Giản dị mà thành kính
Buổi sáng cuối đông, những con đường làng ở Kim Liên thật đẹp và thanh bình. Sen dưới hồ đã tàn. Nhưng những dãy chè tàu hai bên đường vẫn xanh ngắt. Cách Khu di tích Kim Liên (căn nhà gắn bó với Bác Hồ thuở thiếu thời) chừng 500 mét là một khu vườn rất đẹp, phảng phất mùi thơm của hoa lan rừng. Chủ nhân khu vườn này là ông Vương Hồng Minh (76 tuổi, ở xóm Sen 2).
Sửa soạn bàn thờ Bác Hồ để đón Tết |
Bàn tiếp khách đặt ở sân, bên trên che mái tôn, bên dưới được lát gạch men, rất sạch sẽ, thoáng đãng. Ông Minh nói từ khi cải tạo lại sân vườn, cái sân này trở thành phòng khách. 2 căn nhà trệt cấp 4 một ngang, một dọc tươm tất được ngăn thành phòng ngủ, phòng thờ gia tiên và thờ Bác Hồ. Ông Minh kể chuyện về phong tục thờ ảnh Bác Hồ một cách say sưa khi nghe tôi hỏi chuyện. “Ở xã này, nhà nào cũng thế, đều thờ ảnh Bác vì ai cũng tôn kính Bác”, ông Minh nói.
Ông Minh tham gia kháng chiến rồi xuất ngũ năm 1977. Sau khi lập gia đình, ngoài bàn thờ gia tiên, ông lập bàn thờ riêng để thờ Bác Hồ. Căn nhà dọc, ông Minh thờ gia tiên. Bên trên cái tủ ly bằng gỗ đóng hơn 30 năm trước vẫn còn nguyên vẹn đặt ở căn nhà ngang là bàn thờ Bác Hồ cùng những người thân trong gia đình Bác. Bàn thờ không cầu kỳ, nhưng rất trang trọng. Ông nói sinh thời Bác Hồ sống rất giản dị, cho nên ông nghĩ Bác không muốn bàn thờ cầu kỳ. Ngoài ngày giỗ của Bác vào 21.7 âm lịch hằng năm và ngày tết Nguyên đán, mỗi tháng, vào ngày mùng một và ngày rằm, ông Minh đều thắp hương để tưởng nhớ Bác Hồ. Lễ vật là hoa, trái được ông hái trong vườn nhà. Ngày giỗ Bác và ngày tết Nguyên đán, ông chuẩn bị chu đáo hơn. “Tôi ngưỡng mộ và tôn kính Bác vì Bác rất yêu nước, thương dân”, ông Minh nói.
Du khách thăm căn nhà, nơi gắn bó với thời thơ ấu của Bác Hồ, ở làng Hoàng Trù, quê ngoại của Bác |
KHÁNH HOAN |
Cách quê nội làng Sen chừng 2 km là làng Hoàng Trù (xã Kim Liên), quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Văn Khương (75 tuổi, một cư dân của làng) tỏ ra hào hứng khi nghe tôi hỏi về phong tục thờ ảnh Bác Hồ. Ông Khương là Chi trưởng Chi họ Nguyễn Văn ở vùng này. Ông dẫn tôi lên tầng 2 căn nhà của gia đình, ở đó gian chính được ông bày trí bàn thờ để thờ tổ tiên, kế bên là bàn thờ Bác Hồ. Ông Khương cho biết gia đình ông lập bàn thờ Bác từ năm 1971, 2 năm sau khi Bác qua đời. Thời đó, gia đình ông có căn nhà nhỏ 3 gian. Gian chính thờ tổ tiên, gian kế bên thờ Bác. Sau khi xây được căn nhà 2 gác này, ông bố trí phòng trang trọng nhất để làm nơi thờ phụng tổ tiên và thờ Bác Hồ. Ông nói: “Thờ ảnh Bác đã trở thành phong tục ở đây từ sau khi Bác qua đời, nhà nào cũng thế, dù không phải họ hàng thân thích với Bác. Theo tục lệ ở đây, những người con trưởng thì lập bàn thờ Bác riêng, còn con thứ trở đi thì có thể thờ ảnh Bác chung với bàn thờ gia tiên, tùy không gian của từng nhà. Nhưng dù thế nào thì ảnh Bác phải được treo trang trọng để thể hiện lòng tôn kính”.
