Hầu hết các quảng cáo đều đánh vào tâm lý cần việc làm của giáo viên trong thời gian này với những lời mời chào như: công việc dễ làm, thu nhập cao, không yêu cầu cọc tiền trước, ai cũng có thể làm được, rảnh lúc nào làm lúc ấy…
Nhưng khi chúng tôi tìm hiểu thì những việc làm này tương tự như kiểu kinh doanh đa cấp chất chứa rất nhiều nguy cơ.
Việc làm tại nhà, có thể kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng!?
Theo dõi các hội, nhóm của giáo viên trên Facebook, nếu như trước đây phần lớn là các bài chia sẻ đến từ giáo viên về kinh nghiệm làm việc, những vui buồn của nghề, những trò chơi giúp học sinh phát triển kỹ năng… thì giờ đây, cứ 15-20 phút lại có một quảng cáo về việc làm tại nhà với nhiều hình thức khác nhau.
“Bạn nào là mẹ bỉm, giáo viên mình có việc làm thêm tại nhà lương từ 7-10 triệu đồng/tháng. Có công thức sẵn chỉ việc làm theo hướng dẫn. Cam kết có tiền ai muốn làm inbox mình”, một lời rao quảng cáo trên Hội giáo viên mầm non.
Tương tự, Facebooker Thanh Nguyễn cũng đăng tuyển người làm với nội dung: “Nghỉ dịch bạn nào muốn kiếm tiền mình chỉ cách, kiếm tối thiểu 8-10 triệu đồng/tháng. Inbox mình gửi tài liệu và và tư vấn. Nghiêm túc nhé”.
Facebooker Mai Hiên thì quảng cáo: "Công ty mình có chương trình mở thẻ khách hàng sử dụng sản phẩm giá gốc, có cơ hội kinh doanh vốn chỉ 500.000 đồng. Bạn nào muốn trải nghiệm sản phẩm giá gốc hoặc muốn tìm sản phẩm để kinh doanh thì inbox cho Hiên nhé. Nhanh tay kẻo mất cơ hội".
Thậm chí, một Facebooker tên Vy Lê có những lời quảng cáo, chào mời cho biết người làm có thể kiếm được “vài trăm triệu mỗi tháng”. Người này giới thiệu, "cô Vy thì mình ngồi tại nhà, chỉ cần một chiếc điện thoại kiếm thêm thu nhập vài triệu một ngày từ online một cách dễ dàng, và thu nhập thụ động có thể lên tới vài trăm triệu mỗi tháng".
Chúng tôi liên hệ với những người này để tìm hiểu thật hư. Chúng tôi liên lạc với Thanh Nguyễn, một người đăng quảng cáo tuyển tìm người, thì Thanh Nguyễn cho biết đang làm việc tại một hệ thống giáo dục trực tuyến. Để tham vào dự án kinh doanh của hệ thống này, theo Thanh Nguyễn, người làm chỉ cần mua một trong 5 gói học trực tuyến của hệ thống.
Trong đó, gói học rẻ nhất của dự án này là 1,2 triệu đồng, những gói khác tùy theo cấp độ lên tới 4,8 triệu đồng, 12 triệu đồng, 24 triệu đồng. Thậm chí gói cao nhất lên tới 48 triệu đồng.
Khi được hỏi, nếu không có nhu cầu học những vẫn muốn tham gia kinh doanh thì Thanh Nguyễn cho biết, để tham gia, người làm bắt buộc phải mua ít nhất một khoá học của hệ thống mới được nhượng quyền kinh doanh. Sau đó, giới thiệu và bán những khoá học này cho người quen, bạn bè để hưởng chiết khấu hoa hồng.
Còn Vy Lê, người quảng cáo việc làm có thể kiếm thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, thì cho chúng tôi biết, cô đang làm việc tại một hệ thống bán hàng “vừa truyền thống vừa online cực kỳ thông minh”.
