Theo ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Lê Nguyễn, Q.Tân Phú (TP.HCM), bạn đừng mắc sai lầm khi cho rằng cuộc phỏng vấn chỉ là thủ tục không mấy quan trọng.
Cũng theo ông Đức, trang phục không thích hợp khi phỏng vấn cũng dễ làm cho bạn mất cơ hội: “Vẻ bên ngoài của bạn trong lần đầu tiên gặp gỡ với nhà tuyển dụng có thể tạo ấn tượng trong mắt họ.
“Sẽ không hay nếu bạn lựa chọn những trang phục bắt mắt nhằm thể hiện sự sành điệu và hợp thời trang của mình khi đi phỏng vấn. Lựa chọn tốt hơn cả là một bộ vest, hay đơn giản là áo sơ-mi và quần tây (với nam). Với nữ cũng thế, ăn mặc đơn giản và lịch sự là tốt nhất bởi vì bạn đi phỏng vấn xin việc chứ không phải đi dạ hội”, ông Đức khuyên.
Ở góc độ khác, ông Huỳnh Duy Phương, Giám đốc Công ty TNHH Bình Long, Q.Gò Vấp (TP.HCM) chia sẻ: “Việc tìm hiểu kỹ về vị trí công việc mà bạn đang nộp đơn cũng rất quan trọng, bởi vì qua đó bạn có thể thể hiện được kinh nghiệm, khả năng và các điểm mạnh của bạn phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng”.
|
Ông Phương cho biết: “Có một điều cấm kỵ cần tránh cho những bạn chuyển đổi công việc từ công ty này sang công ty khác. Đó là cho dù bạn ghét ông sếp cũ đến mấy hay cảm thấy bạn bị đối xử không công bằng tại công ty cũ, thì bạn cũng không nên đưa những thông tin đó vào một cuộc phỏng vấn xin việc. Nếu bạn bị sa thải ở công ty trước đó, hãy giải thích rằng bạn mong muốn có một công việc thích hợp hơn tại một môi trường mới”
Ông Phương cũng lưu ý thêm: “Buổi phỏng vấn được xem là cơ hội đầu tiên, và trong một số trường hợp còn là cơ hội duy nhất, để bạn biểu lộ tính cách và khả năng của bản thân. Hãy tỏ ra lịch thiệp và vui vẻ, sự nhiệt tình cho cả công việc sắp tới lẫn cuộc phỏng vấn này. Và bạn đừng quên cảm ơn nhà tuyển dụng vào cuối cuộc phỏng vấn”.
Ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP.HCM, chia sẻ: “Trong quá trình phỏng vấn, ứng viên đừng đề cập quá sớm đến vấn đề tiền bạc. Bởi vì việc này có thể khiến bạn 'mất điểm' trong mắt nhà tuyển dụng. Vấn đề về lương bổng chắc chắn sẽ được bàn tới, theo sự dẫn dắt của người phỏng vấn. Nhà tuyển dụng thường bàn bạc về chủ đề này vào cuối buổi phỏng vấn. Bạn cứ để họ nói trước mức lương, rồi mình thương lượng sau là hợp lý nhất”.
Bình luận (0)