Những lũ lụt quê nhà miền Trung khiến bao người Việt phải thao thức

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
15/10/2020 11:16 GMT+7

Tôi quê Quảng Trị, mỗi năm tầm tháng 8 trở đi, nhìn trời phương Nam đổ mưa và gió mạnh, là e ngại những cơn áp thấp quần tụ đâu đó ngoài biển khơi.

Mẹ già tỉnh giấc giữa đêm

Anh bạn đồng nghiệp ở Quảng Trị nhắn qua Messenger “nước lên to quá, chưa đi được anh ơi”. Biết là mưa dồn dập, quê nhà mênh mông nước bạc, chuyến đi cứu trợ của đồng nghiệp đành phải dời lại, đợi khi nước rút bớt. Bao năm ở vùng đất ấy, tôi đã rành con nước lụt, mỗi khi “trời hành”…
Không phải ngẫu nhiên mà trong trường ca Hội trùng dương, cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương khi viết về miền Trung, ông lại thấm và chọn mô tả cái nỗi đau của đồng bào mỗi khi lụt lội, với giai điệu và ca từ rất buồn bã: “Trời rằng: trời hành cơn lụt mỗi năm, khiến đau thương thấm tràn…”, để rồi cuối đoạn 2, ông ước một niềm mơ ước miên viễn: “quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn. Cho em vang khúc ca nồng nàn…”
Nghe cất tiếng hát lên, là lại thấy hiển hiện một niềm thương đau đáu. Ai không xúc động đến trào nước mắt khi nhìn cảnh những bé thơ, những cụ già phải bồng bế nhau trèo lên mái nhà, ngơ ngác nhìn con nước cuồn cuộn đổ về ngập hết xung quanh. Rồi những cái chết thương tâm, vì sẩy chân, vì lật ghe và vì trăm thứ khác khi “hồng thủy” tuôn trào, nổi giận…

Nguy cơ lũ lụt quay lại miền Trung trong 10 ngày tới

Tôi quê Quảng Trị, mỗi năm tầm tháng 8 trở đi, nhìn trời phương Nam đổ mưa và gió mạnh, là e ngại những cơn áp thấp quần tụ đâu đó ngoài biển khơi. Rồi sẽ ập vào đâu những cơn bão lùa trốc cây trốc nhà, những ngọn mưa xối xả đất trời? Tự hỏi rồi tự trả lời: chắc lại vô miền Trung, bởi cái xác suất luôn rất lớn, thiên tai “hành hạ” khúc ruột cả nước ấy!
Những ngày lụt lội quê nhà1
Năm nay cũng không ngoại lệ, ảnh hưởng La NiNa khiến mưa bão dồn dập. Lượng mưa không thể tính bằng chục milimét nữa, mà bằng trăm. Thời gian mưa không tính bằng giờ nữa, mà bằng ngày đêm. Dồn dập vậy nên khiến bà con không kịp trở tay, có nhiều vùng trong đêm đang ngủ, mẹ già tỉnh giấc vùng dậy thấy nước đã tuôn vào nhà. Dâng đầy và ngập hết mọi thứ. Những bao lúa vừa khô chưa kịp chất lên tra (là cái gác gỗ thường được thiết kế gần áp mái nhà, để phòng khi lụt lội chất đồ lên đó). Những bầy gà, bầy vịt, bếp núc, bầy heo trong chuồng, cây rơm ngoài ngõ, đám cải vừa xanh, vồng khoai vừa ra củ, con nghé vừa biết bú sữa…tất tần tật, chìm trong nước bạc. Trước cơn cuồng nộ của đất trời, mỗi người phải bỏ hết, để cứu lấy thân mình trước đã!

