Những lưu ý cần thiết khi làm bài thi lớp 10

Bích Thanh
Bích Thanh
03/06/2024 06:05 GMT+7

Từ tuần này, học sinh lớp 9 nhiều tỉnh, thành bắt đầu bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Các chuyên gia giàu kinh nghiệm có những lưu ý để thí sinh làm bài đạt kết quả cao nhất, tránh mắc lỗi đáng tiếc.

5 BÀI TOÁN THỰC TẾ

Với đề thi lớp 10 môn toán tại TP.HCM, giáo viên Nguyễn Bình Minh Tú, Tổ trưởng Tổ toán Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh) lưu ý học sinh (HS) bắt đầu từ các bài toán thực tế với phần gọi ẩn x, y, vì theo thầy Tú, nhiều HS gọi sai ngay phần này dẫn đến giải hệ phương trình không có điểm. "HS học từ năm lớp 8 dạng toán lập phương trình, nhưng kiểu bài này luôn khiến các em sợ nên càng dễ đuối khi gặp dạng toán thực tế này. Có nhiều HS ngay từ phần đọc đề đã sợ vì đề dài quá. Do vậy, HS cần đọc kỹ đề, gọi ẩn x, y cẩn trọng, đi theo đúng lộ trình làm từ bài dễ đến bài khó", thầy Tú hướng dẫn.

Những lưu ý cần thiết khi làm bài thi lớp 10- Ảnh 1.

Học sinh lớp 9 ở TP.HCM sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trong tuần này

ĐÀO NGỌC THẠCH

Bên cạnh đó, dạng toán thực tế còn có bài liên quan đến hình học. Để giải được bài toán thực tế này, ngoài việc nắm được công thức thì HS phải hiểu được, phân tích được yêu cầu của bài toán, phân tích được yếu tố của hình học không gian.

Các bài toán thực tế có câu gắn với hàm số. Đây là dạng toán thực tế đơn giản song HS cũng hay mất điểm do xác định đại lượng hàm số bậc nhất không chính xác, thay công thức sai.

Trong 5 bài toán thực tế, thông thường HS sẽ làm được 2 câu đầu tiên (câu 3, 4) do 2 câu này có mức độ khó vừa phải, ngữ liệu thực tế đưa vào đề thi ở mức đơn giản, HS chỉ cần lập hệ phương trình/phương trình đơn giản. Ba câu còn lại, ngữ liệu thực tế đưa vào đề đòi hỏi HS phải có sự phân tích, kỹ năng tư duy để hiểu được vấn đề.

Với câu 8, phần hình học, câu a dù dễ lấy điểm nhưng HS cũng thường mất điểm do nhầm lẫn dấu hiệu nhận biết tứ giác nội tiếp, từ dấu hiệu này sang dấu hiệu khác, trình bày thiếu các luận cứ. Ngoài ra, một lỗi sai nữa là HS thường chủ quan nên ghi sai ký hiệu góc - đây là lỗi sai rất cơ bản.

Thầy Tú lưu ý HS cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ học tập, không thể thiếu thước thẳng, compa, parabol. Khi làm những phần kiến thức cơ bản trong đề thi, HS cần chú ý cách trình bày kỹ lưỡng vì các phần này không đòi hỏi tư duy quá cao, chỉ đòi hỏi trình bày cẩn thận. Với phần hình học, nếu vẽ hình sai thì bài sẽ không được chấm. Do vậy, HS phải chú ý vẽ hình thật cẩn trọng.

Vì sao có HS học lực tốt nhưng kết quả không cao ?

Từ nay đến ngày thi lớp 10, các em hãy phân bố thời gian nghỉ ngơi hợp lý, giữ gìn sức khỏe, chú ý ăn uống. Khi học, hệ thống lại kiến thức, xem lại các lỗi mình hay mắc phải để khi làm bài làm cẩn thận những phần mình nắm chắc, giúp giành điểm tuyệt đối.

Đồng thời chuẩn bị thật kỹ các loại giấy tờ, bút viết, các dụng cụ học tập cho các môn thi. Trước giờ thi không nên ăn quá no, uống quá nhiều nước để giữ tâm trạng tốt nhất trong phòng thi, tự tin, thoải mái khi làm bài để tránh tâm lý lo lắng, bất ổn.

Khi làm bài, các em phải hết sức cẩn thận, bình tĩnh. Làm ra giấy nháp trước, sau đó mới ghi vào bài thi. Không vội vã, chủ quan, bởi thực tế có nhiều HS năng lực học rất tốt nhưng do chủ quan nên kết quả bài làm không cao.

Nguyễn Đoan Trang (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM)

TRÁNH MẤT ĐIỂM ĐÁNG TIẾC Ở MÔN NGỮ VĂN

Theo thạc sĩ Trần Tiến Thành, chuyên viên môn ngữ văn Sở GD-ĐT TP.HCM, ở phần đọc hiểu, các văn bản được chọn có thể là văn bản nghị luận, thông tin, văn học, khoa học... Các câu hỏi được tổ chức theo các mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng.

Vì vậy, khi trả lời các câu hỏi đọc hiểu, thí sinh cần đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung. Trả lời ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề. Tránh lan man, dài dòng không cần thiết.

