Những đấu trường thể thao khắc nghiệt: Ironman - Thử thách ý chí

11/02/2017 11:21 GMT+7

Cuộc thi Ironman Triathlon (3 môn phối hợp đường dài gồm bơi 3,86 km, đạp xe đạp 180,25 km và chạy marathon 42,2 km) được xem là môn thể thao thuộc hàng khó khăn nhất trên thế giới hiện nay.

Về đích đã là chiến thắng
Năm 1977, các nhà tổ chức đã có ý tưởng kết hợp 3 môn thể thao trên và cuộc thi chính thức lần đầu tiên đã diễn ra một năm sau đó ở Hawaii (Mỹ), duy trì xuyên suốt đến nay. Ngày nay, các cuộc thi Ironman Triathlon trở nên phổ biến toàn cầu. Đỉnh cao nhất là giải Ironman World Championship, cuộc thi “chung kết của mọi cuộc thi chung kết Ironman Triathlon”, diễn ra hằng năm ở Hawaii, có tổng giải thưởng 650.000 USD, quy tụ vận động viên (VĐV) “Ironman” thuộc hàng cừ khôi nhất trên thế giới tranh tài.
Vì là chung kết thế giới nên cuộc thi Ironman World Championship cũng khắc nghiệt hơn mọi cuộc thi Ironman Triathlon thông thường khác, với đường đua dài hơn diễn ra trong điều kiện thi đấu lẫn thời tiết khắc nghiệt hơn. Cuộc thi này cũng được truyền hình trực tiếp khắp thế giới, thu hút rất nhiều người theo dõi.
Cuộc thi còn có những luật lệ khắt khe, như giới hạn thời gian trong vòng 17 giờ phải hoàn thành. Cụ thể, bắt đầu thi từ 7 giờ sáng, đến 9 giờ 20 phải hoàn tất môn thi đầu tiên là bơi lội. Tiếp đó, môn đua xe đạp được đặt thời hạn kết thúc vào lúc 5 giờ 30 chiều và cuối cùng, môn chạy marathon kết thúc vào nửa đêm của ngày thi đấu.
Do tính khắc nghiệt quá cao, bất cứ VĐV nào khi tham gia cuộc thi Ironman Triathlon nếu hoàn tất cả 3 môn thi trong khoảng thời gian trên đều được công nhận là “Ironman” (Người sắt), để chứng thực cho sự chiến thắng bản thân, chứ chưa nói tới việc đoạt ngôi quán quân.
Ironman Triathlon hấp dẫn mọi giới từ những VĐV thể thao chuyên nghiệp đến những người bình thường tham gia AFP
Tuy gian khó nhưng môn Ironman Triathlon hiện rất hấp dẫn mọi giới từ những VĐV thể thao chuyên nghiệp đến những người bình thường tham gia rèn luyện và thi đấu để thử thách bản thân. Một trong số này phải kể đến tay đua F1 Jenson Button, từng tham gia một cuộc thi ở Philippines và về đích thứ 11. Dù độ khó ở cuộc thi tại Philippines chỉ giới hạn bơi 1,9 km, đạp xe đạp 90 km và chạy 21,1 km nhưng Button cho rằng: “Quả là điên rồ khi tôi hoàn thành được cuộc thi này. Thật không thể tưởng tượng nếu như bạn không có ý chí, kiên nhẫn và bền bỉ thì khó lòng mà hoàn tất cuộc thi quá gian khó này”.
Ironman Triathlon cũng từng chứng kiến không ít VĐV thiệt mạng trong lúc thi đấu vì vượt quá sức chịu đựng. Đa phần các trường hợp tử vong đều ở môn bơi, như từng xảy ra ở một cuộc thi tại New York (Mỹ) hồi năm 2011, có 2 VĐV nam 64 tuổi và nữ 40 tuổi đã bị đuối nước và thiệt mạng trên sông Hudson. Hay như cựu cầu thủ người Costa Rica, hậu vệ Gabriel Badilla từng thi đấu ở World Cup 2006, bị đột quỵ và qua đời sau đó ở bệnh viện khi tham dự cuộc thi “Ironman mini” hồi tháng 11.2016 ở TP.Lindora cách không xa thủ đô San Jose của Costa Rica...
Ironman VN trên đấu trường quốc tế
Gần đây có 2 đại diện VN đã tham dự cuộc thi Ironman quốc tế ở Úc (giải Ironman Western Australia) là Phạm Thành Đức và Đỗ Cường. Trong đó, Phạm Thành Đức là CEO của Công ty ví MoMo, có lẽ là doanh nhân đầu tiên của VN dự một cuộc thi Ironman có tầm quốc tế và được chứng thực là “Ironman” khi anh hoàn tất 3 môn thi gian khó với thời gian tổng cộng 16 giờ 40 phút (gồm bơi 1 giờ 51 phút, đạp xe 7 giờ 22 phút và chạy bộ 6 giờ 57 phút).
VĐV Phạm Thành Đức, CEO đầu tiên của VN được chứng thực là Ironman ở Úc Nhân vật cung cấp
Chia sẻ với Thanh Niên, Phạm Thành Đức nói: “Ở bất cứ cuộc thi Ironman nào trên thế giới, khi các VĐV tham gia thi đấu thì lúc... run nhất có lẽ là lúc nhận số áo VĐV và ký nhận cam kết “hoàn toàn chịu trách nhiệm mọi rủi ro trên đường đua”. Nghe giống như ký bản án tử vậy, vì nếu lỡ có bị thiệt mạng hay chấn thương nặng gì đó thì VĐV tham gia phải tự chịu và chẳng có bảo hiểm gì cả”. Thực ra, theo anh Phạm Thành Đức thì quy định này đã có từ lâu. "Cuộc thi Ironman đúng bản chất của nó là thử thách ý chí và bản lĩnh của con người", anh Đức nói.
Cũng theo anh Phạm Thành Đức, nếu người chơi duy trì một chế độ tập luyện đều đặn và liên tục, kết hợp với bổ sung dinh dưỡng và thực phẩm chức năng cần thiết để bù đắp cho năng lượng của cơ thể, thì sẽ thấy rất dễ dàng tham gia các cuộc thi Ironman.
Anh Phạm Thành Đức cho biết trong 3 môn thi Ironman, môn bơi ban đầu tưởng là khó nhất nhưng lại dễ vì đó là chặng khởi động và có khoảng cách ngắn. Hai môn còn lại là xe đạp và chạy marathon mới thực sự là thử thách tột bậc cho các VĐV tham gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.