Đây là khái niệm xuất hiện trong nhiều ngôn ngữ trên thế giới, phổ biến trong thế kỷ 20, ví dụ như geflügeltes Wort (tiếng Đức); gevleugeld woord (Hà Lan); bevingat ord (Thụy Điển); bevinget ord (Đan Mạch) hay bevinget ord (tiếng Bokmål của Na Uy)… Ngay cả trong những ngôn ngữ này, cách hiểu "lời có cánh" có thể không đồng nhất hoặc không giống như ở VN.
Trong tiếng Đức, geflügeltes Wort (từ có cánh) có nghĩa là "những từ vượt qua thời gian, không gian và đi vào trái tim bạn". Thuật ngữ này thường chỉ những thành ngữ có gốc từ tiếng Latin, tiếng Hy Lạp cổ hoặc những dịch phẩm kinh thánh của Martin Luther. Ví dụ như trong quyển Geflügelte Worte (1864) của nhà ngôn ngữ học Georg Büchmann, liệt kê 4.300 câu trích dẫn đã đi vào những cuộc trò chuyện hằng ngày. Quyển này đã từng được dịch sang tiếng Nhật với nhan đề 翼ある言葉 (Tsubasa aru kotoba), tức "Những lời có cánh".
Trong tiếng Việt, cụm từ "những lời có cánh" xuất hiện phổ biến khoảng vài thập niên gần đây, rất có khả năng dịch từ thành ngữ "winged words" (Anh) hoặc "mots ailés", "paroles ailées" (Pháp). Phần lớn những ngôn ngữ ở châu Âu đều chia sẻ cách diễn đạt này từ tiếng Ý, song xa xưa nhất, có lẽ là bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ: ἔπεα πτερόεντα (épea pteróenta) - cụm từ mà Hómēros, một nhà thơ mù và người hát rong thời Hy Lạp cổ đại thường sử dụng trong hai sử thi Ἰλιάς (Iliad) và Ὀδύσσεια (Odyssey) nổi tiếng của ông.
Trong tiếng Hy Lạp, ἔπεᾰ (épea) là số nhiều của ἔπος (épos), nghĩa ở đây là "lời nói"; còn πτερόεντα (pteróenta) là số nhiều của πτερόεις (pteróeis), nghĩa là "có cánh". Hómēros đã lặp đi lặp lại hơn 100 lần cụm từ "lời có cánh" (ở dạng số ít hoặc số nhiều) trong Iliad và Odyssey. Với gần 28.000 dòng, hai sử thi này được sáng tác theo thể sáu nhịp daktylos, không phải bằng cách viết chữ mà ứng tác bằng miệng, biểu diễn trực tiếp trước khán giả. Đối với người Hy Lạp cổ đại, thơ giống như có cánh, thơ như đang bay khi họ thưởng thức, vì vào thời đó, thơ được trình diễn chứ không chỉ đọc.
Một số người cho rằng Hómēros đã so sánh lời nói với những con chim trốn thoát ngay khi được thả tự do. Đây cũng là cách giải thích của Alexander Pope (1688 - 1744), người đã dịch The Iliad và The Odyssey sang tiếng Anh. Song phần lớn giới nghiên cứu đồng thuận rằng "lời có cánh" là phép ẩn dụ ám chỉ mũi tên hơn là con chim, bởi vì trong hai sử thi kể trên, Hómēros không chỉ dùng "lời có cánh" để giao tiếp mà còn sử dụng chúng như vũ khí tấn công và gây thương tích. Đây cũng là cụm từ mà nhà thơ Anh Lord Byron (1788 - 1824) đã sử dụng trong phần VIII của bài thơ The Bride of Abydos (1813): "Những lời có cánh đó như những mũi tên lao đi" ("Those winged words like arrows sped").
Bình luận (0)