Những đứa con núi rừng 'sập bẫy' khi xuống núi... tìm việc

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
07/05/2018 09:33 GMT+7

Họ là những đứa con của núi rừng, thật thà, thừa sức lực, muốn có việc làm, nhưng thiếu kỹ năng nên trở thành 'miếng mồi ngon' cho những kẻ lừa đảo việc làm.

Miền núi, đất rộng người thưa nhưng bao lâu nay, đồng bào làm lụng vất vả mà cái đói, nghèo vẫn cứ bám riết họ. Câu hỏi về việc “làm gì để kiếm ra tiền?” cứ hiện hữu trong mỗi thanh niên lớn lên giữa bản làng Đakrông, Hướng Hóa (hai huyện vùng cao khốn khó của Quảng Trị).
Được tuyển dụng sau... một chầu nhậu

Từ năm 2010, Thanh Niên đã từng phản ảnh và cảnh tỉnh về những vụ “mất tích” đáng ngờ của trai tráng ở Đakrông. Vào thời điểm đó (tháng 5.2010), có 14 thanh niên ở 2 xã vùng sâu của H.Đakrông là A Ngo và A Bung bỏ bản đi... trong đêm, mong tìm được “miếng cơm” tại miền đất lạ.
Dân bản khi ấy kể lại rằng những thanh niên này được “tuyển dụng” với số tiền lương ứng trước là 500.000 đồng và một chầu nhậu quắc cần câu... Phần lớn các nạn nhân chỉ học đến lớp 5, lớn nhất sinh năm 1980, trẻ nhất sinh năm 1992, nghe lời “đường mật” rồi xách ba lô lên đường chỉ với chút thông tin ít ỏi: đi Lâm Đồng, hái cà phê, được bao ăn ở, lương cao.
Ông Hồ Văn Pườm, Phó chủ tịch xã A Bung vào thời điểm năm 2010, đau đớn nói: “Bà con mình hiểu biết kém quá, bị người ta lừa bắt đi rồi. Lúc chính quyền xã biết thì ngăn không kịp”.
'Sâp bẫy' khi xuống núi... tìm việc1
PV Thanh Niên tiếp xúc thân nhân các lao động đi Lâm Đồng vào năm 2010

Công an H.Đakrông khi ấy cũng có thông tin: Đêm 29.4.2010, có 16 thanh niên: xã A Bung: 10 người; xã A Ngo: 4 người và 2 người của xã Hồng Thủy, H.A Lưới (Thừa Thiên-Huế) do “cò mồi” là Hồ Văn Cương (trú cụm 1, tổ 2, TT.A Lưới, H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế) móc nối dụ dỗ đưa đi lao động (LĐ), cùng với sự tham gia của 2 nhân viên một công ty môi giới việc làm có địa chỉ ở TT.Đinh Văn (H.Lâm Hà, Lâm Đồng).
8 năm sau, câu chuyện lặp lại với hàng chục LĐ ở xã A Vao và TT.Tà Rụt (H.Đakrông). Chỉ khác, điểm đến lúc này là bãi vàng ở H.Phước Sơn (Quảng Nam), công việc là làm phu vàng với lời hứa từ “cò” LĐ rằng: “việc nhẹ, lương cao”! Hơn 20 người đã ký tên, điểm chỉ vào đơn xin việc được soạn sẵn rồi lên xe khách từ Tà Rụt (H.Đakrông) vào tận trụ sở Công ty TNHH Phước Minh tại TT.Khâm Đức (H.Phước Sơn, Quảng Nam) và nghĩ sẽ làm việc đơn giản với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Bầm dập nơi xứ người
Trở lại “chuyến đi” Lâm Đồng hái cà phê của 14 thanh niên ở xã A Ngo và A Bung vào năm 2010, thực tế sau khi lên xe, họ bị tống vào các trang trại ở H.Lâm Hà (Lâm Đồng). Sau đó, những chàng trai này phải làm việc quần quật buổi sáng hái cà phê, chiều đi vác gỗ, trong khi ăn uống lại sơ sài.
'Sâp bẫy' khi xuống núi... tìm việc2
Lực lượng chức năng cứu nhóm lao động thoát khỏi bãi vàng ở H.Phước Sơn
Hồ Văn Ngương (trú thôn La Hót, xã A Bung, 1 trong 14 người đi Lâm Đồng ngày ấy) kể lại rằng khoảng 1 tuần hành xác thì anh chịu không nổi đành phải gọi về cho gia đình, vay tiền gửi vào để “chuộc thân”. “Không có tiền thì phải ở lại tiếp tục làm việc quần quật để trừ vào khoản tiền đã ứng trước và tiền tàu xe, lộ phí đi đường”, anh Ngương nói.
Còn Hồ Văn A (xã A Bung) cho biết do làm việc quá vất vả nên từng nghĩ đến việc bỏ trốn nhưng đều chùn bước vì lần đầu vào vùng đất này, không biết đường sá, sợ bị lạc và chết đói. Năm ấy, Công an H.Đakrông phải can thiệp bằng cách gửi công văn và phối hợp với Công an Lâm Đồng để tìm cách đưa những LĐ này về địa phương.
“Không dám đi nữa”
Trở về sau cuộc “xuống núi, kiếm cơm” bất thành, những LĐ vùng cao này phải mất vài tháng để trở lại cuộc sống bình thường sau cú sốc tâm lý hoặc để vết thương lành lại do đòn roi. Trở lại cuộc sống cũ, họ vẫn quẩn quanh lên rẫy trồng sắn, trồng chuối và xuống sông Đakrông bắt cá... như ngày nào. Một số người thường kể câu chuyện của mình để những người khác biết mà tránh.
Hồ Văn Hinh (19 tuổi, trú xã Tà Rụt), 15 ngày sau khi được giải cứu khỏi bãi vàng vẫn chưa hoàn hồn. Khi được hỏi “có đi làm phu vàng nữa không?”, thì Hinh lắc đầu nguầy nguậy: “Đừng nói lương tháng 5, 6 triệu, chừ lương tháng chục, hai chục triệu em cũng chẳng dám đi nữa đâu!”.
Còn mới đây ở miền núi Quảng Nam, các “phu vàng” được lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Trị và Quảng Nam giải cứu cũng như tự trốn về chắc sẽ... còn tởn đến già. Bởi ngay khi được đưa vào mỏ vàng Khe Muối (xã Phước Thành, H.Phước Sơn), hàng chục LĐ vùng cao Quảng Trị đã bị hành xác trong những hầm tối tăm, không được nghỉ ngơi kể cả lúc ốm, bị ăn chặn tiền lương, cơm nước qua loa, luôn bị giám sát, bị đánh đập nếu làm trái lệnh.

