Những nghi vấn liên quan đến bột ngọt

03/03/2014 03:15 GMT+7

Bột ngọt không phải là một gia vị xa lạ trong góc bếp của bất kỳ gia đình nào. Món ăn mà không có bột ngọt thì dù có nêm bao nhiêu lần cũng cảm thấy thiếu một cái gì đó không trọn vẹn. Bột ngọt được ưu ái là vậy, thế nhưng, nhiều người nội trợ vẫn còn tâm lý lo lắng khi sử dụng gia vị này.

Những nghi vấn liên quan đến bột ngọt

Ảnh:T.T

Bột ngọt là gì ?

Nếu tinh tế một tí, chúng ta sẽ nhận ra rằng, vị của bột ngọt giống với vị ngọt đặc trưng của nhiều thực phẩm tự nhiên như nấm, cà chua, nghêu, tôm… hay dễ nhận thấy hơn là vị ngọt thịt của nước dùng nấu từ xương thịt. Nguồn gốc của vị này được cho là do glutamate - một loại a xít amin cấu thành nên chất đạm - tạo ra. Đây là khám phá của giáo sư người Nhật năm 1908 và ông đã đặt tên cho vị ngọt đặc trưng đó là vị umami. Đến năm 1909, bột ngọt ra đời với thành phần chính là glutamate và được xem là gia vị umami.

Bột ngọt có an toàn ?

Là một gia vị có lịch sử hàng trăm năm và thông dụng khắp thế giới, bột ngọt đã được đánh giá bởi nhiều tổ chức y tế sức khỏe hàng đầu trên thế giới. Những tài liệu khoa học của các tổ chức như Tổ chức Y tế thế giới, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ,… đều xác nhận tính an toàn của bột ngọt và không đưa ra bất kỳ giới hạn nào cho liều lượng sử dụng hằng ngày. Tại Việt Nam, bên cạnh muối, tiêu, đường thì bột ngọt cũng nằm trong danh mục các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, mối liên quan giữa việc sử dụng bột ngọt với các cảm giác khó chịu, chóng mặt, mỏi gáy… khi ăn bún, phở tại các hàng quán bên ngoài và cho rằng bột ngọt là tác nhân gây dị ứng. Sau nhiều nghiên cứu, Tổ chức Y tế thế giới đã bác bỏ kết luận này. Ngoài ra, bột ngọt không nằm trong danh sách các thực phẩm gây dị ứng của Codex - Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế. Tuy nhiên, không loại trừ các triệu chứng kể trên có thể xuất phát từ việc dùng bột ngọt không rõ nguồn gốc hoặc do cơ địa hay thậm chí là do yếu tố tâm lý.

Nêm nếm bột ngọt như thế nào ?

Nhiều người lo lắng khi nêm bột ngọt lúc nhiệt cao thì bột ngọt sẽ biến thành chất ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho rằng, tại nhiệt độ nấu ăn thông thường, bột ngọt vẫn có tác dụng điều vị và an toàn cho sức khỏe. Do đó, khi nêm nếm, tùy theo từng món ăn, chúng ta có thể nêm bột ngọt trước hoặc sau khi tắt bếp để món ăn đạt được vị ngon phù hợp với khẩu vị của từng người.

Thanh Tạo

>> Bột ngọt có sử dụng được cho trẻ em?
>> Bột ngọt có phải chất gây dị ứng?
>> Bột ngọt, dùng bao nhiêu là vừa?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.