Để tham gia hệ thống này, bước đầu người làm bắt buộc phải mua một bộ sản phẩm gồm rửa tay, xịt khuẩn để ngăn ngừa virus corona với giá 355.000 đồng.
Vy Lê cho biết chỉ mới tham gia ngày hôm qua nhưng đã kiếm được 174.000 đồng từ hệ thống này. Vy Lê cũng hướng dẫn thêm, khi đã mua bộ sản phẩm rửa tay, xịt khuẩn, người làm sẽ được vào hệ thống sau đó gửi đường dẫn mời những người khác cùng tham gia. Cứ 3 người tham gia thì sẽ được chiết khấu 50.000 đồng.
|
Tương tự, những lời quảng cáo khác dù thông báo “không mất tiền cọc” nhưng để tham gia hệ thống kinh doanh, người làm phải mất một khoản phí nhất định hoặc phải mua những sản phẩm của hệ thống kinh doanh này.
“Không có công việc dễ dàng lại cho thu nhập cao”
Là một trong những thành viên của Hội giáo viên mầm non, cô Thu Trang, một giáo viên mầm non ở Biên Hoà (Đồng Nai) cho biết đã nghỉ việc không lương hai tháng nay nên cô đã lên nhóm tìm hiểu một số công việc để kiếm thêm thu nhập.
“Khi thấy mọi người quảng cáo việc làm tại nhà, mình đã hỏi 4-5 chỗ nhưng nơi nào cũng yêu cầu mua sản phẩm của họ mới được tham gia. Vì không có việc gì làm nên mình đã đánh liều bỏ hơn 500.000 đồng để mua bộ mỹ phẩm của một hệ thống kinh doanh với hy vọng kiếm tiền bằng hình thức kinh doanh này. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, người kia chỉ gửi cho mình mấy đường link hướng dẫn kinh doanh, bảo mình "dụ" thêm bạn bè, người thân tham gia. Mình thấy không ổn nên đã nghỉ, coi như mất tiền ngu”, chị Trang nói.
Chia sẻ về vấn đề việc làm trong thời gian này, ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng - Giám đốc chương trình Dự báo nhân lực (Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế), cho biết hiện có rất nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo ông Tuấn, trong thời gian qua nhiều ngành nghề, trong đó giáo dục là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch, đặc biệt là những người làm trong những cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đây là khó khăn chung, giáo viên có thể tham gia làm thêm nhiều công việc khác để trang trải cuộc sống.
“Còn riêng những lời mời chào bán hàng theo hình thức đa cấp thì lúc nào họ cũng tuyển dụng. Mô hình kinh doanh này cũng có nhu cầu thật sự từ thị trường lao động. Nhưng đây là ngành đã được nhiều nhà nhân lực, doanh nghiệp cũng như những cơ quan truyền thông cảnh báo rằng đây không phải là công việc dễ dàng. Do vậy, khi tham gia những công việc này, nhất là với giáo viên - những người không có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh thì phải cẩn trọng, tìm hiểu kỹ”, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn nói tiếp: “Theo kinh nghiệm của tôi thì cái gì dễ quá lại thường không chắc chắn. Do vậy trong tình huống này thì tôi cho rằng giáo viên nên cố gắng tìm những công việc trong phạm vi mình có thể làm được với thu nhập phù hợp. Những công việc quá tốt, dễ dàng mà lại có thu nhập rất cao thì theo tôi là không có”.
Ông Tuấn cũng nhận định, riêng đối với lĩnh vực giáo dục, nhu cầu về lao động hiện nay gần như đóng băng, tuy nhiên sẽ tăng cao sau dịch Covid-19 nên giáo viên và những người làm trong lĩnh vực này có thể yên tâm về thị trường lao động. “Hiện nay những lĩnh vực như giáo dục, du lịch, thương mại, dịch vụ… là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch, thì sau này, khi dịch được kiểm soát đây sẽ là những ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất”, ông Tuấn nói thêm.
Bình luận (0)