Vượt quá sự chịu đựng, trưa 12.4, nhóm 13/20 LĐ ở Đakrông đã liều mạng chạy trốn ra khỏi bãi vàng. 11 người trong số họ may mắn được lực lượng Bộ đội biên phòng Quảng Trị vào tận Quảng Nam giải cứu. Riêng Hồ Văn Tài (18 tuổi, trú xã Tà Rụt) bị lạc trong rừng, đi lang thang đến 8 ngày sau mới tìm về được nhà. Còn Hồ Cu Đan (41 tuổi, trú xã Tà Rụt) do có tật nên chạy chậm, bị bắt lại và bị đánh tơi tả đến ngất xỉu, phải nhập viện, nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm mới toàn mạng về quê.
Cần sự kề vai của các cơ quan chức năng
Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Trị, cho biết với vai trò quản lý tuyến biên giới, bộ chỉ huy đã yêu cầu các đồn biên phòng tăng cường phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân hiểu để không nghe theo những lời dụ dỗ của cò việc làm.
“Việc chúng tôi giải cứu các LĐ ở hầm vàng Phước Sơn vừa rồi là một nỗ lực lớn nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế bắt buộc, chứ không phải là lối ra cho câu chuyện này. Đại tá Phương cũng thừa nhận việc dụ dỗ LĐ vùng cao trái phép vẫn diễn ra phổ biến và khó quản lý.
Ông Lê Văn Trắc, Trưởng phòng Việc làm - an toàn LĐ (Sở LĐ-TB-XH Quảng Trị), cho biết hiện có rất nhiều doanh nghiệp không về địa phương tuyển dụng mà thông qua các đối tượng “cò mồi”, đi lùng sục LĐ trong các bản làng.
'Sâp bẫy' khi xuống núi... tìm việc3
Hồ Cu Đan bị đánh đập khi vào làm việc tại bãi vàng ở H.Phước Sơn Ảnh: Thanh Lộc

Theo Sở LĐ-TB-XH Quảng Trị, năm 2017, đơn vị đã tổ chức 16 lớp dạy nghề (chủ yếu là dạy kỹ thuật xây dựng, làm chổi đót, dệt thổ cẩm và các nghề nông nghiệp như trồng hoa, dưa hấu, nuôi gia súc gia cầm...) cho 456 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa. Năm 2018, với số vốn từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới rót về 870 triệu đồng, Sở dự kiến sẽ mở 22 lớp dạy nghề cho 550 LĐ miền núi H.Đakrông và Hướng Hóa. Những LĐ này khi đi học, được miễn học phí, được hưởng tiền ăn trưa (30.000 đồng/người/ngày).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Vũ Quang, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH Quảng Trị), thừa nhận thực tế là số lượng LĐ miền núi được đào tạo nghề là quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế; đào tạo nghề gắn với việc giải quyết việc làm chưa cao nên nhiều LĐ học nghề xong rồi... để đó chứ không có “đất dụng võ”.
Một hướng đi khác để tạo việc làm bền vững cho các LĐ miền núi là xuất khẩu LĐ. Tuy nhiên, năm 2017, số LĐ được giải quyết việc làm ở 2 huyện vùng cao Hướng Hóa và Đakrông là 2.602 người (làm việc trong tỉnh: 1.490 người; làm việc ngoài tỉnh: 682 người; làm việc nước ngoài: 430 người). Đối với LĐ làm việc ở nước ngoài, sau khi trừ LĐ đi Lào theo diện tự phát chỉ còn 68 LĐ được xuất khẩu chính ngạch, trong đó chỉ có 4 người là đồng bào dân tộc thiểu số.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.