Những diễn biến nóng trong 15 ngày chiến sự Nga-Ukraine

Văn Khoa
Văn Khoa
11/03/2022 06:25 GMT+7

Trong 15 ngày tiến hành chiến dịch quân sự , lực lượng Nga đã kiểm soát một số khu vực ở Ukraine, nhưng bị phía Ukraine kháng cự quyết liệt và nền kinh Nga “đang trải qua cú sốc” theo sau những lệnh cấm vận của phương Tây.

Tổn thất của các bên

Hôm 9.3, một quan chức Mỹ ước tính 5.000-6.000 binh sĩ Nga có thể đã tử trận chỉ trong 2 tuần Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine nhưng nhấn mạnh con số thực tế có thể gần 3.500, theo Đài CBS. Vị quan chức này còn ước tính phía Ukraine đã mất 2.000-4.000 binh sĩ. Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Nga đối với ước tính thương vong của vị quan chức Mỹ. Hôm 2.3, Bộ Quốc phòng Nga thông báo có 498 binh sĩ thiệt mạng và gần 1.600 binh sĩ bị thương trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, theo Đài RT.

Xem nhanh: Diễn tiến của chiến sự Nga-Ukraine trong ngày thứ 15

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 10.3 khẳng định kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào ngày 24.2 đến nay, hơn 2.900 khí tài quân sự Ukraine đã bị phá hủy, trong đó có 97 máy bay, 141 hệ thống phòng không, 986 xe tăng và xe bọc thép quân sự khác, và 107 bệ phóng rốc két, theo hãng tin Interfax. Ngoài ra, lực lượng Nga tuyên bố đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và nhà máy điện hạt nhân Chernobyl cũ; và các thành phố Kherson, Melitopol và Konotop. Lực lượng Nga đang bao vây một số thành phố khác, và cố tiến sát thủ đô Kyiv nhưng bị phía Ukraine kháng cự quyết liệt.

Binh sĩ Ukraine kiểm tra vũ khí mới ở thủ đô Kyiv ngày 9.3

AFP

Phía Ukraine chưa có phản ứng về những con số trên. Trong khi đó, tờ The New York Times ngày 8.3 đưa tin quân đội Ukraine tuyên bố kể từ khi chiến sự xảy ra, họ đã giết chết hơn 12.000 binh sĩ Nga, phá hủy hoặc bắn hạ 48 máy bay Nga và 80 trực thăng; bắt giữ hoặc phá hủy 303 xe tăng, hàng trăm xe cơ giới và xe hơi; bắt giữ hai tàu hải quân Nga và cho nổ tung nhiều hệ thống phóng tên lửa di động. Chưa có thông tin về phản ứng của Nga.

Tình hình Ukraine sáng 11.3: Nga tung đòn đáp trả lệnh cấm vận của phương Tây

Trong khi đó, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền (OHCHR) ngày 6.3 xác nhận ít nhất 364 dân thường thiệt mạng và 759 người khác bị thương ở Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự. OHCHR cho rằng con số thương vong thực tế có thể cao hơn nhiều, theo Reuters. Ngoài ra, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 10.3 cho hay hơn 2,3 triệu người đã rời khỏi Ukraine xin tị nạn ở các nước láng giềng từ ngày 24.2, theo AFP. Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Nga đối với số thương vong trên. Moscow nhiều lần khẳng định chiến dịch quân sự không nhắm vào các mục tiêu dân sự ở Ukraine.

Khủng hoảng y tế vì chiến sự Nga-Ukraine

Các động thái của phương Tây

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự, Mỹ và các nước NATO khác đẩy mạnh việc cung cấp vũ khí cho Ukraine để đối phó lực lượng Nga. Trong vòng 6 ngày, Mỹ và NATO đã cung cấp hơn 17.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine và đang thực hiện một số chiến dịch bí mật nhằm hỗ trợ Kyiv đối phó chiến dịch quân sự của Nga, theo The New York Times. Đã có ít nhất 27 quốc gia, trong đó có Anh và Mỹ, đồng ý cung cấp thêm vũ khí và viện trợ quân sự cho Ukraine để đối phó các lực lượng Nga, theo Đài Sky News. Ngoài ra, Mỹ và các nước đồng minh còn điều động thêm binh sĩ đến những quốc gia gần Nga hoặc Ukraine để tăng cường an ninh cho NATO. NATO cũng đã kích hoạt lực lượng phản ứng nhanh với 40.000 quân lần đầu tiên kể từ khi lực lượng này được thành lập vào năm 2003.

