Những điều cần biết về tái nhiễm Covid-19

La Vi
La Vi
28/03/2022 08:15 GMT+7

Tái nhiễm Covid-19, cụm từ mà dường như tất cả chúng ta đều đã nghe qua. Khi làn sóng đầu tiên của dịch Covid-19 kéo đến, nhiều người thậm chí đã nhiễm bệnh 3-4 lần. Vậy liệu tái nhiễm có phải là điều đáng lo ngại?

Mức độ phổ biến của việc tái nhiễm

Khi ngày càng có nhiều trường hợp tái nhiễm Covid-19, Tiến sĩ Deborah Cromer, một nhà nghiên cứu cấp cao tại chương trình phân tích nhiễm trùng của Viện Kirby, khẳng định: "Nếu đã nhiễm Covid-19 hoàn toàn không có nghĩa là sẽ được bảo vệ chống tái nhiễm, bạn chắc chắn không được bảo vệ hoàn toàn khỏi tái nhiễm".

Tuy nhiên việc đã nhiễm bệnh trước đó, cùng với tiêm vắc xin và liều tăng cường, đều đóng vai trò quan trọng nhằm tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Điều này giúp cho khả năng bị bệnh nặng trong các lần nhiễm Covid-19 tiếp theo giảm đi đáng kể.

Tiến sĩ Cromer nhận xét rằng Covid-19 đang trở nên tương tự như các virus đường hô hấp khác như cúm về khả năng tái nhiễm.

Có nhiều khả năng tái nhiễm với các biến thể khác nhau không?

Việc nhiễm một biến thể cụ thể có thể cung cấp cho cơ thể khả năng miễn dịch mạnh đối với chủng virus đó. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ không mạnh đối với biến thể khác. Vì vậy vẫn có khả năng tái nhiễm các biến thể khác. Việc tái nhiễm cùng một biến thể cũng có thể xảy ra.

Đối với những người chưa được chủng ngừa, nguy cơ tái nhiễm sẽ cao hơn so với những người đã được tiêm vắc xin.

Một điểm xét nghiệm Covid-19 ở Bangkok, Thái Lan

reuters

Một số biến thể dễ gây tái nhiễm hơn?

Tới nay, khoa học vẫn chưa chứng minh khả năng tái nhiễm của một số biến thể cao hơn những biến thể khác. Tuy nhiên, nhiều báo cáo cho rằng người nhiễm Omicron có nguy cơ tái nhiễm cao.

Một nghiên cứu ở Anh từ Đại học Hoàng gia London đã công bố một báo cáo vào tháng 12 năm ngoái về vấn đề này. Theo đó, nguy cơ tái nhiễm Omicron lớn hơn 5,4 lần so với Delta.

Báo cáo viết: "Điều này cho thấy rằng khả năng bảo vệ chống lại tái nhiễm của Omicron có thể chỉ thấp ở mức 19%". Mặc dù chưa có đủ thông tin để khẳng định, Tiến sĩ Cromer cho biết điều này cũng hợp lý vì các kháng thể cần thiết để chống lại Omicron khác với virus Covid-19 ban đầu.

Một số người có thể dễ tái nhiễm hơn?

Trên thực tế, một số người có thể dễ tái nhiễm Covid-19 hơn những người khác vì hệ thống miễn dịch của mỗi người là khác nhau, và lượng kháng thể mà họ tạo ra sau khi được tiêm vắc xin hay nhiễm bệnh cũng khác nhau.

Những người tạo ra ít kháng thể hơn có nhiều khả năng bị bệnh và dễ tái nhiễm. Chẳng hạn, những người bị suy giảm miễn dịch sẽ có hệ thống miễn dịch kém hơn, có thể do bị bệnh hoặc đang điều trị ung thư. Bệnh nhân ung thư thường suy giảm miễn dịch vì tác dụng phụ của bệnh và các phương pháp điều trị mà họ phải trải qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.