Ngành nghề nào tăng, giảm nhu cầu tuyển dụng?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
31/03/2020 07:22 GMT+7

Nhiều ngành nghề chịu tác động trực tiếp từ dịch Covid-19 nên hủy các kế hoạch tuyển dụng trước đó trong khi vẫn có những nghề khác lại phát sinh nhu cầu trong giai đoạn này.

Du lịch, nhà hàng khách sạn, giáo dục - đào tạo gặp khó

Bà Trần Lê Thanh Trúc, Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, thông tin: “Trung tâm chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại một số doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, vào thời điểm tháng 2 và 3, tình hình dịch Covid-19 với những diễn biến thay đổi, có 73,6% doanh nghiệp được khảo sát nhận định gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, các ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là chế biến, chế tạo, bán buôn và bán lẻ, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ du lịch, giáo dục - đào tạo, kinh doanh bất động sản...”.
Căn cứ vào dữ liệu từ VietnamWorks.com, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search, cho biết: “Những ngành chịu tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 là sản xuất, du lịch/hàng không, nhà hàng/khách sạn, giáo dục/đào tạo và xuất/nhập khẩu. Hầu hết các doanh nghiệp đã trì hoãn hoặc hủy luôn những kế hoạch tuyển dụng trước đó. Đối với các doanh nghiệp lớn thì dự đoán có khả năng sẽ duy trì bộ máy nhân sự trong vòng 6 tháng, tuy nhiên những doanh nghiệp nhỏ và vừa thì khả năng lớn sẽ phải tạm ngừng hoạt động”.
Bên cạnh đó, bà Phương Mai nhìn nhận một số ngành nghề cũng chịu tác động gián tiếp như dịch vụ chuyên nghiệp, vận tải, ngân hàng, chứng khoán. Vì thế, các ngành này cũng ngưng kế hoạch tuyển dụng và hiện đang trong giai đoạn thăm dò, chờ đợi đến lúc kiểm soát được tình hình dịch bệnh để tái khởi động lại kế hoạch tuyển dụng.

Thương mại điện tử có cơ hội rộng mở

Tuy dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực nhưng bà Nguyễn Phương Mai cho biết vẫn có sự tăng trưởng nhất định ở một số ngành nghề. Trong đó, thương mại điện tử lại có cơ hội rộng mở.
Việc hạn chế những nơi đông người và tăng cường mua sắm trực tuyến khiến các doanh nghiệp chuyển đổi hành vi mua sắm tại điểm bán sang đẩy mạnh phát triển các nền tảng mua sắm online, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến phát triển thương mại điện tử tăng. Ngành tiêu dùng và bán lẻ cũng tăng do người dân có xu hướng và tâm lý mua hàng dự trữ, đặc biệt sản phẩm vệ sinh cá nhân, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm đông lạnh..., dẫn đến nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, bà Trần Lê Thanh Trúc cho hay dự kiến nhu cầu nhân lực trong thời gian tới sẽ tập trung ở các nhóm nghề kinh doanh - thương mại (chủ yếu thương mại điện tử), công nghệ thông tin (lập trình, thiết kế web, thiết kế game online), hành chính - văn phòng, y tế - chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tư vấn - chăm sóc khách hàng (tư vấn trực tuyến); marketing; chế biến lương thực - thực phẩm, dược phẩm, vận tải (dịch vụ giao hàng)...
“Đối với các lĩnh vực, ngành liên quan đến hoạt động dịch vụ, phục vụ nhỏ lẻ trong công nghiệp, thương mại, nông nghiệp (sửa chữa, xây dựng, dịch vụ mùa vụ, vệ sinh môi trường, chế biến…) sẽ có khả năng phát triển theo hướng việc làm ngắn hạn, tạm thời cho những việc làm đang bị cắt giảm ở một số lĩnh vực đang bị tác động bởi dịch bệnh gây ra”, bà Trúc thông tin.
Nhận định thêm về xu hướng tuyển dụng ngành công nghệ thông tin vẫn luôn “nóng” dù xảy ra dịch Covid-19, ông Khúc Trung Kiên, Giám đốc Chương trình đào tạo lập trình viên Fast Track SE, khẳng định: “Thời điểm này, mọi doanh nghiệp, trường học, cá nhân bắt buộc phải chuyển sang sử dụng công nghệ để duy trì hoạt động. Chẳng hạn giáo dục thì phải học trực tuyến, kinh doanh, thương mại thì có mua sắm trực tuyến, các doanh nghiệp cũng cho nhân viên làm việc online... Công nghệ thông tin không phải là xu hướng thời thượng nữa mà nó cần thiết ở ngay thực tại, nó thiết thực trong công việc hằng ngày ở mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực. Vì thế, nhu cầu của nó không bao giờ suy giảm”.
Cắt giảm nhân sự, tái cấu trúc
“Dự đoán trong thời gian tới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đã hoặc chuẩn bị thực hiện cắt giảm nhân sự, tái cấu trúc, hoặc cho nhân viên nghỉ không lương ở nhà. Các doanh nghiệp lớn vẫn duy trì được trong 6 tháng tới, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp thực hiện việc cắt giảm bớt các chính sách phúc lợi, hoặc các ngân sách hoạt động trong năm nay”, bà Nguyễn Phương Mai nhận định.
Bà Thanh Trúc đánh giá các doanh nghiệp lớn sử dụng nhiều lao động vẫn đang cố gắng duy trì hoạt động trong điều kiện còn nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất trong khoảng 2 - 3 tháng. Trong trường hợp phải cắt giảm lao động, hầu hết các doanh nghiệp chọn phương án thỏa thuận với người lao động thực hiện giảm lương, giãn ca hoặc cho nhân viên nghỉ không lương để người lao động có thể quay trở lại làm việc ngay sau khi diễn biến dịch bệnh giảm.
Nằm trong lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp nặng nề nhất, ông Nguyễn Thế Khải, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty du lịch Hoàn Mỹ, thông tin: “Doanh thu công ty chúng tôi sụt giảm đến 95% tính đến thời điểm này. Cụ thể, trước khi có dịch, doanh thu của Hoàn Mỹ đạt bình quân khoảng 25 tỉ đồng/tháng thì bây giờ sụt giảm mạnh chỉ còn khoảng 1 tỉ đồng. Vì mọi hoạt động du lịch đều ngưng trệ, chúng tôi buộc phải cho nghỉ việc 40 nhân viên. Dự kiến, công ty sẽ cho nghỉ tiếp 30 nhân viên nữa trong tháng 4. Toàn bộ tour Mỹ, Canada, châu Âu và Úc - các thị trường trọng điểm của Hoàn Mỹ đều đã bị hủy”. Trong thời gian này, ông Khải cho biết mình bắt tay vào chiến lược tái cấu trúc công ty và tái định vị khách hàng mới để hoạt động trở lại khi dịch bệnh kết thúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.