Nỗi ám ảnh khôn nguôi

Lũ về, là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Nhất là với những vùng trũng, chỉ còn cách nước lên chừng nào leo cao chừng đó. Mà mái nhà là nơi cao nhất giữa một vùng trơ trọi. Hẳn nhiên, khi đã lên mái ngồi, thì chỉ còn chờ ghe đến cứu. Đêm hôm tăm tối, mưa cứ quất ràn rạt, nước cứ dâng ngút ngàn. Ngồi đó mà nghe nhưng mắt chẳng thấy gì ngoài đói và cơn lạnh, rét mướt tận tâm can.
Những điều ấy, lần đầu tiên trong đời tôi từng nghe, là từ thằng bạn tên Khiêm mô tả khi cùng tôi trên đường đến trường tiểu học, vào cơn lụt năm Tân Hợi (1971) ở thị xã Quảng Trị, lúc bọn tôi vừa lên 8. Nước sông Thạch Hãn dâng tràn, tôi lội nước đi qua các con phố. Nhìn về xóm nhỏ nơi có gia đình Khiêm cư ngụ, gọi là xóm Heo. Một vùng thấp trũng nhất gần bờ sông, phía con đường Quang Trung từ chiều trước mới mấp mé nước, nay đã ngập hết các nóc nhà. Ai cũng tưởng là cả xóm sẽ không còn, vì con nước quá dữ. Nhưng may là các tình nguyện viên Hội Hồng thập tự (nay gọi là Hội chữ thập đỏ), đã đi thuyền máy ra vớt được hết, chỉ duy nhất một cụ già do trượt chân mái nhà, bị nước cuốn. Rất may Khiêm và gia đình trong một đêm bấu víu, chằng buộc người vào mái, nên sáng hôm sau được thuyền máy vô đón, và thoát được.
Những ngày lụt lội quê nhà2
Rồi tiếp sau năm 1975, ở quê nhà mỗi khi mưa về, bắt đầu từ tháng 7 âm lịch với câu ca dân gian truyền lại: “Tháng bảy nước chảy quanh hè”, là mọi người bắt đầu chuẩn bị. Nhất là đồng bào vùng đông H. Gio Linh quê tôi, miệt đồng bằng giáp biển Cửa Việt. Nước sẽ đi luồng theo dãy Trường Sơn, cuộn qua miền đồi trung du tây Gio Linh để đổ về vùng thấp trũng ấy. Bắt đầu một cuộc “chiến đấu” trong cảnh gieo neo cơ cực. Cuộc chiến ấy, với lụt lội hàng năm, có lẽ không thể nào phai nhòa trong ký ức của bao người.
Và những điều ấy tôi cũng đã thấy, khi cách đây 2 năm, trong một chuyến cứu trợ về vùng càng, là nơi thấp trũng nhất của H. Hải Lăng (Quảng Trị). Một vùng đồng ruộng bình thường vốn ngan ngát lúa xanh. Khi nước dữ đổ về, sông Ô Lâu cuồn cuộn. Vùng đất có diện tích lúa lớn nhất của tỉnh Quảng Trị dầm quằn quại trong nước. Từ trung tâm xã Hải Hòa, đoàn chúng tôi 12 người phải đi thuyền băng qua bao trảng, bao đồng. Mưa quất tơi bời vào mặt. Gió lùa tung rách cả áo mưa. Chiếc thuyền tròng trành khiến 2 cô gái trẻ trong đoàn ròng nước mắt vì sợ. Khi đến nơi, bà con níu vào nhau bằng những chiếc ghe, là phương tiện di chuyển mùa lụt, để đến nhận gạo, nhận tiền và nhu yếu phẩm. Những gương mặt lam lũ, chợt ngời lên một chút ấm áp, trong mưa gió tảo tần. Họ phải vật lộn với lũ lụt đã bao nhiêu ngày ở vùng càng thấp trũng ấy…
…Những câu chuyện đã nghe và đã thấy, lại trở về thao thức trong tôi khi cách đây hai hôm, nghe tin thời sự trên truyền hình, biên tập viên dẫn nguồn từ Trung tâm khí tượng thủy văn cho biết, nước sông Thạch Hãn đã dâng vượt nhiều cm so với đỉnh lũ lịch sử cách đây hơn 20 năm. Lại một vùng nước mênh mông tuôn về, từ phía con đập thủy lợi Nam Thạch Hãn ở gần đầu nguồn. Tôi lại tự hỏi, bà con quê mình sẽ vượt qua con nước ấy ra sao?
Và những thông tin cấp tập dội vào trong chiếc điện thoại nhỏ bé. Tiếp tục bão và lụt. Cứ 2 ngày lại 1 cơn bão, từ số 6, số 7 rồi bây giờ là số 8. Mưa lại sẽ tiếp tục dội xuống, khi bao người đang bị vùi lấp do sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4, phía tây H. Phong Điền, một huyện thuộc phía bắc Thừa Thiên-Huế, giáp với Quảng Trị. Trước đó một ngày, nỗi đau hiện diện trên mỗi mặt người khi truyền cho nhau cái tin đau đớn: một thai phụ trở dạ trên đường đi sinh, băng qua dòng nước bạc cuồn cuộn, bị lật ghe giữa dòng và bị cuốn cả hai mẹ con, chị ấy cũng là người thuộc xã Phong An của huyện này!
Hình ảnh của người chồng quỳ sụp xuống lạy trời van vái cho vợ con mình thoát được kiếp nạn trầm luân giữa cơn hồng thủy trong tuyệt vọng, có lẽ là hình ảnh đau xót nhất, khiến bao người phải trở trăn, không nguôi thao thức dù gần hay xa…

Bàng hoàng sản phụ bị lũ cuốn trôi trên đường đi sinh con

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.