Những lưu ý về kỳ thi lớp 10 cuối cùng theo chương trình cũ

Bích Thanh
Bích Thanh
14/12/2023 06:07 GMT+7

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 là lứa học sinh lớp 9 cuối cùng học chương trình giáo dục cũ. Vì vậy, định hướng đề thi và cách thức tuyển sinh ra sao đang được phụ huynh, học sinh đặc biệt quan tâm.

Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã có thông tin chính thức về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 dành cho học sinh (HS) đang học lớp 9 năm nay. Trong đó có đề cập định hướng đề thi tuyển sinh cũng như thời gian dự kiến tổ chức thi.

Cụ thể, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết HS lớp 9 năm nay là lứa HS hoàn thành bậc THCS cuối cùng của chương trình giáo dục 2006. Vì vậy về cơ bản kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 sẽ giữ ổn định tương tự như năm 2023.

ĐỀ THI CHÚ TRỌNG NĂNG LỰC VẬN DỤNG

Riêng về nội dung và yêu cầu đề thi tuyển sinh lớp 10, ông Nguyễn Bảo Quốc cho hay nội dung đề thi sẽ nằm trong chương trình THCS, chủ yếu ở khối lớp 9. Các yêu cầu trong đề sẽ đảm bảo tính phân hóa năng lực trình độ HS và phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi. "Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024, Sở GD-ĐT vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường các câu hỏi yêu cầu thí sinh (TS) vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết các tình huống thực tế trong cuộc sống. Đề thi không chỉ dừng ở việc kiểm tra năng lực kiến thức môn học của HS mà chú trọng kiểm tra năng lực vận dụng, đọc hiểu, tư duy logic của HS", lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh.

Những lưu ý về kỳ thi lớp 10 cuối cùng theo chương trình cũ  - Ảnh 1.

Học sinh lớp 9 năm nay sẽ là lứa cuối cùng thi tuyển sinh lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006

NHẬT THỊNH

Ông Trần Tiến Thành, chuyên viên phụ trách môn ngữ văn của Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay cấu trúc đề ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới sẽ không thay đổi so với tuyển sinh năm học 2023 - 2024 bao gồm 3 phần: đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm).

Trong đó, ở phần đọc hiểu, các văn bản được chọn có thể là văn bản nghị luận, văn bản thông tin,văn bản văn học, văn bản khoa học... Các câu hỏi được tổ chức theo các mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng. Trong các câu hỏi đọc hiểu có 1 câu hỏi về tiếng Việt.

Ở phần nghị luận xã hội, TS sẽ vận dụng các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động để viết bài nghị luận khoảng 500 chữ với đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài.

Còn ở phần nghị luận văn học, theo thông tin ông Thành cung cấp, TS được lựa chọn một trong 2 đề để làm bài. Trong đó, đề 1 sẽ yêu cầu TS tự chọn một tác phẩm (hoặc đoạn trích) theo yêu cầu của đề, cảm nhận tác phẩm ấy và chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống. Còn đề 2 đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu TS sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc để giải quyết tình huống ấy.

Tương tự với đề thi môn toán, ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên phụ trách môn học này của Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết giữ nguyên cấu trúc, mức độ kiến thức với 70% nhận biết, thông hiểu; 30% vận dụng, vận dụng cao.

Cụ thể, đề thi gồm 8 câu, trong đó 7 câu là kiến thức cơ bản và 1 câu về hình học phẳng. Trong đó, câu 1, 2 là kiến thức quen thuộc về đồ thị, định lý Vi-et, điều kiện có nghiệm của phương trình. Câu 3 đến câu 7 là các bài toán vận dụng kiến thức đã học trong chương trình giải các bài toán liên quan đến thực tế. Trong đó sẽ có 1 - 2 câu ở mức nâng cao. Câu 8 là bài toán hình học phẳng gồm 3 bài toán nhỏ. Trong đó, 2 bài ở mức độ cơ bản, bài còn lại mang tính phân hóa cao.

Với đề thi môn tiếng Anh, ông Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên môn tiếng Anh của Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay sẽ có 40 câu hỏi (0,25 điểm/câu). Trong đó chủ yếu là nhận biết, thông hiểu, yêu cầu nâng cao chỉ chiếm từ 10 - 15%. Chuyên viên phụ trách môn thi này nhấn mạnh đề thi sẽ không chú trọng về ngữ pháp mà nghiêng nhiều về kỹ năng, từ vựng.

Những lưu ý về kỳ thi lớp 10 cuối cùng theo chương trình cũ - Ảnh 2.

