Đại tá - nhà văn Siêu Hải, cây bút của pháo binh, một trong những cán bộ chỉ huy pháo binh tại mặt trận sông Lô (1947) đã viết: đồng chí Vũ Hiển là người có công đầu trong tác chiến bẻ gãy gọng kìm sông Lô.
Bẻ gãy gọng kìm sông Lô
Một ngày cuối năm 2007, đại tá Siêu Hải trở lại với mặt trận sông Lô sau tròn 60 năm chiến thắng Khoan Bộ - trận thắng đầu tiên của pháo binh bắn chìm tàu chiến của thực dân Pháp. Ngoài 80 tuổi nhưng người trung đội trưởng pháo binh 75 ly vẫn nhớ như in từng kỷ niệm đơn vị ông đã bày trận địa pháo ven bờ Lô giang thuộc địa phận ghềnh Khoan Bộ (xã Phương Khoan, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).
|
Theo “Kế hoạch Clo Clo”, thực dân Pháp đánh lên Việt Bắc bằng hai gọng kìm lớn. Gọng kìm đường số 4 với xe tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới, có không quân yểm trợ từ Lạng Sơn ngược lên Cao Bằng rồi vòng xuống Bắc Kạn. Gọng kìm thứ hai, thủy quân lục chiến từ Hà Nội ngược sông Hồng, vào sông Lô, đánh lên Tuyên Quang, theo sông Gâm chiếm Chiêm Hóa, Đầm Hồng, Bản Ty. Hai cánh quân khép chặt quân chủ lực Việt Minh vào một túi lớn, quyết tâm tóm gọn Chính phủ kháng chiến và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phía ta, cũng mau chóng chuẩn bị phương án tác chiến. Quán triệt chủ trương của Tổng quân ủy, Khu ủy Khu 10 (gồm các tỉnh Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang…) đã cử ông Vũ Hiển – Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Khu 10 trực tiếp chỉ huy mặt trận sông Lô.
|
Mờ sáng 7.10.1947, ở gọng kìm thứ nhất, Pháp cho không quân nhảy dù xuống Bắc Kạn, mở màn chiến dịch. Ngày 11.10.1947, phía gọng kìm thứ hai, đoàn tàu chiến 7 chiếc của Pháp tiến qua Bạch Hạc ngược sông Lô. Các đơn vị pháo binh kháng chiến bố trí chặn tàu chiến tại Phan Dư, Đoan Hùng, Bình Ca đều không đạt kết quả. Đại tá Siêu Hải kể lại: Ngày 11.10, tàu địch ngược sông Lô, trung đội sơn pháo 1 của tôi bố trí trên một mỏm đồi cao ở Phan Dư bị bất ngờ, chỉ bắn được một phát ở cự ly trên 2.000 m, không kết quả.
Còn khẩu dã pháo ở Đoan Hùng mới bắn được một phát thì nòng pháo tụt về phía sau, không trở lại chỗ cũ. Hôm sau, tàu chiến Pháp lại qua Bình Ca, đến lượt khẩu dã pháo ở đây bắn được một phát thì hai bánh pháo do quân giới ta chế tạo chắp vá không chịu nổi lực giật của pháo nên đã gục hai bánh vào nhau. Cả 5 lần pháo binh ta vẫn chưa gây được sóng gió cho đoàn tàu giặc. Tàu chiến nghênh ngang đánh lên đầu thủ đô kháng chiến.Một không khí lo lắng bao trùm khắp mặt trận sông Lô.
Chỉ có pháo binh với hỏa lực mạnh mới phá vỡ được vỏ thép tàu chiến. Vậy mà 2 khẩu pháo ở Đoan Hùng và Bình Ca đều hỏng, đang được tích cực sửa chữa. Chỉ còn khẩu sơn pháo 75 ly của trung đội Siêu Hải - Nông Văn Cờ hoạt động.Nhưng tất cả những đợt pháo bắn đều hụt mục tiêu. Sau những trận đầu không thắng lợi, một số cán bộ, chiến sĩ pháo binh tỏ vẻ hoài nghi chiến thuật đánh du kích của pháo. Họ bàn tán, tranh luận sôi nổi và có phần tỏ ra thiếu tin tưởng vào trình độ kỹ thuật. Họ lo lắng trước tình hình vũ khí cũ kỹ của ta.
