Những ngọn núi thiêng: Chư Mom Ray - câu chuyện cảm động về tình chị em

21/09/2024 06:38 GMT+7

Là một trong những ngọn núi cao nhất ở Kon Tum, quá trình hình thành Chư Mom Ray được người dân bản địa lý giải bằng câu chuyện cảm động, đầy nước mắt về tình chị em.

OAN TÌNH CỦA ĐÁ

Cách TP.Kon Tum (Kon Tum) 30 km về hướng tây, núi Chư Mom Ray sừng sững như cột chống trời. Với độ cao gần 1.800 m, đây được xem là biểu tượng của huyện biên giới Sa Thầy. Với người dân địa phương, Chư Mom Ray là ngọn núi linh thiêng, gắn với nhiều truyền thuyết kỳ bí, huyền ảo.

Theo cụ A Xứp, già làng Bar Gốc (xã Sa Sơn, H.Sa Thầy), từ ngàn xưa, tổ tiên người Jrai đã ở dưới chân núi Chư Mom Ray. Theo tiếng Jrai, Chư có nghĩa là núi, còn Mom Ray có nghĩa là thổ cẩm. Ngọn núi còn có tên gọi khác là Chư Nang Pray. Ngoài Chư là núi, thì Nang Pray là tên gọi của loài cây dùng làm sợi dệt vải.

Những ngọn núi thiêng: Chư Mom Ray - câu chuyện cảm động về tình chị em- Ảnh 1.

Núi Chư Mom Ray là biểu tượng của huyện biên giới Sa Thầy

Ảnh: Phan Tuấn

Truyền thuyết kể rằng xưa kia ở ngôi làng nọ, có hai chị em gái mồ côi cha mẹ, sống rất mực yêu thương, đùm bọc nhau. Đến một ngày, dân làng sắp tổ chức lễ hội, vì nhà nghèo chẳng có gì đáng giá, người chị lên rừng tìm đồ ăn để đóng góp hội làng, còn người em ở nhà dệt vải. Trước khi đi, chị dặn em trông chừng mớ sợi vải đang phơi trên hàng rào. Khi chị đi rồi, vì mải dệt, người em không để ý thấy một con bò rừng đi ngang qua đã ăn mất mớ sợi.

Đi rừng về, người chị không thấy sợi vải đâu nên hỏi em. Người em một mực khẳng định không biết số sợi vải đã biến đâu mất. Tìm kiếm mãi không thấy sợi, chị nghi ngờ em lấy sợi của mình để dệt. Người chị tức giận quát đuổi em ra khỏi nhà. Không thể nói hết nỗi oan ức, người em đi một mạch vào rừng sâu.

Cô cứ đi mãi, đi mãi… Khi đến một ngọn đồi cao, đôi chân mỏi mệt chẳng thể bước tiếp, cô liền gục xuống. Nước mắt rơi lã chã, em gái vẫn không thôi lẩm nhẩm: "Chị ơi, em không lấy sợi của chị đâu". Trước nỗi oan khó giải, cô em gái hóa thành đá núi.

Ngày hội làng năm đó, trai làng săn được con bò rừng to và đem ra tế lễ. Nghi lễ hiến tế đã xong, trai làng moi trong ruột bò ra mớ sợi vải. Nhận ra số sợi vải do chính tay mình làm ra, người chị mới vỡ lẽ, òa lên khóc vì đã trách lầm em gái. Chẳng đợi hội làng kết thúc, người chị ôm gương mặt đầy nước mắt chạy vội về cánh rừng, lần theo dấu chân em.

Những ngọn núi thiêng: Chư Mom Ray - câu chuyện cảm động về tình chị em- Ảnh 2.

Trên hành trình leo núi Chư Mom Ray, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác khỉ

Ảnh: Xuân Thủy

Người chị đi mãi, đi mãi cho đến ngọn đồi cao, cũng là lúc cô đuối sức. Gục lên trên phiến đá, người chị nghe có tiếng nói vọng ra: "Chị ơi, em không lấy sợi của chị đâu". Biết đây là em gái, chị gục xuống ôm lấy phiến đá: "Chị biết rồi, em tha lỗi cho chị". Nước mắt ân hận mãi lăn dài trên má, người chị nằm đó ôm lấy phiến đá và tự trách mình suốt nhiều ngày cho đến khi hóa thành phiến đá thứ hai.

