Những dự án giao thông lớn được chờ đợi năm 2018

13/02/2018 11:54 GMT+7

Hàng loạt dự án giao thông lớn sẽ được hoàn thành, thông tuyến trong năm 2016, đặc biệt là các tuyến cao tốc và dự án sân bay BOT đầu tiên rút ngắn từ 1/3 đến 1/2 thời gian đi lại so với hiện tại.

1.Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
65 km cao tốc đầu tiên của dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ đã được thông xe và đưa vào khai thác kỹ thuật từ đầu tháng 8.2017. Hiện, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang chỉ đạo các nhà thầu tập trung thi công các gói thầu thuộc đoạn tuyến sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB - hơn 590 triệu USD) đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi dài 74,2 km.
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ thông xe toàn tuyến vào cuối tháng 6.2018 Ảnh nguồn VEC
Dự kiến toàn đoạn tuyến sẽ hoàn thành chậm nhất vào cuối tháng 6 để kết nối đồng bộ với đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ. Dự án thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn lưu thông và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ 120 km/giờ.
Tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 140 km, đi qua Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, với tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỉ đồng, là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung do VEC đầu tư, quản lý khai thác.
Ngoài ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối các khu công nghiệp, nghỉ dưỡng dọc tuyến, tuyến cao tốc này còn có ý nghĩa đặc biệt với phát triển của Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhất là khi tuyến quốc lộ 1A đoạn qua các địa phương này đang chịu áp lực nặng nề về xe cộ, nhiều vụ tai nạn xảy ra.
2. Mở rộng 6 làn xe cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
Theo Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, dự án xây dựng mở rộng, hoàn chỉnh đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thành 6 làn xe giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư lên đến 4.737 tỉ đồng theo hình thức BOT sẽ hoàn thành vào ngày 30.6 tới.
Ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, cho biết dự án hiện đã giải phóng mặt bằng được 28/30 km, còn 5 % trên tuyến đường cao tốc chưa thi công được do vướng giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan của thành phố Hà Nội tập trung tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ bàn giao đất phục vụ thi công.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ mở rộng 6 làn xe sẽ góp phần gỡ nút thắt vào cửa ngõ Hà Nội Ảnh GT
Việc hoàn thành mở rộng 6 làn xe, thảm lại nhựa đường tại tuyến cao tốc này sẽ góp phần giải toả được nút thắt vào cửa ngõ Hà Nội vốn thường xuyên ùn tắc xe qua trạm BOT mỗi dịp cuối tuần, lễ tết.
3. Dự án sân bay Vân Đồn - Quảng Ninh
Dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7.500 tỉ đồng. Đây là dự án "sân bay BOT" đầu tiên do một tập đoàn tư nhân trong nước đảm nhận, từ xây dựng đến khai thác, quản lý. 
Sân bay Vân Đồn là cảng hàng không quốc tế cấp 4E đón được những loại máy bay lớn và hiện đại nhất thế giới như A350, B777. Với tổng diện tích 288,38 ha, dự án gồm các hạng mục là đường băng, nhà ga, bãi đỗ xe. Trong đó, có 2 hạng mục chính là cấp sân bay và nhà ga hành khách.
Nhà ga sân bay Vân Đồn đang được cấp tập xây dựng Ảnh MH
Theo đó, nhà ga hành khách được thiết kế 2 tầng, 2 cao trình, công suất thiết kế nhà ga đáp ứng lưu lượng 5 triệu hành khách/năm, giai đoạn 1 là 2,5 triệu hành khách/năm. Việc lựa chọn công suất thiết kế nhà ga như trên sẽ đáp ứng được yêu cầu khai thác trước mắt và có thể mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác trong tương lai, không bị quá tải trong thời gian ngắn.
Hiện, Tập đoàn Sun Group đang tấp cập triển khai các hạng mục của dự án cảng hàng không Vân Đồn đảm bảo đưa sân bay đi vào vận hành vào quý 2 tới. Tính đến thời điểm này, khu bay gồm đường cất hạ cánh 3.000 m và 600 m nối dài đã hoàn thiện 100% khối lượng...
4. Hoàn thiện cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng
Sau 3 năm khởi công, xây dựng, dự án đường cao tốc dài hơn 20 km nối thành phố Hạ Long với Hải Phòng (tại vị trí cầu Bạch Đằng) đang đi vào các giai đoạn thi công cuối cùng để thông toàn tuyến vào đầu năm 2018. 
Dự án cầu Bạch Đằng và cao tốc sau khi hoàn thiện sẽ rút ngắn thời gian từ Hà Nội xuống Hạ Long còn khoảng 90 phút Ảnh M.H
Với tổng mức đầu tư của dự án này là trên 13.000 tỉ đồng, đây là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của địa phương khi kết nối thuận tiện tới Hải Phòng và Hà Nội, giúp thời gian di chuyển từ Hạ Long đi Hà Nội chỉ còn 90 phút ô tô chạy, thay vì phải mất 200 phút như hiện nay.
Ngoài ra, tuyến cao tốc sẽ giúp cho việc kết nối hạ tầng giao thông giữa các tuyến được đồng bộ, tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển từ Quảng Ninh đi các tỉnh khu vực phía Bắc và ngược lại. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.