Em tốt nghiệp loại giỏi khóa bếp Á chuyên nghiệp của một học viện ở TP.HCM.
Trong căn bếp nhỏ của gia đình ở Q.Bình Tân, đầu bếp nhí Minh Quân đang đảo nhanh chảo mì xào. Nguyên liệu của món ăn gồm có mì, rau củ, tôm và chai nước xốt dành riêng cho món này được Quân tự tay chuẩn bị. Để trở thành đầu bếp nhí, Quân mất gần 10 năm rèn luyện cùng sự đồng hành của mẹ.
Chị Hồ Hoàng Yến (41 tuổi), mẹ Minh Quân xúc động nói: "Rất nhiều năm trước, tôi chỉ ước Quân có thể ngồi yên một chỗ tô màu bức tranh nhưng giờ đây con có thể làm trợ lý cho thầy giáo, đứng trước nhiều người hướng dẫn họ làm bếp".
Tin con làm được: Sau những đêm không ngủ được, hạnh phúc cũng tìm đến...(kỳ 2)
Kiên nhẫn với con
12 năm trước, khi Minh Quân vào mầm non, cô giáo phát hiện em có nhiều dấu hiệu của chứng rối loạn phổ tự kỷ. Quân không ngồi yên một chỗ, chậm nói và nếu ai đó làm điều không vừa ý thì đánh lại. Gia đình và cả chị Hoàng Yến từng nghĩ Quân chỉ hơi hiếu động hơn so với các bé khác, cho đến khi có kết luận của bác sĩ.
Biết con chậm hơn các bạn, chị Hoàng Yến kiên nhẫn dạy con, cho con thử làm nhiều thứ. Thay vì đút ăn, mặc đồ hay tắm giúp con, chị để Quân tự làm. Lúc bấy giờ, chưa có nhiều thông tin cũng như cộng đồng của người rối loạn phổ tự kỷ chưa phổ biến để người mẹ "bám víu". Chị Yến không biết liệu Quân có thể tiến bộ hay không, nhưng tin bản thân sẵn sàng đồng hành cùng con đi tìm tương lai.
Lên 4 tuổi, chị Yến tìm được một cô giáo để can thiệp sớm cho con thông qua hoạt động vẽ tranh. Là mẹ đơn thân, công việc kế toán ở ngân hàng bận rộn nhưng biết ở đâu tổ chức dạy làm bánh, làm gốm… chị Yến đều sắp xếp chở con đi.
Người mẹ cũng thường thủ thỉ với các cô giáo trong trường, nếu cần giúp việc gì hãy gọi Quân. Chị chỉ mong con được làm việc, học thêm kỹ năng và "bớt thời gian rảnh".
Vào lớp 1, em đã chịu ngồi yên nhưng vẫn kém tập trung. Học chung với những đứa trẻ bình thường là cơ hội để Quân hòa nhập. Song, sự khác biệt của em khiến một số phụ huynh học sinh khác không hài lòng. Sau một thời gian ngắn, chị quyết định chuyển trường vì nghĩ "con cần một ngôi trường hiểu con hơn".
Ở trường mới, Quân học 3 năm lớp 1, chịu nhiều áp lực. Sau đó, giáo viên khuyên chị Yến tìm cho con một môi trường khác. Chiều đón Quân rời trường, chị Yến ôm con khóc, chưa biết con sẽ "đi đâu về đâu". "Đó là lần đầu tiên, tôi tưởng chừng hành trình của con phải dừng lại", chị Yến rớm nước mắt, kể.
Sau khi biết đến Trung tâm bảo trợ, dạy nghề và tạo việc TP.HCM có khoa Văn hóa, dạy cho người khuyết tật từ lớp 1 đến lớp 12, chị đăng ký cho Quân theo học cho đến nay. Cũng vì vậy mà Quân không được hưởng chế độ bảo hiểm như những học sinh khác. Tiền học ở trường, tiền học can thiệp, tiền ăn, sinh hoạt... những con số "thúc vào lưng" chị Yến mỗi tháng khiến người mẹ thêm nhiều lo toan.