Ở bài nghị luận xã hội, thí sinh nên viết khoảng 500 chữ (trang rưỡi giấy thi) và đảm bảo cấu trúc bài nghị luận với mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu vấn đề, thân bài triển khai vấn đề, kết bài kết luận vấn đề.

Ở phần viết bài nghị luận văn học, với đề 1, HS phân tích, cảm nhận một tác phẩm hoặc đoạn trích tác phẩm cụ thể có trong SGK. Từ đó chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống. Ở đề 2, với một tình huống cụ thể, HS sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc (tự chọn tác phẩm/đoạn trích) để giải quyết tình huống ấy.

Thạc sĩ Trần Tiến Thành cũng chỉ ra những lỗi, hạn chế để HS lưu ý trong quá trình làm bài thi lớp 10. Đó là những lỗi như diễn xuôi lại tác phẩm; bài làm thiếu cảm xúc do ít đọc, ít suy tư, cũng có thể do học vẹt. Không hiểu rõ yêu cầu của đề, viết lại các nội dung đã học một cách máy móc.

Ngoài ra, thạc sĩ Thành cũng chỉ thêm một số nguyên nhân ảnh hưởng đến bài làm của HS như phân bố thời gian không hợp lý cho các phần, các câu; đọc đề không kỹ dẫn đến trả lời không đúng trọng tâm, hoặc trả lời dài dòng, thừa ý; trình bày, viết chữ cẩu thả, khó đọc; bài làm không hoàn chỉnh (do quá say sưa viết về 1 ý dẫn đến quên kết bài hoặc kết bài quá sơ sài).

Những lưu ý cần thiết khi làm bài thi lớp 10- Ảnh 2.

Những lỗi, hạn chế của học sinh khi làm bài thi môn văn là diễn xuôi lại tác phẩm; bài làm thiếu cảm xúc do ít đọc, ít suy tư, cũng có thể do học vẹt...

ĐÀO NGỌC THẠCH

NHỮNG LỖI HS HAY MẮC PHẢI Ở MÔN TIẾNG ANH

Theo thạc sĩ Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên môn tiếng Anh Sở GD-ĐT TP.HCM, trong số 40 câu hỏi trong đề thi môn tiếng Anh thì các câu hỏi phân hóa sẽ tập trung chủ yếu ở phần đọc hiểu và viết lại câu. Mức nhận biết trong đề thi chiếm khoảng 6 điểm; từ 6 - 7,5 điểm là mức thông hiểu; từ 7,5 - 9,25 điểm là vận dụng; còn lại 0,75 điểm là vận dụng cao (chiếm 3 câu) với 5 - 7% kiến thức trong đề thi. Các phần kiến thức, chủ đề, chủ điểm, từ vựng trong đề thi đều quen thuộc với HS và nằm trong chương trình các em đã được học.

Đề thi nghiêng nhiều về kỹ năng, từ vựng, không chú trọng về ngữ pháp. Vì vậy trong quá trình làm bài thi, HS sẽ sử dụng vốn từ vựng, sự hiểu để áp dụng trong những trường hợp cụ thể. Dù phần ngữ pháp trong đề thi khá nhẹ nhàng nhưng buộc HS phải nắm được ngữ pháp cơ bản đã được giáo viên trang bị trong quá trình học thì mới có thể làm bài tốt.

Chuyên viên môn tiếng Anh lưu ý, khi làm bài với các phần câu hỏi tự luận, HS thường viết sai nhiều ở các phần như: Word Forms/Sentence transformation. Trong khi theo quy định, khi làm sai, dù chỉ là một lỗi nhỏ viết câu, chính tả thì thí sinh cũng đều bị mất điểm hoàn toàn câu đó. Vì vậy thí sinh phải thật lưu tâm để tránh bị mất điểm một cách đáng tiếc. 

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM sẽ diễn ra trong 2 ngày 6 và 7.6 với lần lượt các môn ngữ văn, ngoại ngữ, toán và môn chuyên/tích hợp (nếu thí sinh đăng ký lớp 10 chuyên/tích hợp).

Dự kiến có khoảng 98.600 TS dự thi lớp 10 tại 160 điểm thi (gồm 150 điểm thi lớp 10 thường và 10 điểm thi lớp 10 chuyên).

Theo quy định, ngày 5.6, TS có mặt tại điểm thi ghi trong phiếu báo danh để kiểm tra thông tin và nghe hướng dẫn quy chế thi lớp 10. TS mang theo giấy tờ tùy thân như sau: Phiếu báo danh (có dán hình); Giấy khai sinh (bản photocopy không cần công chứng) để đối chiếu hồ sơ; Thẻ học sinh hoặc thẻ bảo hiểm y tế hoặc CCCD có gắn chip.

TS tại Hà Nội sẽ thi lớp 10 trong 3 ngày 8, 9 và 10.6 với 3 môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ, các môn chuyên với TS thi chuyên. Năm học 2023 - 2024, dự kiến toàn TP.Hà Nội có khoảng 133.000 HS xét tốt nghiệp THCS. Sở GD-ĐT Hà Nội dự kiến tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập khoảng hơn 60% tổng số HS tốt nghiệp THCS.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.