Những kỷ niệm khó quên với nhà văn Triệu Xuân

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
26/10/2021 21:58 GMT+7

Sau gần 3 năm chống chọi với căn bệnh ung thư phổi, nhà văn Triệu Xuân vừa ra đi vào lúc 12 giờ 30 ngày 26.10, thọ 70 tuổi.

Tôi biết nhà văn Triệu Xuân từ những ngày lê la ở Hội quán Văn Nghệ (81 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM) cách đây hơn 20 năm. Khác với đám văn nghệ chúng tôi ăn mặc lè phè - anh Triệu Xuân lúc nào cũng chỉn chu, tươm tất: áo dài tay cài khuy măng-sét, chiếc mũ trắng luôn đội trên đầu, trông anh như một công tử con nhà giàu (sau này tôi mới biết mỗi khi sắp đi đâu thì chị Hạnh Lê - vợ anh đều chuẩn bị “thời trang” cho chồng rất chu đáo).

Nhà văn Triệu Xuân (áo trắng, hàng ngồi) cùng bạn bè, đồng nghiệp

HĐN

Dạo ấy, anh Triệu Xuân là Trưởng chi nhánh phía Nam của NXB Văn học, anh thường vận động các NXB và thân hữu để tặng sách cho các thư viện, mỗi lần như vậy là một xe tải đầy sách (tính ra anh và các thân hữu đã tặng sách cho 162 thư viện lớn nhỏ trên toàn quốc, tổng trị giá khoảng 1 tỉ đồng). Rồi anh lập nhóm Văn chương hồn Việt (VCHV) quy tụ khá nhiều người yêu thích văn chương: nhà văn Hoài Anh, nhà thơ Thái Thăng Long, nhà thơ Nguyễn Huy Dung, Trần Ngọc, Trần Văn Khang, Nguyễn Tiến Toàn, Ngô Thanh Hương, nữ võ sư Hồ Hoa Huệ, nhà thơ - họa sĩ Lê Quân...

Anh và nhóm VCHV khi đó đã ra được 6 tuyển tập Văn chương ngày nay và tổ chức được 1 cuộc hội thảo văn chương về nhà văn Nguyễn Quang Sáng (2008), rồi tưởng niệm nhà thơ Thu Bồn (2009)... Ngoài những hoạt động kể trên, nhóm VCHV còn giúp đỡ các thành viên trong nhóm bằng cách tài trợ một phần hoặc toàn phần để xuất bản tác phẩm của mình tại NXB Văn học, NXB Hội Nhà văn. Tính đến tháng 10.2014, nhóm đã xuất bản được 102 tác phẩm (gồm 37 tiểu thuyết, 16 tác phẩm biên khảo, lý luận phê bình văn học và 49 tập thơ).

Nhà văn Triệu Xuân ký tặng sách trong lúc chống chọi bệnh nan y

HĐN

Hầu như các sự kiện của nhóm VCHV tôi đều có cơ hội tham dự. Nhớ năm 2009, tôi và nhà báo Trần Hoàng Nhân (báo Thể thao - Văn hóa) theo nhóm đến dự khai trương thư viện phường Long Thạnh Mỹ (Q.9, TP.HCM) - một thư viện cấp phường nhưng đầy đủ tiện nghi được nhóm VCHV đầu tư xây dựng. Nhớ lần nhóm VCHV tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 70 của nhà văn Hoài Anh (3.7.2007) tại khu du lịch Bửu Long và vườn bưởi Năm Huệ (Tân Triều, Biên Hòa). Lần đó, ngoài các thành viên của nhóm còn có nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan (báo Văn Nghệ TP.HCM), Nguyễn Tý (báo Pháp Luật TP.HCM). Buổi họp mặt diễn ra trên mặt sàn một chiếc sà lan có mái che, neo trên mặt sông Đồng Nai thật vui vẻ và ấm cúng... Phải nói rằng, tất cả mọi sinh hoạt của nhóm VCHV đều do nhà văn Triệu Xuân khởi xướng và điều hành. Ngoài điều hành nhóm VCHV, anh còn lập trang web trieuxuan.info cập nhật tình hình hoạt động văn hóa nghệ thuật trong nước, lý luận phê bình các tác phẩm văn học, lưu trữ các bài báo... khá đầy đủ và chuẩn xác.

Bìa tác phẩm Sóng lừng

HĐN

Từ khi nhà văn Triệu Xuân phát hiện mình bị bệnh nan y và vì phải điều trị nên hầu như mọi hoạt động của nhóm VCHV đều ngưng trệ. Phải nói rằng, nhà văn Triệu Xuân đã may mắn có người bạn đời là chị Hạnh Lê luôn đồng hành, khích lệ và động viên chồng chống chọi với căn bệnh một cách tích cực (dù rất nhiều lần chị đã bật khóc một mình nhưng vẫn cố gắng tươi tỉnh, vui vẻ trước mặt chồng)...

Tháng 3.2019, tôi cùng bác sĩ Bích Tùng và chị Doãn Thụy Như đến thăm nhà văn Triệu Xuân ở tư gia (số 1/6 Hồ Biểu Chánh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Tại đây đã có vợ chồng một nhà văn ở phía Bắc cũng đến thăm người bệnh. Vợ chồng anh Triệu Xuân tiếp chúng tôi rất vui vẻ, lạc quan. Anh vừa ký tặng sách cho mọi người vừa kể việc anh phải tình nguyện để các bác sĩ thử nghiệm một loại thuốc đặc trị vì chứng ung thư phổi của anh đã di căn vào xương. Tiền thuốc mỗi ngày không dưới 5 triệu đồng...

Nhóm VCHV tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 70 của nhà văn Hoài Anh (3.7.2007) tại Khu du lịch Bửu Long và vườn bưởi Năm Huệ (Tân Triều, Biên Hòa)

HĐN

Hôm sau, anh bảo chị Hạnh Lê gọi tôi tới nhà, anh có chuyện muốn nói. Vậy là suốt buổi sáng hôm đó anh kể cho tôi ghi lại cuộc đời và hành trình văn chương của anh, nhất là chung quanh cuốn tiểu thuyết Sóng lừng của anh - cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về bọn tội phạm theo kiểu mafia Việt Nam, cùng những thao thức, tâm huyết của anh khi viết tiểu thuyết này và cả những khó khăn khi ôm chồng bản thảo đi gõ cửa hơn chục NXB nhưng đều bị từ chối. Không nản chí, anh đã đánh liều xin gặp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và rồi Sóng lừng đã được xuất bản năm 1991. Anh kể, tôi ghi chép hết 10 trang giấy A4 mà có vẻ như anh chưa nói hết những điều cần nói... Trưa hôm đó anh giữ tôi lại ăn cơm với vợ chồng anh - đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp anh.

Xin bái biệt anh, người anh văn chương sống rất chân tình với bạn bè, em út. Anh ra đi nhưng bóng dáng, giọng nói và cả những tác phẩm của anh vẫn lưu giữ trong lòng bạn bè. Xin gửi lòng theo buổi tưởng niệm nhà văn Triệu Xuân do nhóm VCHV tổ chức vào lúc 11 giờ ngày 27.10 tại Vãng Sanh Đường chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3. TP.HCM). Vĩnh biệt anh!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.