Lắt léo chữ nghĩa: Xướng ca vô loại

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
07/10/2023 07:03 GMT+7

Trong dân gian phổ biến thành ngữ "xướng ca vô loài", một quan niệm sai lầm từ thời phong kiến. Trên văn bản thành ngữ này được viết chính xác là "xướng ca vô loại" (唱歌無類).

Trong Hán ngữ, xướng (唱, chàng) có nghĩa là hát. Hình thức cổ xưa nhất của ký tự này viết bằng chữ tiểu triện, được tìm thấy trong quyển Thuyết văn tân phụ (説文新附), nghĩa gốc là tạo ra âm thanh theo một nhịp điệu nhất định, sau đó mở rộng sang việc hát các ca khúc; còn ca (哥) có nghĩa là khúc hát, hình thức cổ viết là 歌 (hát, bài hát, khúc ca).

Nhìn chung, xướng ca (唱歌) có nghĩa là "ngâm hát ca khúc". Ngược lại, trong tiếng Việt, tuy có 4 từ Hán Việt gọi là hát (喝, 暍, 欱, 獦) song lại không có nghĩa là ca hát; xét về động từ, chúng chỉ có nghĩa là "hét, gào, kêu to, quát mắng, hấp, húp, hút, uống, ăn, nuốt…". Trong chữ Nôm, hát (喝) mới có nghĩa là ca hát, hát xướng. Ví dụ: Cười nên tiếng khóc, hát (喝) nên giọng sầu (Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều); Véo von đàn hát (喝), vang lừng phách sênh (Phan Trần truyện, 1867).

Trong Hán ngữ vô loại (無類) có 3 nghĩa: a. Không có hệ thống (sách Lễ Ký, thiên Chuy y); b. Không sót lại gì cả (Hán Thư, quyển 52, Đậu Anh truyện); c. Không nằm trong thứ bậc giống nòi, loại lớp gì (Luận ngữ, Vệ Linh công). Chữ vô loại trong xướng ca vô loại có thể hiểu là không nằm trong hệ thống, thứ bậc xã hội thời phong kiến (sĩ, nông, công, thương) hoặc không thuộc loài nào cả, chỉ kẻ xấu xa không phải loài người. Xin lưu ý, đây là nghĩa trong Hán ngữ, khi du nhập vào hệ thống chữ Kanji của Nhật Bản, vô loại (無類, むるい, murui) lại có nghĩa là "vô song (unequalled), vô địch, không có gì sánh được (matchless)".

Về nguồn gốc, thành ngữ "xướng ca vô loại" xuất phát từ Việt Nam chứ không phải Trung Quốc. Theo giới nghiên cứu, câu này xuất hiện khoảng thế kỷ 15, từ lệnh cấm của vua Lê Thánh Tông. Bất kỳ gia đình nào có người hành nghề "xướng ca" thì cấm không được đi thi; quan không được lấy vợ "xướng ca", tức lấy những cô gái theo nghề ca hát, những người thường được gọi là ca cơ (歌姬), ca nữ (歌女), ca nhi (歌兒), ca nương (歌娘), ca kỹ (歌妓) hay kỹ nữ (伎女) - phải chăng do kỹ nữ về sau còn nghĩa là gái mại dâm nên nghề ca hát bị ghét bỏ, dẫn đến sự kỳ thị đến mức cho rằng "xướng ca vô loài"? Hoặc có thể là do "Xã hội ta xưa quan niệm lũ "Xướng ca vô loài" là một tầng lớp vô luân" như Toan Ánh đã viết trong quyển Phong tục Việt Nam (NXB Xuân Thu, 1975), "vì những vai trò họ đóng khi xướng hát (...) "người con có thể đóng vai vua và người cha đóng vai bầy tôi quỳ lạy, anh em ruột có thể đóng đôi vợ chồng, và vợ chồng lại có thể đóng vai mẹ con hoặc cha con...".

Ngày nay, quan niệm xướng ca vô loài (loại) đã lỗi thời. Những loại hình nghệ thuật VN, cho dù là dân gian hay đương đại, đều được nhà nước quan tâm, tạo điều kiện phát huy, phát triển; vai trò nghệ sĩ được đề cao chứ không còn là "con hát" bị khinh rẻ như trong quá khứ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.