Đề thi lớp 10 chú trọng kiểm tra năng lực vận dụng, đọc hiểu, tư duy logic của học sinh

NHẬT THỊNH

KHÔNG CÒN LỚP KHÔNG CHUYÊN, CHỈ TIÊU TRƯỜNG CHUYÊN RA SAO ?

Thực hiện theo quy chế của Bộ GD-ĐT, từ năm học 2024 - 2025, tức vào kỳ tuyển sinh lớp 10 năm 2024, TP.HCM sẽ không tổ chức tuyển HS lớp 10 không chuyên trong 2 Trường THPT chuyên là Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa. Đây là điểm mới trong tuyển sinh lớp 10.

Được biết, từ năm học 2023 - 2024 trở về trước, ngoài việc tuyển HS vào các lớp 10 chuyên toán, ngữ văn, tiếng Anh, tin học, vật lý, hóa học… thì mỗi năm, 2 trường chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa tuyển khoảng 270 HS vào lớp 10 không chuyên.

PV Thanh Niên đặt câu hỏi, trước việc "hụt" 180 chỉ tiêu HS lớp không chuyên ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và 90 chỉ tiêu ở Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, so với năm học trước, nhà trường sẽ bổ sung số chỉ tiêu này như thế nào? Đây cũng là mối quan tâm rất lớn của phụ huynh, HS lớp 9 năm nay.

Theo lãnh đạo 2 trường THPT chuyên nói trên, khi không còn chế độ tuyển sinh lớp 10 không chuyên trong trường chuyên, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển trường chuyên.

Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho hay năm học 2023 - 2024 trường tuyển sinh 180 chỉ tiêu lớp 10 không chuyên, tương đương với 4 lớp 10 không chuyên. Từ năm học 2024 - 2025, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch phù hợp, trong đó cân đối hài hòa việc tổ chức lớp chuyên cũng như các hoạt động giáo dục phù hợp với định hướng giáo dục của trường chuyên với 2 nhiệm vụ chính là đào tạo nâng cao, phát triển toàn diện HS; bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố, quốc gia. Cũng theo thông tin từ Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhà trường đang xây dựng đề án phát triển trong giai đoạn 10 năm tiếp theo để trình Sở GD-ĐT TP phê duyệt. Trong đó, có 2 dự án là thư viện thông minh và trung tâm thực hiện thí nghiệm hiện đại…

Những lưu ý về kỳ thi lớp 10 cuối cùng theo chương trình cũ - Ảnh 3.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) trong tiết học về trí tuệ nhân tạo

HOÀNG LÊ

Tuy nhiên, theo tính toán dự kiến của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong không phải cứ hụt bao nhiêu HS thì trường sẽ xin tuyển bổ sung bấy nhiêu mà trường sẽ căn cứ vào định hướng, nhu cầu cũng như thực tế cơ sở vật chất phòng học và đề xuất với Sở GD-ĐT kế hoạch cụ thể. "Về cơ bản, loại hình lớp chuyên đã ổn định nên có thể trường đề xuất tăng chỉ tiêu đối với những lớp chuyên mà trước đây có chỉ tiêu tuyển với số lượng 1/2 lớp thì nay tăng thành nguyên vẹn một lớp", một thành viên ban giám hiệu nhà trường cho biết. Được biết, những năm trước, chỉ tiêu lớp 10 các lớp chuyên như lịch sử, địa lý, tiếng Trung, tiếng Nhật của trường này thường tuyển từ 15 - 20 HS.

Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đang tổ chức các lớp chuyên ngữ văn, toán, vật lý, hóa học, sinh học, tiếng Anh. Theo tìm hiểu của phóng viên, có thể trong thời gian tới trường sẽ mở thêm loại hình lớp chuyên để đa dạng môn chuyên, đáp ứng nhu cầu theo học của HS TP.HCM. 

TP.HCM tổ chức thi 3 môn, dự kiến vào đầu tháng 6

Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ đề xuất với UBND TP thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10, diễn ra vào tuần đầu tiên của tháng 6, sau khi HS lớp 9 kết thúc năm học vào cuối tháng 5. TS sẽ dự thi 3 môn bắt buộc ngữ văn, ngoại ngữ, toán (nếu đăng ký nguyện vọng lớp 10 thường) và môn chuyên, tích hợp (nếu đăng ký nguyện vọng lớp 10 chuyên hoặc lớp 10 tích hợp).

Cũng theo ông Quốc, các môn thi chủ yếu được biên soạn theo hình thức tự luận, riêng ngoại ngữ có kết hợp tự luận và một số câu theo hình thức trắc nghiệm với 4 lựa chọn. TS tham dự kỳ thi trong 2 ngày, thời lượng làm bài thi môn toán và ngữ văn là 120 phút/môn, môn ngoại ngữ là 90 phút, còn môn chuyên, tích hợp là 150 phút/môn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.