>> Những nghệ sĩ không "sao": Bỏ chồng, không bỏ nghề
|
Có hai cái tên đã không còn xuất hiện nhiều trên báo, nhất là báo mạng nơi dành cho những nhân vật “gây sốt” để thu hút lượng người xem, đó là nghệ sĩ Công Ninh và Thanh Hoàng. Hai cái tên có số phận gắn kết nhau trong một vở diễn và cùng trụ lại ở Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM cho đến hôm nay.
Đạo diễn vở kịch kỷ lục
Cái tên Công Ninh được khán giả yêu mến từ phim Cha con đậu đũa, trước khi anh được biết đến với vai trò đạo diễn vở Dạ cổ hoài lang trên sân khấu thể nghiệm Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ - vở kịch đã đạt kỷ lục hơn 1.000 suất diễn.
Sống một mình trong con hẻm nhỏ ở quận 1 - TPHCM, buổi sáng anh dậy thật sớm, đó là thói quen, dù anh phải thức khuya tranh thủ chuốt lại bài thi tốt nghiệp cho các sinh viên đang học mà anh là chủ nhiệm Khoa Diễn viên Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM. Với chiếc xe máy cũ kỹ, anh rời khỏi căn nhà bề bộn của mình, lẫn rất nhanh vào đám đông náo nhiệt trên đường phố. Và cứ thế, công việc mỗi ngày của anh diễn ra: chạy sô, đi dạy, tập kịch, đóng phim... Chưa bao giờ tên anh được đặt đầu trên băng rôn của một vở kịch, bộ phim. Khái niệm “ngôi sao” đối với anh lại càng xa vời, dù tư thế của anh là một đạo diễn có tác phẩm được đánh giá là đỉnh cao của sân khấu tại TPHCM nhưng “mãi mãi tôi vẫn là tôi, giản dị với công việc hằng ngày của mình thế là đủ” - anh nói.
Năm 17 tuổi, Công Ninh thi vào trung cấp sân khấu Trường Nghệ thuật Sân khấu II, tốt nghiệp rồi anh tìm được cử đi học đạo diễn ở Nga 5 năm. Học xong về nước rồi... thất nghiệp. Năm 1990, anh tìm được một chân trợ giảng của trường sân khấu. Lương không nhiều, đến nỗi không mua nổi chiếc xe đạp tử tế để chạy. “Không ai cần đến tôi. Không ai tin tôi. Người ta cần một đạo diễn nổi tiếng để bán vé. Tôi bơ vơ, tuyệt vọng. Mỗi ngày chỉ ăn cơm 2.000 đồng/phần. Khi ấy, đạo diễn được trả lương dựng vở là 6 triệu đồng. Còn tôi, dựng vở diễn đầu tiên cho Đoàn Kịch Trẻ được trả 600.000 đồng. Vậy mà mừng rơi nước mắt. Tôi không chỉ năn nỉ diễn viên đến tập đúng giờ mà còn phải tham gia dọn dẹp sân khấu, làm thiết kế, hậu đài, chọn nhạc cho vở diễn. Phải đến năm 1995, dựng vở Dạ cổ hoài lang, tôi mới được ghi nhận là một trong những đạo diễn trẻ nhiều triển vọng trên sân khấu kịch TP. Nhưng rồi niềm hãnh diện đó kéo dài không lâu. Vì sân khấu như người phụ nữ đẹp khó tính mà không phải ai cũng đủ sức để nuông chiều. Không tìm được vở dựng, tôi đành chuyển sang đóng phim, diễn kịch với các vai phụ. Vai phụ cho tôi nhiều bài học quý” - Công Ninh nhớ lại.
Phim nào có Công Ninh thì đạo diễn yên tâm vì anh nhạy bén với nhân vật. Anh nghiêm khắc với chính mình nên tập dần thái độ làm việc đúng giờ cho các diễn viên. Với vở diễn, anh chăm chút, tỉ mỉ, không để quá nhiều lỗi chính tả. Anh chia sẻ: “Lòng tự trọng của nghề quý lắm. Làm ẩu, đến khi anh em lồng tiếng, nhìn thấy họ cười cho. Tự trọng là như vậy, làm nghề càng phải nghiêm túc, chứ đợi đến khán giả biết mình ẩu là tiêu đời”.
