Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế: Xuất khẩu tăng cả lượng và chất

26/05/2022 06:07 GMT+7

Tận dụng tốt những hiệp định thương mại tự do (FTA) và linh hoạt thích ứng với các diễn biến bất ổn trên thế giới , các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Việt Nam như thủy sản, dệt may, đồ gỗ… đã tăng tốc đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu (XK) hàng hóa của Việt Nam vẫn tăng trưởng cao và ổn định. Tính đến ngày 15.5, XK đạt trên 135 tỉ USD, tăng đến 15,5% tương ứng tăng 18 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo đạt kim ngạch XK năm 2022 từ 42 - 43,5 tỉ USD

Gia Hân

Kín đơn hàng

Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo đạt kim ngạch XK năm 2022 từ 42 - 43,5 tỉ USD. Con số này theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường là căn cứ vào các yếu tố như: Dự báo tổng cầu dệt may năm 2022 của thế giới tăng khoảng 3%; các đối tác bày tỏ sự tin tưởng đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi trong khó khăn do dịch bệnh Covid-19 vẫn nỗ lực khắc phục, đáp ứng các đơn hàng.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cũng cho biết: “Hiện toàn bộ mặt hàng truyền thống của chúng tôi đều đã kín đơn hàng đến quý 3/2022, các khách hàng đều đánh giá rất tin tưởng vào sự linh hoạt thích ứng của DN Việt Nam”.

Trong bối cảnh hiện nay, sự tăng trưởng XK của các sản phẩm nông thủy sản, da giày, dệt may… có ý nghĩa rất quan trọng vì nó có giá trị lan tỏa lớn, trực tiếp giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho người lao động, thu nhập của bà con nông dân, qua đó góp phần ổn định kinh tế và an sinh xã hội.

TS Lê Đăng Doanh

Lĩnh vực XK thủy sản cũng ghi nhận kỷ lục kim ngạch trong 5 tháng qua với kim ngạch 3,65 tỉ USD, tăng gần 47% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương với con số tăng tuyệt đối 1,16 tỉ USD. Thủy sản là một trong 5 nhóm hàng chính có đóng góp lớn nhất vào mức tăng XK của cả nước so với cùng kỳ năm trước. Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe nhận định: “XK thủy sản tăng mạnh trong các tháng đầu năm có nhiều yếu tố. Do nhu cầu thị trường tăng cao nên các nhà nhập khẩu đẩy mạnh nhập hàng đề phòng đứt gãy chuỗi cung ứng vì những bất ổn của thế giới như xung đột Nga - Ukraine, lạm phát cao ở Mỹ, EU… Những điều này làm chi phí sinh hoạt tăng, người dân thay vì chọn lựa các mặt hàng tươi sống họ chuyển qua sản phẩm đông lạnh, chế biến sẵn vì có giá cạnh tranh hơn. Thêm vào đó yếu tố Trung Quốc “đóng cửa” chống dịch cũng làm cho nguồn cung trên thị trường khan hiếm, cá thịt trắng của Nga gặp khó về đầu ra… là những yếu tố thuận lợi cho ngành thủy sản Việt Nam từ đầu năm đến nay”.

Một mặt hàng XK khác đang giữ vững phong độ và kín đơn hàng đến quý 4/2022 là ngành chế biến XK đồ gỗ. Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) Nguyễn Chánh Phương cho biết: “Khác với việc thiếu đơn hàng và khá bị động khi dịch bệnh bùng phát trong năm 2021, năm nay, nhu cầu nội thất thế giới vẫn trên đà tăng. DN ngành nội thất Việt Nam hiện đã kín đơn hàng cho đến quý 3, thậm chí là hết năm 2022. Nếu giữ được bình quân kim ngạch XK đạt khoảng 1,5 tỉ USD/tháng như hiện nay thì kế hoạch đặt ra của ngành gỗ là khoảng 16,5 tỉ USD cuối năm 2022 hoàn toàn khả thi”.

Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu một số lĩnh vực

NGUỒN: TỔNG CỤC THỐNG KÊ - đồ họa: văn năm

Tận dụng FTA, tăng hàm lượng chất xám

Nói về cơ hội đẩy mạnh XK của ngành gỗ, TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), phân tích: “Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang trải qua giai đoạn đặc biệt khó khăn, dịch bệnh làm đảo lộn kinh tế nhiều khu vực, xu hướng bảo hộ hay căng thẳng thương mại gia tăng trên thế giới thì ngành chế biến XK gỗ Việt Nam lại đang có lợi thế quan trọng từ hiệp định thương mại tự do (FTA). Nó giúp DN gia tăng sức cạnh tranh và thị phần ở không chỉ các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, mà còn cả ở các thị trường vốn chưa hoàn toàn quen thuộc với đồ gỗ Việt Nam như ASEAN hay châu Đại Dương. Khách hàng trong khu vực này thuộc nhiều phân khúc rất đa dạng, trong đó có những nhóm không quá khó tính, lại có nhu cầu cao đối với nhiều sản phẩm gỗ XK thế mạnh của Việt Nam. Điều này mở ra cơ hội nhiều hơn cho các DN sản xuất, XK, nhất là các DN nhỏ và vừa với năng lực cạnh tranh chưa phải quá mạnh”.

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh đánh giá: “Thành tựu của việc chúng ta là đã ký được các FTA với các nền kinh tế lớn và phát triển ở trình độ cao như: EU, Nhật Bản, Mỹ hay các nước CPTPP… Các DN đã tận dụng tốt cơ hội mà những thị trường này mang lại”.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang cho biết: Hiện tại, hầu hết các nhãn hàng thời trang tại Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… thậm chí là Trung Quốc đều đòi hỏi khắt khe hơn về những sản phẩm may mặc. Cụ thể, nhà nhập khẩu yêu cầu đơn vị sản xuất phải tiết kiệm nguồn nước, không chấp nhận việc sử dụng than làm khí đốt vì ảnh hưởng môi trường. Các đối tác cũng yêu cầu người bán hàng phải sử dụng nguyên vật liệu xanh, nguyên liệu tái chế để đáp ứng xu thế của người tiêu dùng trên toàn cầu. DN sản xuất muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu sẽ buộc phải tự đổi mới mình, minh bạch hơn trong sản xuất cũng như đảm bảo sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo các yếu tố phát triển xanh.

Phó tổng thư ký VITAS Nguyễn Thị Tuyết Mai bổ sung: “Nhiều loại sợi vải từ cà phê, sen, hàu, bạc hà đã và đang được các DN nghiên cứu cho ra đời, đáp ứng nhu cầu xanh hóa của ngành. Hay với cây sen, ước tính hằng năm, hàng trăm nghìn thân sen và lá sen bị thải vào môi trường sau mỗi vụ thu hoạch. Nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu này, nhiều nhà cung ứng nguyên liệu đã sử dụng sợi tơ trong thân sen và sợi cellulose từ lá để dệt vải và đem đến dòng vải sợi sen. Vải sợi sen cũng là dòng vải đầu tiên mang tính năng đặc biệt bổ sung collagen và thúc đẩy ion âm trên da”. Bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng giám đốc Công ty CP Kết nối Thời trang, cho biết: “Những sợi vải được chúng tôi nghiên cứu và sản xuất như sợi bạc hà, sợi cà phê, sợi từ vỏ hàu, xơ dừa… đang là lựa chọn hàng đầu của các nhãn hàng như Owen, Belluni, Ivy, Yody, Aristino, Routine, Gumac, Real Clothes, YaMe. Chỉ riêng năm 2021, Faslink đã cung ứng cho thị trường khoảng 8 triệu mét vải thành phẩm từ nguyên liệu xanh”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.