Đức thông báo không gửi chiến đấu cơ cho Ukraine

Bên cạnh đó, phương Tây áp đặt thêm các biện pháp cấm vận mới nhắm vào Nga vì hành động quân sự của nước này đối với Ukraine. Ngày 25.2, Mỹ, Anh, Canada và Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố áp đặt các lệnh cấm vận nhắm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Đến ngày 27.2, Mỹ, Anh, Châu Âu và Canada ra lệnh chặn nhiều ngân hàng lớn của Nga truy cập vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Mỹ, Canada, EU cũng đã đóng cửa không phận với các máy bay Nga. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8.3 thông báo lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu khí từ Nga nhằm trả đũa chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Tổng thống Putin nói Nga sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn

Phản ứng của phía Nga

Về phía Nga, cơ quan quản lý hàng không Rosaviatsia ngày 28.2 lần đầu tiên cho hay nước này đã đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không từ 36 quốc gia, trong đó có tất cả 27 quốc gia thành viên EU, theo Reuters. Đến ngày 10.3, chính phủ Nga thông báo lệnh cấm xuất khẩu 200 mặt hàng và thiết bị cho đến cuối năm nay, như là một phần đáp trả của Moscow đối với những lệnh cấm vận nhắm vào Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ngoài ra, chính phủ Nga còn cấm xuất khẩu “một số loại gỗ” tới những quốc gia có hành động mà Nga coi là "không thân thiện".

Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 10.3 cho hay nền kinh tế Nga "đang trải qua một cú sốc" và các biện pháp đang được đưa ra nhằm giảm tác động của cuộc chiến tranh kinh tế "hoàn toàn chưa có tiền lệ” nhắm vào Moscow. “Cuộc chiến tranh kinh tế bắt đầu chống lại đất nước chúng tôi chưa bao giờ xảy ra trước đó. Vì vậy rất khó dự báo bất cứ điều gì”, ông Peskov nói trong một cuộc họp báo.

Điện Kremlin ngày 9.3 nói rằng Mỹ trên thực tế đang tiến hành cuộc chiến tranh kinh tế chống lại Nga, sau khi Tổng thống Putin ngày 5.3 cảnh báo quyết định của những nước áp đặt các lệnh cấm vận chống Nga “giống như tuyên bố chiến tranh”, theo hãng tin Sputnik.

Cũng trong ngày 10.3, một quan chức chính phủ Ukraine nói rằng chiến dịch quân sự của Nga đã phá hủy nhiều con đường, cây cầu và cơ sở kinh doanh, với tổng thiệt hại kinh tế ước tính lên tới khoảng 100 tỉ USD, theo AFP.

Không có tiến triển về ngừng bắn trong đàm phán ngoại trưởng Nga-Ukraine

4 cuộc đàm phán

Kể từ khi chiến sự bùng phát từ ngày 24.2 đến ngày 10.3, Nga và Ukraine đã có cuộc đàm phán, nhưng đều không tạo ra đột phá lớn. Cuộc đàm phán đầu tiên diễn ra vào ngày 28.2 và cuộc đàm phán thứ tư diễn ra vào ngày 10.3. Cuộc đàm phán mới nhất diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ với sự tham gia của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Ông Kuleba khẳng định với giới phóng viên rằng không có tiến triển nào cho việc đạt lệnh ngừng bắn ở Ukraine trong cuộc đối thoại với Ngoại trưởng Lavrov, theo Reuters. Trước đó, Nga đã tuyên bố lệnh ngừng bắn ở một số thành phố của Ukraine và mở hành lang nhân đạo để dân thường khỏi vùng đụng độ, nhưng hai bên cáo buộc qua lại về việc không thực hiện sơ tán.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (giữa), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (phải) trong cuộc đối thoại ngày 10.3

AFP

Phát biểu sau cuộc đối thoại với Ngoại trưởng Kuleba, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng ông không tin căng thẳng giữa Nga với phương Tây sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân, nhưng cảnh báo phương Tây đang hành xử một cách nguy hiểm về vấn đề Ukraine. Ông lặp lại các yêu cầu của Nga là Ukraine phải phi quân sự hóa và chấp nhận tình trạng trung lập, nhấn mạnh chiến dịch quân sự vẫn diễn ra theo kế hoạch.

Hôm 1.3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine cho đến khi đạt được các mục đích. Theo ông, mục đích chính của Nga là tự vệ trước những mối đe dọa gây ra bởi phương Tây, đồng thời khẳng định Nga không xâm chiếm lãnh thổ Ukraine.

Xem thêm về tình hình Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.