Điều kỳ diệu là... chính con
Duyên trở thành đầu bếp của Quân đến từ việc được mẹ cho thử làm mọi việc nhà. Từ năm 7 tuổi, cậu bé đã thích xin mẹ miếng thịt, củ cà rốt trong giỏ xách mỗi lần đi chợ về. Chị Yến để con tự làm điều mình thích và thấy em tự cắt thịt, bào rau củ để nấu ăn. Khi được mẹ dẫn sang nhà bạn chơi, Quân ghi nhớ và về nhà bắt chước cách cắt xúc xích xếp thành hình ngôi sao rồi cho vào chảo chiên.
Năm ngoái, sau khi tham gia chương trình truyền hình Chiến thắng cùng con của HTV do chị Nguyễn Lê Thảo Nguyên cùng ekip thực hiện, Quân được chị Nguyên giới thiệu đến Học viện ẩm thực Pháp Việt học nghề bếp.
"Tiền đâu cho con học?", người mẹ đơn thân trăn trở. May mắn, đầu bếp Võ Quốc đã trao tặng Quân 2 học bổng của lớp bếp Á sơ cấp và lớp bếp trẻ em với tổng trị giá gần 40 triệu đồng.
Suốt 3 tháng hè, Quân được học làm 100 món ăn cùng nhiều học viên người lớn. Ngày thi, Quân bốc thăm bài thi làm món hủ tiếu chay. Em phải thực hiện món ăn trong 2 tiếng và thuyết trình với các thầy cô một mình mà không có mẹ bên cạnh. Đó là điều chị Yến lo lắng, sợ con không thể vượt qua.
"Tôi biết khả năng tư duy của con còn chậm, làm sao con có thể canh được thời gian nấu ăn. Làm sao con có thể thuyết trình?...", nhiều câu hỏi xuất hiện trong đầu người mẹ.
Đầu bếp Vũ Trường An, giảng viên ẩm thực, Phó chủ nhiệm CLB Ẩm Thực Việt - SPC, thầy giáo của Quân chia sẻ: "Tôi không quá bất ngờ khi Quân tốt nghiệp loại giỏi. Trong quá trình học, tuy em có chậm hơn những học viên khác nhưng luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao".
Gần 1 năm nay, Quân tham gia nhóm Hi Future - Chào tương lai do chị Thảo Nguyên sáng lập. Nhóm có nhiều hoạt động định hướng nghề nghiệp cho những bạn nhỏ như Quân. Nhờ vậy, trong một buổi workshop hướng dẫn nấu ăn cho trẻ phổ tự kỷ và phụ huynh Quân có dịp làm trợ lý cho đầu bếp Trường An.
Sau vài tháng gặp lại, khi đứng bếp với một vài trò là người hướng dẫn, đầu bếp Trường An nhận thấy sự tiến bộ của cậu học trò.
Tin con làm được: Vì sao trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ ngày càng nhiều?
Trong hội trường hàng chục người, ai cũng hào hứng thực hiện những món ăn do 2 thầy trò hướng dẫn. Chỉ có chị Hoàng Yến ngồi trầm ngâm, mắt ươn ướt vì không dám tin cậu con trai nhỏ của mình có thể làm được. "Con tôi mới 14 tuổi thôi, và con là một đứa trẻ chậm chạp", chị Yến nhắc đi nhắc lại với sự xúc động.
"Khi nấu ăn con cảm thấy mình được tự do làm theo sở thích, thấy vui vẻ. Lúc học thì con chỉ biết những món Việt Nam, món Hoa. Sắp tới con muốn học thêm món Nhật. Con sẽ rèn luyện thêm kỹ năng bếp để làm kiếm tiền nuôi mẹ", Quân nói.
Đối diện Minh Quân, hiếm khi thấy em biểu lộ thái độ hay cảm xúc trên gương mặt. Ngay cả khi nói về ước mơ lớn nhất của mình, mắt cậu bé cũng không long lanh như bao đứa trẻ. Tuy vậy, đó lại là câu nói dài nhất, tròn vành rõ chữ nhất mà em có thể thốt ra nhanh chóng.
Bình luận (0)