Những điều chưa từng biết về đàn voi Thảo Cầm Viên Sài Gòn

06/08/2023 10:44 GMT+7

Đàn voi ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn được đi lại tự do trong khu vực, đo độ vận động cơ bắp, kiểm tra răng miệng thường xuyên. Con voi già nhất năm nay 65 tuổi và con nặng nhất lên đến 4,5 tấn.

Đàn voiThảo Cầm Viên Sài Gòn là chuồng thú thu hút sự quan tâm của người dân, du khách khi đến với "lá phổi xanh của thành phố" này. 

Hình dáng to lớn với 4 chân bước chắc nịch, chiếc vòi cùng đuôi, tai luôn phe phẩy nhìn có vẻ chậm chạp nhưng toát lên sức mạnh đầy dũng mãnh.

Ngày ăn 1 tạ cỏ cùng nhiều món phụ

Ông Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc Xí nghiệp động vật Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết voi cũng như các loài động vật khác ở đây đều có quy trình chăm sóc riêng. Công nhân chăm sóc voi phải qua thời gian đào tạo nắm tập tính, thức ăn, khẩu phần ăn, giờ ăn của từng con. 

Ngoài công nhân, đàn voi còn có bác sĩ thú y chăm sóc sức khỏe, tổ trưởng kiểm tra và cấp cao hơn sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề phát sinh.

Đàn voi Thảo Cầm Viên Sài Gòn được đặt tên, chăm sóc theo quy tắc đặc biệt - Ảnh 1.

Voi ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn ăn từ 100 - 120 kg cỏ/ngày

Ngọc Dương

"Thảo Cầm Viên Sài Gòn hiện nuôi 4 con voi đặt tên là: Chuông, Bô, Tôm, Ny. Trong đó, Chuông năm nay 65 tuổi – là con voi già nhất, con trẻ nhất khoảng 32 tuổi, con nặng nhất lên đến 4,5 tấn. Mỗi ngày một con voi ăn món chính là 100 – 120 kg cỏ cùng nhiều món phụ như: 5 – 10 kg cành cây non có lá, cà rốt, bí đỏ, mía, bánh mì, khoai lang, cam,… để khỏi bị ngán. Cỏ và cành cây non do công ty trồng ở Củ Chi, còn lại có đơn vị cung cấp", ông Trực thông tin.

Theo ông Trực, con voi trưởng thành trọng lượng không thay đổi, thỉnh thoảng voi mập lên, ốm đi thì công nhân chăm sóc dựa vào thể hình để đánh giá như: dáng vẻ, độ căng của da. Công nhân tập cho voi đứng lên, ngồi xuống nhưng không phải làm xiếc mà để kiểm tra độ vận động cơ bắp, động mạch chân, kiểm tra răng miệng.

Giám đốc Xí nghiệp động vật cho hay: "Từ năm 2016 đến nay, Thảo Cầm Viên Sài Gòn chấm dứt hoàn toàn biểu diễn xiếc thú, không dùng roi với động vật. Voi được đi lại tự do trong khuôn viên riêng cả ngày lẫn đêm, chúng tôi chỉ đưa voi vào chuồng khi có người làm vệ sinh ở ngoài".

Đàn voi Thảo Cầm Viên Sài Gòn được đặt tên, chăm sóc theo quy tắc đặc biệt - Ảnh 2.

4 con voi với tuổi đời từ 32 - 65 tuổi tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Ngọc Dương

Một quy tắc an toàn ở chuồng voi ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn duy trì suốt thời gian qua mà công nhân nào cũng phải chấp hành, đó là luôn làm việc 2 người. Trong đó, 1 người cầm theo dụng cụ để đề phòng bảo toàn tính mạng khi có sự cố đột ngột, 1 người quan sát đồng nghiệp để thông báo khi thấy nguy hiểm.

"Khi công nhân đang cúi xuống cho ăn, dù voi không chủ động tấn công nhưng vẫn phải đề phòng voi bước tới hay bước lùi va trúng, với trọng lượng hàng tấn của voi rất dễ gây thương tích nên luôn phải có người quan sát", ông Trực giải thích.

