"CON Ở ĐỒN, BỘ ĐỘI PHẢI LO"
Những ngày này, "bữa cơm lính" của Đồn biên phòng Cồn Roàng và Đồn biên phòng Cà Roòng (cùng thuộc xã vùng cao Thượng Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình) có thêm vài cặp bát đũa, do các "con nuôi" đã trở lại đồn sau thời gian nghỉ hè. Tiếng cười nói của bọn trẻ cũng rộn vang ở những khoảnh sân trong khu vực đồn…
Trung tá Nguyễn Khánh Toàn, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Cồn Roàng (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình) cho biết từ năm 2016, đơn vị nhận nuôi và đỡ đầu 5 "đứa con", trong đó có 2 cháu vừa tốt nghiệp THCS được đồn hướng dẫn nộp hồ sơ để theo học Trường trung cấp Luật Bắc Trung bộ đóng ở TP.Đồng Hới. "Hiện vẫn còn 3 cháu được đồn bao nuôi, vừa trở lại đồn. Chúng tôi đang dành nhiều sự quan tâm cho các cháu. Anh em nói vui với nhau rằng con cái ở nhà thì đã có vợ lo, còn mấy cháu này bộ đội không lo thì… ai lo?", trung tá Toàn chia sẻ.
Thiếu tá Trương Tấn Hợp, thuộc Tổ công tác biên phòng bản Cà Roòng 2 (Đồn biên phòng Cồn Roàng), một mình phải lo cho 2 "đứa con" là Đinh Vạn và Đinh Sát (cùng học lớp 8, trú ở bản Cóc, xã Thượng Trạch). Suốt 2 năm qua, thiếu tá Hợp còn hơn cả người cha của Vạn và Sát bởi anh vừa lo cơm nước, vừa lo chuyện học hành, vừa dạy bảo chúng điều hay lẽ phải. Nhiều người đùa anh là "gà trống nuôi 2 con". "Ngoài lúc thực hiện nhiệm vụ bám, nắm địa bàn, thời gian còn lại của tôi hầu như dành cho 2 đứa nhỏ. Ăn uống, ngủ nghỉ, nhắc nhở học tập…, tôi lo cho 2 đứa như lo cho chính con trai của mình", thiếu tá Hợp nói.
‘Con nuôi biên phòng’ bước vào năm học mới_1
Cũng theo thiếu tá Hợp, để đưa tụi nhỏ trở lại trường, Đồn biên phòng tặng gia đình các cháu 10 kg gạo và sắm sanh đủ thứ để các em không thua thiệt bạn bè. "Phòng nghỉ của các cháu đã thơm tho mùi chiếu mới, góc học tập sáng choang đèn điện. Áo trắng tinh tươm và đồ dùng học tập, sách vở cũng đã đặt sẵn ở đó cho tụi nhỏ. Chúng nó chỉ việc… học, còn lại đã có đồn lo", thiếu tá Hợp nói.
Dù là sĩ quan trẻ, chưa lập gia đình nhưng thiếu úy Hoàng Trung Tâm, cán bộ Đồn biên phòng Cà Roòng, được chỉ huy phân công chăm lo trực tiếp cho em Đinh Quốc Hoàn (học sinh lớp 5), "con nuôi" duy nhất hiện đang sinh sống ở trong đồn. "Tôi xem cháu như em, như con của mình. Hết sức, hết lòng giúp đỡ cháu trong quá trình học tập, rèn luyện đạo đức, để sau này lớn lên cháu trở thành người có ích cho xã hội", thiếu úy Tâm nói.
Chính vì vậy, khi Hoàn mới trở lại đồn được mấy hôm đã "bị" thiếu úy Tâm đưa ngay vào bàn học, để ôn lại bài cũ. Tiếng ê a của Hoàn khiến cho khu ngủ nghỉ tập thể của bộ đội thêm rộn ràng…
THẮP SÁNG NHIỀU ƯỚC MƠ VƯỢT NÚI
Cảm nhận được tình thương yêu của các chú bộ đội, những "con nuôi biên phòng" cũng cố gắng rèn luyện, học tập và dần có những ước mơ cho riêng mình.
Đinh Vạn, người dân tộc Ma Coong, học sinh lớp 8, "con nuôi biên phòng" ở tổ công tác biên phòng bản Cà Roòng 2, có nhà ở bản Cóc, cách trường học gần chục cây số. Hai năm nay, em chuyển ra sống với các chú bộ đội, ăn cơm theo kẻng, ngủ giường cá nhân. Đầu năm học mới, Vạn cuốc bộ từ nhà ra với các chú bộ đội mà không cần chuẩn bị bất cứ thứ gì, vì các chú bộ đội lo hết rồi. "Cháu rất hạnh phúc khi là con nuôi của đồn. Cháu được chú bộ đội cho cái ăn cái mặc. Cháu sẽ cố gắng học thật giỏi", Vạn nói.
Bạn chung phòng của Vạn là Đinh Sát (cũng học lớp 8) thậm chí còn nghĩ đến tương lai sẽ học thật tốt để sau này làm giáo viên, quay về bản dạy học cho đàn em. Còn Đinh Quốc Hoàn, "con nuôi" của Đồn biên phòng Cà Roòng, may mắn hơn khi sống trong đồn, nhận được nhiều yêu thương từ các chú bộ đội nên thành tích học tập mấy năm qua luôn rất tốt.
Ở Đồn biên phòng Cà Roòng, nuôi con người Việt chưa đủ, cán bộ chiến sĩ còn quyên góp để nuôi con em người Lào: Lệc Láy (13 tuổi) và Thạo Cọi (15 tuổi, cùng sống ở cụm bản Noọng Ma, H.Bua La Pha, tỉnh Khăm Muồn). Hai em đều có hoàn cảnh khó khăn. "Những ngày lễ tết hay hội hè gì của đồn, của địa phương, chúng tôi đều cho người đón các em từ Lào về chơi. Khi anh em đi công tác, tuần biên cũng thường ghé nhà thăm, động viên các em học tập, rèn luyện", thượng tá Phạm Minh Dũng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cà Roòng, nói.
Trong năm học 2024 - 2025, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình có 21 đứa "con nuôi" sống trong đồn và 77 cháu được đỡ đầu, trong đó có 14 cháu người Lào. Trước thềm năm học mới, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị tổ chức gặp mặt, tặng quà, chuẩn bị vật chất cho các cháu kịp tham gia tựu trường.
Bình luận (0)