100 người dân An Nam bất kỳ, ít nhất cũng có 80 người bị bệnh mắt hột, trong đó 60 người bị bệnh lông quặm phải mổ”. Từ đó, bác sĩ F.Casaux ca thán: “Chống mắt hột mà mổ hết quặm là việc làm không tưởng ở cái xứ An Nam khốn khổ này”. Những năm tháng đó, theo ký ức của những nhà y học đương thời, bước chân ra khỏi thành phố là gặp ngay người bị bệnh mắt đỏ, lông quặm, mắt hột, dẫn đến mắt toét, mù lòa.
Chứng kiến căn bệnh mắt hột là nguyên nhân phổ biến gây mù lòa cho người dân nước mình, anh sinh viên Y khoa Vũ Văn Cẩn đã làm luận án tốt nghiệp, đi sâu vào bệnh mắt hột kết hợp với truyền bá vệ sinh. Ra trường, ông mở phòng khám tư ở 53 phố Jacquin (nay là phố Ngô Thì Nhậm, Hà Nội), nhiều bệnh nhân nghèo được ông chữa miễn phí. Ông còn tham gia chương trình khám và mổ quặm cho người dân ở Thanh Hóa. Việc làm này từng bị bác sĩ nhãn khoa F.Casaux gọi là không tưởng. Người dân nông thôn dần dần giảm bớt mù lòa. Sinh thời, PGS Hoàng Minh đã gọi hành động mổ quặm chống mù lòa, khám chữa bệnh miễn phí của bác sĩ Vũ Văn Cẩn là thể hiện cái tâm đối với việc cứu chữa cho người bệnh, trước hết là người nghèo.
Xã hội hóa công tác y tế qua Vui Sống
Khi còn là một đất nước bị nô lệ, kiến thức khoa học của người dân Việt Nam rất thấp. Những kiến thức về phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe đều chưa được phổ biến rộng rãi. Nhận nhiệm vụ đứng đầu Cục Quân y, bác sĩ Vũ Văn Cẩn và các thầy thuốc đầu ngành của Bộ Y tế đều thống nhất: chỉ có con đường truyền bá kiến thức về vệ sinh, về các phương pháp phòng và chống bệnh tật, vận động toàn quân, toàn dân sống theo nếp sống lành mạnh là ăn sạch, uống sạch, ở sạch, vận động mọi người ngủ màn và diệt ruồi muỗi là các loài động vật trung gian truyền bệnh, đồng thời cải thiện việc ăn uống nhằm bồi dưỡng cơ thể, tăng sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật. Muốn làm được công tác truyền bá vệ sinh và y học, trong hồi ức của cố GS Từ Giấy cho biết, nhất thiết phải có một tờ báo. Đó là phương tiện tuyên truyền đắc lực trong quân đội và nhân dân. Cục trưởng Vũ Văn Cẩn đã giao nhiệm vụ ra báo cho bác sĩ Từ Giấy.
Sau 2 tháng chuẩn bị tích cực với một ban biên tập thường trực tòa soạn là các bác sĩ: Vũ Văn Cẩn, Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Từ Giấy... báo Vui Sống số 1 được phát hành ở Hà Nội (tháng 6.1946). Bác sĩ Từ Giấy được cử làm Thư ký tòa soạn. Dù mới ra đời, song tờ báo đã đáp ứng đúng nhu cầu của nhân dân nên lập tức được quân đội và nhân dân ủng hộ.
Khuynh hướng chung của báo Vui Sống là ngả về sức khỏe vì là tờ báo của ngành y, nhưng bác sĩ Vũ Văn Cẩn ủng hộ lấy tên Vui Sống vì có ý nghĩa xã hội rộng rãi hơn. Nội dung và cách viết cũng sẽ thoải mái hơn chứ không chỉ đóng khung trong các vấn đề y học. Chính Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn đã viết bài chỉ đạo ngành y “Biến công tác phòng bệnh thành một phong trào quần chúng”. Nội dung này ngày nay chúng ta thường gọi là xã hội hóa công tác y tế. Một trong 4 nguyên tắc được bác sĩ Vũ Văn Cẩn nêu đó là: “Muốn bảo vệ sức khỏe mà chỉ trông vào thuốc men, phương pháp vệ sinh chưa đủ, phải chú ý săn sóc tới ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện và lãnh đạo tư tưởng. Nghĩa là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành”.
|
Với uy tín và nhiệt tình của mình, bác sĩ Vũ Văn Cẩn đã tập hợp được rất nhiều trí thức, những cây đại thụ của ngành y và các ngành khoa học khác tham gia cộng tác với báo Vui Sống. Về y dược có các giáo sư, bác sĩ: Hồ Đắc Di, Hoàng Tích Trí, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, Trương Công Quyền, Nguyễn Ngọc Doãn, Trần Hữu Tước, Vũ Công Hòe, Vũ Công Thuyết, Nguyễn Trinh Cơ, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Hoàng Đình Cầu, Đỗ Tất Lợi, Phạm Khuê... Cả nhà khoa học lỗi lạc như Tạ Quang Bửu, các văn nghệ sĩ như Nguyễn Tuân, Tú Mỡ, Vũ Bằng, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Dân Hồng, Thanh Huyên, Trung Sơn... đều tham gia viết bài trên báo Vui Sống. Báo còn có các tranh bìa và tranh minh họa của nhiều danh họa như: Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sĩ Ngọc, Bùi Xuân Phái, Tạ Thúc Bình, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Mai Văn Hiến, Lê Thanh Đức, Trần Duy, Nguyễn Đức Toàn… Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc còn sáng tác ca khúc báo ca mang tên "Bài ca Vui Sống”. Cố GS Nguyễn Sĩ Quốc bình luận: “Có thể nói tờ Vui Sống thực chất là của toàn ngành y thời đó”.
Bác sĩ Vũ Văn Cẩn (1915-1982) quê xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Cục trưởng Cục Quân y (1964-1970), Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế (1971-1974), Thiếu tướng - Bộ trưởng Bộ Y tế (1974-1982), Đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII (1960 - 1982).
Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Tên ông được đặt cho một đường phố từ ngã ba đường Vạn Phúc đến ngã ba phố Lụa thuộc quận Hà Đông, thủ đô Hà Nội (2018).
|
Bình luận (0)