Tuyển tập văn xuôi Trương Tửu – cây bút phong cách đầu thế kỷ 20

24/07/2021 15:30 GMT+7

Bộ sách Tuyển tập văn xuôi 2 tập của nhà văn Trương Tửu do Đề án bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam thực hiện, NXB Hội Nhà văn cấp phép vừa ra mắt bạn đọc.

Với 13 tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn (Thanh niên S.O.S, Một chiến sĩ, Khi chiếc yếm rơi xuống, Trái tim nổi loạn, Một cổ đôi ba tròng, Tôi nguyền rủa mãi người cha ấy, Khi người ta đói, Đục nước béo cò, Một kiếp đọa đầy, Cái tôi của ai, Tráng sĩ Bồ Đề, Năm chàng hiệp sĩ, Thằng Hóm) đã cho bạn đọc tiếp cận một chân dung toàn vẹn Trương Tửu trên tư thế nhà văn sáng tác văn xuôi – bên cạnh một nhà nghiên cứu văn học đầy quyền uy.
Trương Tửu (1913 – 1999) không chỉ viết nghiên cứu phê bình văn học (Nguyễn Du và Truyện Kiều, Văn chương Truyện Kiều, Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Tương lai Văn nghệ Việt Nam, Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du, Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam…) mà còn sáng tác khá nhiều và được coi là một trong những cây bút có phong cách trong làng tiểu thuyết giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám. Năm 1940, ông viết Kinh thi Việt Nam nhưng bị thực dân Pháp cấm, viết truyện Thằng Hóm bị chính quyền thực dân tịch thu ngay lúc ở nhà in. Đến nay không mấy ai còn nhớ những trang văn xuôi in đậm tính luận đề và chất dã sử của Trương Tửu những năm 1930 - 1940.
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học đồng thời là người biên soạn Tuyển tập Văn xuôi Trương Tửu, khuyến cáo: “Độc giả ngày nay đọc tác phẩm Trương Tửu cần đặt các sáng tác của ông trong bối cảnh đương thời mới có thể nhận thức rõ hơn dấu ấn một phong cách riêng cũng như những đóng góp nhiều mặt với đời sống văn chương nước nhà. Hơn nữa, chính lối văn luận đề, giàu chi tiết hiện thực đời thường khiến cho tác phẩm của ông còn có thể trở thành điểm tựa của nhiều bộ môn liên ngành như lịch sử, báo chí, ngôn ngữ học, văn hóa học, xã hội học…”.
Đặt trong mặt bằng chung của nền văn xuôi và tiểu thuyết đương thời, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan trong công trình Nhà văn Việt Nam hiện đại (1942) đã thẳng thắn chỉ rõ những điểm hạn chế và khả thủ ở sáng tác Trương Tửu. Phân tích các tập truyện và tiểu thuyết Một chiến sĩ, Khi chiếc yếm rơi xuống, Khi người ta đói, Một kiếp đọa đầy, Vũ Ngọc Phan xác định: “Trương Tửu tỏ cho người ta thấy ông là một nhà tiểu thuyết xã hội. Ngay trong tập ái tình tiểu thuyết Trái tim nổi loạn, ông cũng có cái ý phân giai cấp mỗi khi nói đến sự giàu nghèo của Thúy và Thông. Còn ở hầu hết các tiểu thuyết khác của ông, ông bênh vực người nghèo rõ rệt… Về mặt phê bình, Trương Tửu là một nhà văn thiên vị, chỉ biết theo khuynh hướng chính trị của mình; còn về tiểu thuyết xã hội, ông là một nhà văn có những ý kiến chưa lấy gì làm chín chắn và sâu rộng”…
Vũ Ngọc Phan nhấn mạnh ưu điểm của phong cách văn xuôi Trương Tửu là lối văn “trác luyện, sáng suốt”, “tỉ mỉ, kỹ càng”, “đáng kể là một tiểu thuyết xây dựng vững vàng”… Còn về nội dung các sáng tác văn xuôi Trương Tửu, Vũ Ngọc Phan xếp tác phẩm của ông mở đầu cho mục "Tiểu thuyết xã hội" (cùng với Nguyên Hồng, Thạch Lam, Đỗ Đức Thu, Nhượng Tống, Thanh Tịnh, Thụy An, Nguyễn Xuân Huy, Ngọc Giao, Nguyễn Vỹ) và nêu mấy ý kiến khái quát: “Những tiểu thuyết đầu tay của ông đều là tiểu thuyết tranh đấu, nghĩa là những tiểu thuyết có tính cách cải tạo và bênh vực một vài ý kiến của mình (…). Từ tiểu thuyết tranh đấu đến tiểu thuyết xã hội, tác giả chỉ cần đi một bước”...
Với loại sách “có tính cách xã hội”, Vũ Ngọc Phan khảo sát và đánh giá từng tác phẩm cụ thể: “Quyển Khi chiếc yếm rơi xuống tuy mang cái nhan đề khơi gợi nhưng cả tập tiểu thuyết tuyệt nhiên không có chỗ nào gợi tình cả. Nó gần là tập phỏng vấn một gái giang hồ để tìm nguyên nhân trụy lạc của phần đông gái nhà chứa. Cái nguyên nhân ấy là sự đói khát (…). Viết tập Khi người ta đói Trương Tửu cũng nương tựa vào nhiều thành kiến như trong khi phê bình nên nhiều khi ông thiên vị và tạo nên những việc buồn thảm quá đáng. Người ta thấy Trương Tửu phải chăng hơn khi viết tập ái tình tiểu thuyết Trái tim nổi loạn (…). Đoạn kết rất là đột ngột và thê thảm. Một truyện ái tình bi đát, tả bằng những nét hơi đậm một chút nhưng tỉ mỉ, kỹ càng.Chỉ phải vài ba đoạn nghị luận hơi dài, nhắc đi nhắc lại một ý kiến về ái tình và hôn nhân, làm cho những đoạn ấy kém phần thú vị. Tuy vậy, Trái tim nổi loạn của Trương Tửu cũng đáng kể là một tiểu thuyết xây dựng vững vàng…”.
Nhà phê bình Kiều Thanh Quế nhân quyển Vang bóng một thời tục bản - Tập truyện ngắn của Nguyễn Tuân trên Tạp chí Tri Tân, số 145, (tháng 6.1944) đã đi sâu phân tích, dẫn giải cả về nội dung và chiều sâu hình thức nghệ thuật, qua đó nhận diện sự khác biệt với phong cách Nguyễn Tuân với Trương Tửu và Lê Văn Trương: “Văn Tự lực văn đoàn mềm mại dịu dàng. Văn Trương Tửu, Lê Văn Trương mạnh mẽ, đột khởi. Văn Nguyễn Tuân thì dí dỏm như một cô gái làm nũng, có khi lại "đỏng đảnh" như một người đàn bà khó chiều”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.