Chim, thú truyền tai nhau câu chuyện cảm động của hai chị em. Ngày ngày, muông thú cùng nhau đắp đất lên 2 phiến đá làm mộ. Lâu dần, 2 phiến đá được đắp cao lên, sừng sững và trở thành ngọn núi. Không chỉ đắp đất, muông thú còn đem hạt cây Nang Pray về gieo quanh ngọn núi để nhắc nhớ câu chuyện cảm động từ bó sợi dệt vải ngày nào. Cũng vì nguyên nhân ấy mà ngọn núi này được người Jrai đặt cho cái tên Chư Nang Pray hay Chư Mom Ray - núi thổ cẩm.

"Từ câu chuyện này, cha ông người Jrai mong rằng con cháu sau này sẽ đoàn kết, không bao giờ nghi kỵ lẫn nhau. Bởi nghi ngờ, hiềm khích chỉ mang đến những kết cục đau lòng", già Xứp nói.

Những ngọn núi thiêng: Chư Mom Ray - câu chuyện cảm động về tình chị em- Ảnh 3.

Động vật hoang dã được bảo vệ tại VQG Chư Mom Ray

Ảnh: Xuân Thủy

Những ngọn núi thiêng: Chư Mom Ray - câu chuyện cảm động về tình chị em- Ảnh 4.

Hệ sinh thái rừng bằng lăng tại VQG Chư Mom Ray đẹp hút hồn mùa thay lá

Ảnh: Xuân Thủy

ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG DU LỊCH

Ngày nay, núi Chư Mom Ray nằm tại tiểu khu 601, 605 và tiểu khu 595 của Vườn quốc gia (VQG) Chư Mom Ray. Để chinh phục ngọn núi linh thiêng, khách du lịch phải đi mất nửa ngày mới có thể đặt chân lên đỉnh núi. Hành trình leo núi đi qua các vùng sinh cảnh hấp dẫn. Tham gia hành trình, du khách sẽ đi qua các thác nước đẹp lộng lẫy, những con suối chảy róc rách, thơ mộng. Vượt qua cảnh quan như chốn bồng lai ấy, khách được thả bước trong các khu rừng nguyên sinh, rồi luồn lách dưới tán rừng lồ ô thẳng tắp như những nấc thang lên trời.

Tiếp tục đi lên cao hơn, nơi đỉnh Chư Mom Ray, du khách được chiêm ngưỡng toàn cảnh H.Sa Thầy với những làng mạc bình dị, tiếp đến là 2 lòng hồ thủy điện Yaly, Plei Krông như những mảnh gương bạc phản chiếu ánh mặt trời. Và xa hơn nữa là một phần đồng bằng của phố núi Kon Tum với những cánh đồng mượt như nhung trải dài đến ngút ngàn. Ngoài việc thử thách chinh phục đỉnh núi cao, ngất ngây trước các thác nước, khách tham quan sẽ có dịp đắm mình trong sự đa dạng sinh vật trong những cánh rừng của VQG Chư Mom Ray.

Theo ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc BQL VQG Chư Mom Ray, hiện đã có đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong VQG Chư Mom Ray. Vườn có hệ thực vật rừng phong phú, đa dạng về số loài và trạng thái với khoảng 1.534 loài. Trong đó có 113 loài quý hiếm thuộc họ phong lan, ngành hạt trần, các loài họ dầu, lớp tuế, kim giao, thông tre… Hệ động vật có 718 loài với 115 loài động vật có vú, 275 loài chim, 41 loài bò sát, lưỡng cư, 108 loài cá nước ngọt, 179 loài côn trùng. Trong đó có 124 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ VN và thế giới như vượn đen má hung, bò tót, hổ Đông Dương…

Không chỉ vậy, VQG Chư Mom Ray còn có 15 điểm và 6 tuyến có thể phát triển du lịch. Trong đó có nhiều điểm du lịch, nổi bật như: bãi đá có dấu chân nai hóa thạch, hệ sinh thái rừng khộp, thác nàng tiên, thác vua cha hay những đồng cỏ với bãi thú hoang... (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.