Mít hông bà Nam – 25 Hoàng Diệu
|
“Hông” nghĩa là “hấp”. Hạt mít và đậu xanh hấp chín, xay nhuyễn, trộn gia vị, nhồi vào những múi mít và hấp thêm lần nữa, ăn kèm với đậu phộng rang và cơm dừa nạo, rất lạ miệng. Quán mở cửa từ khoảng 8h sáng, đến tầm 3h chiều là hết veo mít hông.
|
|
Mỳ Quảng Cây Mít (bà Láng) – đường Lê Thánh Tông
|
Quán mở được 50 năm nhưng không có địa chỉ rõ ràng, cách định vị chính là tìm đến ngã tư Lê Thánh Tông với Trần Quốc Toản vào sáng sớm, tìm căn nhà với cái bảng nhỏ ghi chữ “mỳ quảng” trên mặt đường Lê Thánh Tông.
Mỳ ở đây có điểm đặc biệt so với những nơi khác chính là sợi mỳ được tráng tay bằng bếp củi, ăn tới đâu tráng tới đó.
|
Bà Láng nói sợi mỳ Quảng nguyên bản có màu trắng, ở đây bà vẫn giữ như vậy, còn sau này, nhiều nơi, họ cho thêm nghệ có màu vàng cho bắt mắt, hấp dẫn người ăn hơn. Sợi mỳ được hấp chín tới, mềm nhưng vẫn giữ được độ dai. Thức ăn kèm vẫn là tôm và thịt, chứ không chế biến thêm nhiều loại nhân khác. Nước dùng có mùi vị thơm ngon lạ kỳ.
|
Cơm gà bà Luận – 707 Phan Châu Trinh
|
Bà Luận – đời thứ hai của quán Cơm Gà Bà Luận, người phụ nữ có làn da sáng rạng rỡ, môi son đỏ tươi dù đã trên 70 tuổi chia sẻ: “Quán của bà đắt hơn mấy quán cơm gà khác, vì nguyên liệu cũng đắt. Bà chọn kỹ lắm, từ gà, đến từng hạt gạo, tép tỏi, cọng rau, cứ phải là loại ngon”.
Có lẽ nhờ giữ được chất lượng không đổi ngần ấy năm nên quán của bà nổi tiếng khắp nơi. Người ta kháo nhau: “Chưa ăn cơm gà bà Luận là chưa đến Tam Kỳ”. Một bữa cơm gà ở quán bà Luận thường có: gà luộc, gà chiên nước mắm, lòng mề xào nghệ, rau xào, canh rau, ăn với cơm dẻo thơm có màu vàng nghệ. Quả thật, so với vài quán cơm gà khác cũng có tiếng ở Tam Kỳ, cơm gà Bà Luận tuy đắt hơn thật nhưng ăn miếng nào ngẩn ngơ miếng đó.
Bánh bèo bà Hai – kiệt 265 Trần Cao Vân
|
|
Bà Hai cẩn thận múc xốt lên từng chén bánh bèo. Khi ăn, khách chan thêm một ít nước mắm mặn lên rồi cùng cái xeo (một thanh dài nhỏ làm bằng tre) khoét vòng quanh miệng chén để xúc lấy bánh, cho vào miệng. Loại nước mắm dùng ăn kèm với bánh bèo của bà Hai phải là nước mắm Tam Thanh mới tôn được vị ngon của món ăn rất mực đơn giản này.
Bánh rôm và bánh chập – góc đường Nguyễn Trường Tộ và Trần Đình Tri
Bánh chập chính là bánh đập, gồm có 1 lớp bánh tráng xốp, giòn tan và một lớp bánh ướt dày “chập” vào nhau. Bánh rôm là một phiên bản khác của bánh chập với lớp bánh ướt cuộn lấy lớp bánh tráng. Ăn kèm với mắm nêm thơm phức. Món này ăn vặt xế chiều rất vui miệng.
|
|
Bánh đúc – 594 Phan Chu Trinh
Bánh đúc Tam Kỳ đặc biệt được làm từ gạo lứt nên có màu đỏ. Bánh có độ đàn hồi, lúc xắn có cảm giác giống như xắn những miếng thạch, cho vào miệng cũng rất mát. Trên mặt bánh rắc một lớp tép giã, hành lá, và đậu phộng. Ăn kèm với mắm nêm có vị mặn và mùi thơm phưng phức.
|
Bình luận (0)