Những đứa trẻ nổi trôi Sài Gòn - Kỳ 2: Bơi sông, sống thiên nhiên từ nhỏ

16/06/2016 12:30 GMT+7

Khác hẳn với môi trường nội đô Sài Gòn, những đứa trẻ sống cùng cha mẹ dưới huyện Cần Giờ lại thuần thục sông nước từ nhỏ. Chúng tự chơi, tự bơi và tự xoay sở trong khi cha mẹ đầu tắt mặt tối mưu sinh.

Tuy cuộc sống không đủ đầy nhưng tiếng cười, niềm vui vẫn luôn tràn ngập trên chiếc ghe, cũng là tổ ấm của họ.
Nhắc đến những con sông ở Sài Gòn, chắc nhiều người luôn e ngại về nguồn nước, việc tắm thôi cũng thuộc dạng… hiếm gặp.
Thế nhưng, qua bên kia phà Bình Khánh (nối H. Nhà Bè và H. Cần Giờ), mọi thứ đã khác. Thiên nhiên ở đây còn khá hoang sơ. Những cánh rừng bạc ngàn, cây đước, cây bần, cây tràm đều có đủ.
Những con sông cũng đầy tôm cá, con ba khía, cua ngập mặn ở đây đủ để người dân bám trụ, nuôi sống gia đình.
Thằng bé lỡ té xuống sông thì chó sủa mà vớt lên
Tôi ghé thăm vợ chồng anh Phát, chị Lệ, hai vợ chồng sống và mưu sinh trên sông ở H. Cần Giờ. Giữa trưa, trong khi anh Phát chèo xuồng tay vào rạch, lội sình luồn quanh mấy gốc đước bắt ít ký ốc len thì chị Lệ, vợ anh đang lôm côm cơm nước. Thằng Bí đỏ, đứa con trai của hai vợ chồng thì tự chơi một mình.
Mùa này, con nước lớn nên tôm cá nhiều nhất trong năm. Mực, tôm có khi lưới trúng gần 10kg/ ngày. Bí đỏ đã sắp tròn 3 tuổi, thằng bé cũng gày gày nhưng được cái lanh lẹ, luôn háo hức và “máu” bơi lội giống như cha mình.
Đứa trẻ phải tự chơi một mình, loay hoay trong chiếc ghe nhỏ hẹp Ảnh: Trác Rin
Trên ghe, vợ chồng nuôi thêm con chó. Mục đích là giữ nhà và giữ luôn… đứa con nhỏ. Nhiều khi bất cẩn, thằng bé sơ xảy té xuống sông thì con chó sủa vang trời, vậy là vợ chồng còn biết đường mà vớt lên.
“Hồi sắp sinh thằng Bí đỏ thì về quê ở. Được hai tháng rồi xuống lại ghe. Ở lâu rồi nên cũng quen chứ có thấy khó khăn gì đâu. Trên ghe có gì ăn nấy. Chỉ có hồi trước mới sợ, vì ở trên chiếc ghe nhỏ chèo tay, ớn nhất trời mưa đang ngủ, ghe chìm bất tử bao giờ ai mà hay”. Chị Lệ, 30 tuổi, quê tỉnh Hậu Giang, vợ anh Phát nhớ lại.
Xa sông nước là không ngủ được
Lênh đênh từ những năm tháng mới lọt lòng, thằng Bí đỏ dường như đã quen với cuộc sống trên ghe. Giờ lâu lâu lên trên bờ, ghé thăm mấy nhà bà con ngủ lại, thằng nhỏ cứ khóc suốt đêm.
Mà cũng nhờ thiên nhiên ban tặng, số là khi đứa con trai tròn vài tháng tuổi, tôm cá cứ trúng liên tục. Tích góp suốt một năm, hai vợ chồng mua chiếc ghe lớn hơn, chạy bằng máy ngon lành.
Con chó trên ghe luôn “canh giữ” Bí đỏ, sợ thằng nhỏ rớt xuống sông, lúc ấy con chó thường sủa vang trời Ảnh: Trác Rin
“Sống đâu quen đó thôi. Mỗi lần lên nhà bà con ở trên bờ chơi, ngủ lại luôn. Được ngủ chỗ rộng rãi và có ti vi để coi mà nó cũng khóc suốt à. Mà hồi mới sinh nó, cả năm đó làm trúng nhiều mực lắm, lại được giá nên mới sắm được chiếc ghe chạy bằng máy này nè. Vững chắc không còn sợ sóng đánh, chìm bất tử như trước nữa”. Chị Lệ nói như cảm ơn thiên nhiên, và dường như hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Bí đỏ chưa thạo sông nước, nhưng hễ khi thấy cha hay ông Sáu, ông nội thằng nhỏ nhảy đùng đùng dưới nước, nó lại đứng ngồi không yên, đòi xuống… tập bơi.
Anh Phát quê gốc dưới Cần Giuộc, Long An. Cha mẹ anh sinh ra và nuôi nấng anh ngay trên chiếc ghe, giữa con sông dưới huyện Cần Giờ. Lúc trước anh cũng muốn “thay chỗ đổi vận”, bôn ba trên đất liền từ nam chí bắc để làm công trình xây dựng.
Đến tuổi cưới vợ, anh lại tìm về cuộc sống trôi nổi trên sông nước. Theo anh thì sống ở đây bình yên, không bon chen và cũng không thiếu cái ăn. Tôm cá dưới sông, cua, ba khía, ốc trên rừng đước, cuộc sống không giàu sang nhưng khỏi phải lo nghĩ gì nhiều.
Chị Lệ, mới chèo xuồng vào bờ bán ít cua lưới được dưới sông, vì cua không được to, chỉ bằng khoảng nửa bàn tay người nên giá chỉ 80.000 đồng/kg 
Hai vợ chồng dự tính, khi thằng Bí đỏ lên 4 tuổi sẽ gửi gắm lên nhà bà con trên đất liền đi học. Đời cha mẹ lênh đênh, cực khổ mới bám rừng, bám sông chứ ai lại để con cái giống mình.
Anh Phát chắc nịch: “Phải cho con cái học hành đàng hoàng. Nó phải hơn mình chứ bây giờ mà sống mãi dưới sông, bươn trong rừng thì sao được. Nó cứ đến trường cái đã, rồi sau này nó tự quyết định tương lai. Đi học đại học rồi có công việc ổn định, hay nối nghiệp cha và ông nội, bám sông bám rừng hai vợ chồng cũng sẽ ủng hộ hết…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.