Trong thực tế, tình trạng lãng phí trong việc sử dụng, không biết tiết kiệm điện ở đâu đó vẫn còn diễn ra từng giờ, từng phút từ những cá nhân sử dụng cho đến hộ gia đình và tại các cơ quan, công sở..., do thiếu ý thức.
Đặc biệt, tại vài nơi tình trạng sử dụng, lãng phí nguồn điện năng hàng ngày vẫn cứ diễn ra khá phổ biến, kiểu "cha chung không ai khóc" trong khi đó nhu cầu của việc sử dụng điện cho sinh hoạt và trong hoạt động sản xuất kinh doanh hàng tháng là rất lớn.
Từ bỏ quan niệm "Cha chung không ai khóc"
Có người hiện còn tư tưởng tiền điện là do cơ quan, doanh nghiệp trả chứ đâu phải tiền túi của mình mà so đo, tính toán chi cho mất công, cứ thỏa mái sử dụng. Đây là những suy nghĩ hết sức vô cảm.
Ngay cả doanh nghiệp nơi tôi làm việc, mặc dù một vài năm nay thực hiện chỉ đạo của Ban giám đốc, việc sử dụng điện hàng ngày cần phải thực sự hết sức tiết kiệm, tránh lãng phí nhằm tiết giảm chi phí tiền điện, thế nhưng hóa đơn tiền điện hàng tháng vẫn vài ba chục triệu đồng, chưa tiết kiệm được bao nhiêu.
Tại đâu đó tại một số phòng ban, cán bộ, nhân viên vẫn chưa thực sự coi trọng việc sử dụng và tiết kiệm nguồn điện năng hàng ngày, chưa hình thành được cho mình thói quen tiết kiệm điện.
Để thực hành việc tiết kiệm điện thực sự đi vào cuộc sống, đặc biệt là để việc tiết kiệm điện tại các cơ quan, công sở thực sự có ý nghĩa và có hiệu quả, tôi xin đề xuất một vài hiến kế "nho nhỏ" như sau:
Hiện nay hầu hết các cơ quan, công sở đều có nội quy lao động, trong đó có quy định thời giờ làm việc hàng ngày, buổi sáng giờ làm việc bắt đầu từ 7 giờ 30 phút hoặc 8 giờ. Trong khoảng thời gian này tại mỗi phòng ban hoàn toàn không cần thiết phải bật điều hòa hoặc mở máy lạnh.
Bởi thời gian vào buổi sáng nhiệt độ ngoài trời vẫn chưa cao, thời tiết vẫn còn khá dễ chịu, lúc này chỉ cần mở quạt máy là được. Tránh trường hợp vào buổi sáng nhưng bước vào phòng làm việc đã có cảm giác lạnh vì máy lạnh, có người phải khoác thêm áo gió để chống…lạnh.
Thời điểm tầm từ 9 giờ trở đi, tùy vào nhiệt độ thời tiết bên ngoài (nếu oi bức như hiện nay), nếu mở máy lạnh cũng vẫn nên duy trì ở nhiệt độ 25-26 độ là vừa phải, đảm bảo không khí trong phòng đủ mát, dễ chịu, làm việc được.
Buổi trưa, sau giờ ăn trưa thường là cán bộ, nhân viên, người lao động nghỉ ngơi luôn tại phòng làm việc, ngoài việc tắt hết các bóng đèn, lúc này mọi người nên chủ động tắt hết máy vi tính, laptop và rút dây cắm ra khỏi nguồn điện.
Nếu thời tiết ngoài trời mát mẻ thì hoàn toàn không nên mở máy lạnh, chỉ cần quạt máy là đủ. Nếu mở máy điều hòa thì cũng chỉ cần duy trì ở nhiệt độ 26 - 27 độ. Đặc biệt tránh tình trạng trong phòng chỉ còn một hoặc hai người nhưng máy lạnh thì mở chạy hết công suất, khiến người nằm nghỉ trưa trong phòng còn phải đắp thêm chăn vì… lạnh.
Khi tiến hành hội họp, đại hội, cán bộ, nhân viên, người lao động đã lên hội trường, không còn làm việc trong phòng, lúc này cần thiết phải tắt điện, tắt hết máy lạnh tại phòng làm việc, tránh lãng phí lớn nguồn điện năng khi trong phòng hoàn toàn không còn người. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các thiết bị điện, đặc biệt là hệ thống dàn máy lạnh... Đây cũng là cách để tiết kiệm nguồn điện có hiệu quả.
Cuối cùng là cần thường xuyên tổ chức và duy trì các phong trào, hoạt động thi đua thiết thực trong việc thực hành tiết kiệm điện, chống lãng phí, quy định rõ các tiêu chí "thưởng phạt". Cần chú trọng và đưa các tiêu chí thực hành tiết kiệm điện là một trong các tiêu chí để xem xét, tổng kết và bình bầu, khen thưởng, động viên kịp thời đối với mỗi cá nhân, tập thể vào mỗi dịp cuối năm.
99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi dành cho các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6-31.8.2023.
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)