Những nẻo đường tranh dân gian đồ thế Việt Nam

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
26/05/2022 06:45 GMT+7

Những bức tranh được dùng làm lễ vật thờ cúng thần linh hoặc người đã mất trong cuốn Tranh dân gian đồ thế VN có muôn hình muôn vẻ.

TS Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ, đã vô cùng vui mừng khi nhìn thấy những bức tranh Kim Hoàng tại Bảo tàng Quai Branly, Pháp. Trên một bức có hình chú lợn đen, và bức còn lại là những đồng tiền đỏ. Đó là những bức tranh đặc biệt. Theo chú thích của bảo tàng, đó là bộ tranh… cúng ông Chuồng bà Chuồng làng tranh Kim Hoàng.

TS Hòa cho biết người dân nước ta sống chủ yếu bằng làm nông nghiệp và thường chăn nuôi nhỏ quy mô hộ gia đình. Các loại gia súc, gia cầm chăn nuôi trong gia đình thường được nuôi trong chuồng. “Vì thế, người ta tin rằng thần Chuồng là ông Chuồng và bà Chuồng, quan niệm về một cặp vợ chồng thần linh thể hiện âm dương giao hòa, giống vật dưới quyền cai quản của ông bà Chuồng mới sinh sôi nảy nở. Khi xuất chuồng, mua lứa mới về, vào mùng 3 tết… hoặc lúc vật nuôi ốm thì cúng”, TS Hòa cho biết.

Những câu chuyện về tín ngưỡng, về tranh dân gian đồ thế như vậy có thể gặp nhiều trong cuốn Tranh dân gian đồ thế Việt Nam do TS Nguyễn Thị Thu Hòa viết (NXB Thế giới phát hành). Cuốn sách kể về những loại tranh khác nhau của Việt Nam được dùng trong các nghi lễ tôn giáo và tín ngưỡng với chức năng là vật phẩm hiến tế những đối tượng được thờ cúng (thần linh hoặc linh hồn của những người đã chết).

Cuốn sách Tranh dân gian đồ thế Việt Nam

TL

Bà Hòa cho biết, hiện nay mọi người thường mặc định khi nói tới tranh dân gian là nói tới tranh giấy của miền Bắc như tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng, tranh thờ người Dao… “Tuy nhiên, ít người để ý đến một dòng tranh dân gian đồ thế thông dụng từ Nam ra Bắc phục vụ các nghi lễ tín ngưỡng chính là tranh đồ thế”, bà Hòa nói.

Trong cuốn sách, bà Hòa kể câu chuyện tranh đồ thế của các miền. Từ đó, bà phân tích những điểm đặc trưng của văn hóa vùng. Ví dụ, cũng như mọi dân tộc trên thế giới, người Việt Nam có tập tục thờ âm hồn. Đó là linh hồn những người chết vô danh, không người thân thích, chết ngoài đường ngoài chợ.

Bà Hòa cũng nói về cách tồn tại trong đời sống của những bộ tranh đồ thế cũng như nhiều vật phẩm cúng tế khác dạng vàng mã. Chẳng hạn, tranh đồ thế của người Dao, người Kinh, người Hoa vẫn đang được đa phần dân chúng sử dụng và có quá trình phát triển theo cùng sự phát triển của xã hội hiện đại. Nhiều bộ vàng mã rất đẹp vẫn đang được sản xuất.

Về phân loại, bà Hòa cho rằng, theo chất liệu và cách làm có thể chia tranh đồ thế làm 3 loại: tranh in từ mộc bản, tranh vẽ tay, tranh cắt giấy và tranh kính. Tuy nhiên, dù thế nào: “Tranh đồ thế vẫn có chức năng nhằm thay thế các đồ thật trong các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo. Lý do dùng tranh đồ thế, đó là đồ thế dễ tìm, dễ làm và rẻ hơn đồ thật”, TS Hòa viết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.