Tham mưu trưởng Vũ Hiển đã chỉ đạo đưa pháo ra mặt sông, “đặt gần, bắn thẳng, ngắm qua nòng”. Chủ trương này có hiệu quả ngay tức khắc.Pháo binh ta đã bắn chìm tại chỗ 2 tàu chiến LCT đầu tiên của thủy quân Pháp vào chiều ngày 23.10.1947 tại ghềnh Khoan Bộ, mở màn cho chiến thắng sông Lô lừng lẫy.
Cùng ngày hôm đó, tin trinh sát gửi về Bộ chỉ huy khu: Địch đang chuẩn bị một đoàn tàu từ Tuyên Quang xuôi về Hà Nội lấy thêm quân, vũ khí và lương thực. Trung tướng Doãn Tuế, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cán bộ đốc chiến Khu 10 tại mặt trận sông Lô, kể trong hồi ký: “Đêm về trời lạnh. Anh Vũ Hiển cùng đoàn cán bộ ban pháo binh Khu 10 về ngay Đoan Hùng. Mưa bay lất phất, dòng sông Lô lặng lẽ uốn khúc bên những dãy núi đồi, những cánh rừng đại ngàn”.
Chủ trương “đặt gần, bắn thẳng, ngắm qua nòng” được Tham mưu trưởng Vũ Hiển cho phổ biến tới chỉ huy pháo binh toàn mặt trận đã đem tới chiến thắng giòn giã ở Đoan Hùng (24.10.1947). Văn nghệ sĩ hứng khởi vô cùng trước tin thắng lợi vang dội trên mặt trận sông Lô. Lần lượt “Trường ca sông Lô” của Văn Cao, “Chiến sĩ sông Lô” của Nguyễn Đình Phúc, “Lô giang” của Lương Ngọc Trác… đã ra đời ngay sau chiến thắng. Bản hùng ca sông Lô đã vút lên và ngân vang từ đó đến nay.
Tư lệnh pháo binh
Cuộc đời binh nghiệp của đại tá Vũ Hiển luôn gắn với những đơn vị tinh nhuệ hiện đại. Ngày 27.3.1951, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đại đoàn 351.Đây là đại đoàn binh chủng (công binh – pháo binh) đầu tiên của quân đội ta.Đại tá Vũ Hiển được bổ nhiệm làm Đại đoàn phó, quyền Đại đoàn trưởng.Đường binh nghiệp cũng có những khúc gập ghềnh xa, năm 1959, đại tá Vũ Hiển chuyển ngành, sang công tác tại Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NN-PTNT). Ông nghỉ hưu năm 1971 khi đang làm Vụ phó Vụ Xây dựng Công trình - Bộ Thủy lợi.
|
“Tôi chiến đấu pháo binh bên dòng sông Lô, rất tự hào về chiến thắng sông Lô có phần đóng góp nhỏ nhoi của mình và cũng tự hào về người chỉ huy tài năng là anh Vũ Hiển”, sinh thời đại tá – nhà văn Siêu Hải chia sẻ. (Còn tiếp)
Sau chiến thắng của chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947, ông Vũ Hiển được điều về làm Trưởng phòng Tác chiến Bộ Quốc phòng, rồi quyền Tổng tham mưu phó Quân đội. “Các đồng chí thủ trưởng Cục như đồng chí Hà Văn Lâu, Vũ Hiển, Trần Văn Quang, Đỗ Đức Kiên… đều được cán bộ, chiến sĩ rất tôn trọng và khâm phục về đức độ, tài năng”, sách Lịch sử Cục Tác chiến 1945-2015 đã ghi nhận về ông như vậy.
Những cán bộ được thụ phong cấp hàm đại tá hạng nhất đợt đầu tiên gồm các ông: Vũ Hiển – Trưởng phòng Tác chiến kiêm quyền Tổng tham mưu phó; Phạm Trinh Cán – quyền Cục trưởng Cục Quân pháp; Vũ Văn Cẩn – Cục trưởng Cục Quân y; Trần Dụ Châu – Cục trưởng Cục Quân nhu; Lê Khắc – Cục trưởng Cục Công binh; Phan Tử Lăng – Cục trưởng Cục Quân chính; Hoàng Minh Thảo – Tư lệnh phó Liên khu 3.
|
Bình luận (0)