Đó là nội dung trong Báo cáo thị trường tuyển dụng trực tuyến toàn năm 2019 tại Việt Nam do VietnamWorks vừa phát hành. Số liệu thống kê trong báo cáo được phân tích dựa trên hồ sơ ứng tuyển tại VietnamWorks và việc khảo sát các nhà tuyển dụng lẫn ứng viên. Những con số này tiếp tục dự báo về nhu cầu nhân lực năm 2020.
73% vị trí cần ứng viên có kinh nghiệm
Theo thống kê từ VietnamWorks, nhu cầu tuyển dụng trực tuyến trên toàn quốc từ 2015 đến 2019 đã đạt mức tăng trưởng 55% và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Theo đó, trong năm 2019, tỷ lệ đăng tuyển các cấp bậc vị trí “có kinh nghiệm” là cao nhất với 73%, cấp trưởng phòng, quản lý là 17%. Chỉ 7% vị trí việc làm cho sinh viên mới ra trường.
Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search, nhìn nhận: “Top 3 các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất lần lượt là bán hàng, tài chính-đầu tư và hành chính-thư ký. Các ngành này cũng dẫn đầu về số lượng hồ sơ ứng tuyển trong năm 2019. Tuy nhiên có chút khác biệt về thứ tự xếp hạng khi hành chính-thư ký lại dẫn đầu so với số lượng hồ sơ, còn ngành bán hàng dẫn đầu trong số công việc đăng tuyển. Như vậy, khả năng sẽ có sự chênh lệch nhẹ giữa nhu cầu tuyển dụng và nguồn cung lao động ở hai ngành nghề này”.
Nhiều năm qua, TP.HCM và Hà Nội luôn là 2 thành phố dẫn đầu về số lượng công việc đăng tuyển tại VietnamWorks trong nhiều năm liền. Sau đó là những tỉnh thành như Bình Dương, Đà Nẵng...
Tuy nhiên, thao bà Mai, trong một năm trở lại đây, các khu vực kinh tế mới lại tăng trưởng đột biến về nhu cầu tuyển dụng vượt qua các thành phố dẫn đầu ở trên. Theo đó, tỷ lệ tăng trưởng của Bà Rịa-Vũng Tàu là 29%, Đồng Nai 20% và Bắc Ninh 14%. Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và Đà Nẵng cũng trở thành các địa điểm tăng trưởng vượt bậc về số lượng hồ sơ ứng tuyển.
“Cung" chưa gặp "cầu" tại một số ngành
Số liệu của VietnamWorks cũng cho thấy 3 công việc có tốc độ tăng trưởng cao về nhu cầu tuyển dụng là hoạch định-dự án, chăm sóc khách hàng và sản xuất. Nhưng khả năng cao sẽ thiếu hụt lao động ở các ngành chăm sóc khách hàng và sản xuất, vì 2 ngành này không nằm trong top 3 ngành nghề có tốc độ tăng trưởng về nguồn cung lao động.
Bà Phương Mai đánh giá: “Khi so sánh giữa top 3 các ngành tăng trưởng vượt bậc về nguồn cung lao động năm 2019 với top 3 ngành tăng trưởng cao về nhu cầu tuyển dụng 2019, có một số dấu hiệu dư thừa và thiếu hụt nhân lực do chênh lệch cung, cầu. Hiện nay có sự dư thừa nhân lực ở một số ngành nghề như ngân hàng, quảng cáo-khuyến mãi-đối ngoại và thiếu hụt lao động ở các ngành chăm sóc khách hàng, sản xuất. Bên cạnh đó, các ngành công nghệ thông tin, điện-điện tử thuộc top 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2019 nhưng lại không thuộc trong top 10 ngành có nguồn cung lao động cao, nên cũng có khả năng thiếu hụt nhân lực”.
Tuy nhiên, nếu theo dõi xu hướng của dữ liệu trong giai đoạn 5 năm gần đây, ngành pháp lý không đứng đầu về số lượng công việc trên VietnamWorks, nhưng lượng công việc được đăng tuyển lại tăng liên tục và tăng gần gấp 3 lần chỉ trong vòng 5 năm qua, và dự báo nhu cầu nhân lực ngành này sẽ không giảm trong những năm tới. Lượng hồ sơ ứng tuyển ngành pháp lý cũng tăng gần gấp 3 lần.
Bình luận (0)