Tôn trọng sở thích của voi

Là động vật cực kỳ thông minh, đàn voi ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn biểu hiện rõ cảm xúc thích hoặc không thích. Nhiều lần công nhân ở đây từng cố gắng ghép đôi để voi sinh sản nhưng không thành công vì voi cái không thích.

Ông Trực kể, khoảng năm 2011 – 2012, nơi đây đón nhận con voi từ đoàn xiếc thành phố trả về. Con voi rất hung dữ, sẵn sàng phản ứng với con người. Sau thời gian dài chăm sóc, công nhân mới có thể đi ra vào chuồng cho ăn. Đây là do thay đổi môi trường, lạ "hàng xóm" làm voi khó thích nghi. Voi cũng không giao tiếp, không hiểu được người quản tượng mới nên luôn trong thế phòng thủ. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng, sự tương tác của du khách khác nhau cũng làm voi cảm thấy mất đi không gian riêng tư. 

Đàn voi Thảo Cầm Viên Sài Gòn được đặt tên, chăm sóc theo quy tắc đặc biệt - Ảnh 3.

Khi voi cái không thích, công nhân tại đây không thể đưa voi đực vào ghép đôi sinh sản

Ngọc Dương

Theo tập tính của voi, con đầu đàn là voi cái già. Khi voi cái chấp nhận thì con đực mới được ở chung, ngược lại nếu voi cái không thích thì sẽ có phản ứng đánh voi đực. Thực tế, voi cái già kiểm soát hoạt động của đàn, các voi khác phục tùng nên đôi khi có thể bị voi cái đánh để "dạy dỗ". 

"Chúng tôi từng đưa con voi đực vào ở chung để ghép đôi sinh sản nhưng voi cái không thích, đánh voi đực té xuống mương. Thảo Cầm Viên phải gọi xe cẩu vào cẩu voi lên. Voi cái chưa chắc có sức mạnh hơn voi đực nhưng voi sống theo chế độ mẫu hệ, voi cái lớn tuổi nhất quản lý cả đàn. Vì thế voi đực tự động chấp nhận, không phản kháng", ông Trực giải thích. Do vậy, để tránh rủi ro, Thảo Cầm Viên Sài Gòn quyết định để bảo toàn số voi thay vì tìm cách cho voi sinh sản trong vườn thú.

Một điều thú vị nữa ở đàn voi trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn là độ tuổi của voi Chuông. Theo số liệu, voi tự nhiên ở châu Á chỉ có tuổi trung bình từ 50 – 60 tuổi, nhưng voi Chuông đã được 65 tuổi. Vườn thú ở châu Á cũng từng ghi nhận tại Đài Loan có con voi trên 100 tuổi.

Đàn voi Thảo Cầm Viên Sài Gòn được đặt tên, chăm sóc theo quy tắc đặc biệt - Ảnh 4.

Voi được tự do đi lại trong khuôn viên cả ngày lẫn đêm

Ngọc Dương

Vì tuổi cao, voi Chuông hiện bị mờ mắt nhưng tai vẫn rất thính. Qua tiếng gõ gậy, bước đi, giọng nói… voi Chuông có thể nhận ra người chăm sóc mình rồi tỏ thái độ thân thiện.

Để đàn voi 4 con không bị thiệt thòi, nơi đây sắp xếp công nhân chuyên biệt cho loài, tức là ai nuôi con nào thì sẽ nuôi chính và theo sát để tăng tình cảm, mối liên kết giữa nhân viên và con thú.

"Nếu công nhân chăm nhiều con thì con vật dễ bị thiệt thòi vì có thể công nhân thích con này hơn con kia. Mặt khác, nhiều công nhân chăm một con cũng có thể làm con vật thích người này mà không thích người kia, khi đó công nhân sẽ gặp nguy hiểm", Giám đốc Xí nghiệp động vật Thảo Cầm Viên Sài Gòn chia sẻ.

Xem nhanh 12h ngày 6.8: Vì sao ông Nguyễn Cao Trí bị bắt | Xôn xao 2 con voi ở vườn thú Hà Nội bị xích chân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.