Dâng cúng Bác Hồ là hoa quả trong vườn nhà |
Hằng tháng, cứ đến ngày mùng một và ngày rằm, ông Khương đều thắp hương dâng lên bàn thờ. Trong những ngày tết, gia đình ông đều làm mâm cỗ để cúng tổ tiên vào buổi trưa mỗi ngày. Trên bàn thờ Bác Hồ, ông dâng hương cùng với bánh, hoa trái. Ngày giỗ Bác, vợ chồng ông thường làm cỗ xôi và con gà để cúng, tưởng nhớ Bác. “Với Bác, tôi có kỷ niệm rất đáng nhớ khi Bác về thăm quê lần thứ 2 vào ngày 8.12.1961”, ông nói.
Ân cần và gần gũi
Ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2 vào năm 1961, ông Khương mới 13 tuổi. Ông là một trong những thiếu niên được sắp xếp ngồi xung quanh Bác. Ông Khương vẫn nhớ như in lời Bác Hồ hỏi thăm bà con và thiếu niên nhi đồng. Ông kể: “Bác ân cần và rất giản dị, dù đã đi xa hàng chục năm nhưng Bác vẫn nói giọng Nghệ và dùng từ địa phương mô, tê, răng, rứa của quê hương để hỏi han, chuyện trò, khiến chúng tôi rất thích thú”.
Thờ ảnh Bác đã trở thành phong tục ở đây từ sau khi Bác qua đời, nhà nào cũng thế, dù không phải họ hàng thân thích với Bác.
Ông Nguyễn Hồng Trường (79 tuổi, ở xóm Sen 2) từng là bộ đội rồi xuất ngũ về công tác ở bộ phận hành chính của một ngân hàng. Năm 1993, ông xin nghỉ hưu sớm rồi về quê sinh sống. Ông Trường thờ ảnh Bác Hồ ở phòng riêng của ông, nơi có chiếc bàn và tủ sách. Đó là bức ảnh Bác Hồ đang ngồi làm việc ở vườn hoa Phủ Chủ tịch năm 1957. Ông Trường nói, ông rất thích bức ảnh này vì bức ảnh tạo cho ông cảm hứng làm việc và nhận biết giá trị của lao động. Trong nhà ông Trường hiện đang lưu giữ một số bức ảnh về lần gặp Bác Hồ khi Bác về thăm quê. Năm 1961, ông Trường 18 tuổi nhưng trong lý lịch, ông chỉ mới 13 tuổi do khai muộn tuổi vì hồi nhỏ sức khỏe của ông yếu. Lần đó, ông là một trong 2 thanh, thiếu niên được phân công lên tặng hoa cho Bác. Ông kể: “Bác thơm chúng tôi rồi hỏi, có phải hai cháu học giỏi nên được phân công tặng hoa cho Bác không? Các cháu đã học giỏi, chăm ngoan thì phải tiếp tục học tốt và giúp các bạn cùng học giỏi nhé!”.
Ông Nguyễn Hồng Trường và bức ảnh chụp ông tặng hoa Bác Hồ trong lần Bác về thăm quê năm 1961 |
Căn nhà cấp 4 nằm ở làng Sen 2, hàng xóm với ông Trường là của gia đình ông Nguyễn Sinh Ngọc. Căn phòng khách ở giữa, phía trên là bàn thờ Bác Hồ. Ông Ngọc thuộc đời thứ 10 của dòng họ Nguyễn Sinh. Ông lập bàn thờ riêng vì “tôi rất tôn quý Bác, Bác sống giản dị, cả đời hy sinh vì Tổ quốc”. Ông Ngọc mở tủ, lấy ra bức ảnh mới chụp lại di ảnh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi nói tấm ảnh này mới in cách đây ít hôm, do con cháu rước về từ Đồng Tháp, ông chưa kịp đưa lên thờ vì còn phải sửa sang lại bàn thờ. “Không chỉ tôi, ở đây gia đình nào cũng vậy, đều tôn kính và coi Bác như người thân của gia đình mình dù họ không phải là họ hàng thân thích với Bác”, ông Ngọc nói.
Thờ ảnh Bác Hồ đã trở thành một phong tục ở vùng đất này.
Bình luận (0)