Vì khó tính với chính mình nên Công Ninh không chấp nhận chuyện nhận bừa vai diễn. Hiện nay, anh chỉ diễn mỗi tuần một suất tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM, một tuần hết 3 buổi lên giảng đường, thời gian còn lại là đi đóng phim truyền hình. “Khán giả quen nhìn tôi với những vai khắc khổ, nhất là vai lính. Nhưng tôi lại thích vai diễn nhiều tính cách khác nhau, ngại lặp lại nên từ chối nhiều. Mình không là “sao” nhưng mình cố gắng đừng bị tắt dù là ánh sáng đèn” - anh chia sẻ.
Ngày 22-4 vừa qua, Công Ninh đã chấm dứt đời sống độc thân, lên xe hoa với một nữ diễn viên trẻ Tuyết Vân – vừa đầu quân về Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM. Điều làm cho mọi người xúc động là buổi trưa rước dâu thì buổi tối, cả hai lại xuất hiện trong vở Đảo thiên đường. Tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, nói: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ, miệt mài với sàn diễn như Công Ninh là một tấm gương cho các diễn viên trẻ. Thật đáng quý”.
Tác giả của vở kịch kỷ lục
Khác với Công Ninh, nghệ sĩ Thanh Hoàng đến với sân khấu rất tình cờ. Vốn là một anh thợ hồ đến sửa chữa tại Trường Nghệ thuật Sân khấu II đang lúc trường tuyển sinh, thế là người bạn làm chung rủ anh đi thi thử. Chẳng ngờ, người bạn cùng thi bị rớt, còn anh thì đậu. Ngày ra trường, được mời vào Đài Truyền hình TPHCM quay một vai diễn đầu đời. Nhà thơ Phan Vũ khi ấy là đạo diễn đã góp ý: “Cái tên Hồ Kim Hoàng nghe giống con gái, để bố đặt tên cho mày là Thanh Hoàng nhé”. Thế là gần 30 năm qua, sân khấu và truyền hình TP đã có một nghệ sĩ Thanh Hoàng, mà ở vị trí nào anh cũng tỏa sáng: Tác giả vở Dạ cổ hoài lang, đóng hàng trăm vai từ phim đến kịch và còn là giám đốc của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM. “Bước đường vào nghề của tôi cực nhọc và khó khăn lắm. Chính quãng đường đó là vốn quý cho tôi hôm nay” - Thanh Hoàng chia sẻ.
|
Mỗi một vai kịch nghệ sĩ Thanh Hoàng được nhận, chính anh là người nghiêm túc tự vấn về cách diễn, cách tư duy nhân vật, rồi sau đó mới lên sàn tập. Biết bao ê kíp thay đổi trong vở Dạ cổ hoài lang nhưng vì kịch bản của anh nên hễ ai thoại sai là anh nhắc ngay để điều chỉnh. Mới đây trong vở Tốt, xấu, giả, thật, vai nhà khoa học nghiên cứu thuốc hoàn hảo cho cuộc sống của anh đã làm khán giả thích thú. Với anh, vai diễn lúc nào cũng phải mới, phải hấp dẫn, dù đó là vai phụ.
Thanh Hoàng cùng Công Ninh là hai diễn viên gạo cội, đứng vai trò diễn viên dàn bao cho lớp diễn viên trẻ tung hoành trên sân khấu Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ hiện nay. Có họ - những bậc thầy về diễn xuất - lớp trẻ được chỉ dẫn, học hỏi những kinh nghiệm trong nghề. Họ là chỗ dựa tin cậy cho lớp diễn viên trẻ nơi đây.
Nghệ sĩ Công Ninh cùng nghệ sĩ Thanh Hoàng vừa nhận danh hiệu NSƯT của Nhà nước phong tặng trong đợt này. Đây là thành quả xứng đáng từ những đóng góp của họ cho sân khấu.
Theo Người Lao Động
>> Bạc tóc làm áo dài bằng tóc
>> Ấn tượng trắng tinh khôi của nghệ sĩ
>> MC Phan Anh: Không ôm mộng thành sao
>> Queen Latifah từng bị xâm hại tình dục
>> Nhớ mãi một Hiền "cá sấu
>> Hải Yến học sản xuất phim
>> Uyên Linh 22 tuổi đã muộn?
Bình luận (0)