Những người Việt ở nước ngoài may mắn được về nước ăn Tết ‘năm Covid’: Cảm ơn trái tim!

12/02/2021 08:15 GMT+7

Khi dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đường bay quốc tế chưa mở lại, hàng vạn công dân VN đã được Bộ Ngoại giao sắp xếp chuyến bay về nước. Cũng nhờ vậy, họ được ăn Tết năm đặc biệt bên gia đình.

Từ những chuyến bay đặc biệt giải cứu công dân ở vùng tâm dịch, đến những chuyến bay thương mại đặc biệt do Đại sứ quán (ĐSQ) VN ở các nước sắp xếp, hàng vạn công dân Việt được trở về nước an toàn. Cảm giác chờ đợi mỏi mòn không biết ngày về, nhưng rồi được đặt chân xuống đất mẹ, được đón năm mới bên cạnh người thân của mình với họ cứ ngỡ như một giấc mơ.

Sáng mùng 1 Tết: Không có ca mắc Covid-19 mới, hơn 129.900 người đang cách ly chống dịch

Năm không thể quên

Những ngày này, vợ chồng chị Nguyễn Thanh Hương (29 tuổi, quê Hải Dương) lại cảm thấy thật ấm áp bên cạnh 2 con nhỏ. Trước đó, vợ chồng chị sang Nhật theo diện du học sinh, thời gian đầu vừa học vừa làm thu nhập thấp, lại thêm áp lực nợ nần từ vay mượn lo chi phí xuất ngoại nên chị bỏ ra ngoài làm, còn chồng tiếp tục theo học. Sau 1 năm trả hết nợ, vợ chồng chị bắt đầu tích cóp được chút đỉnh lo cho cuộc sống sau này.
Rồi dịch bất ngờ bùng phát ở Nhật, chị mất việc, đúng lúc chị đang mang thai nên tâm trạng càng bất ổn. Chị xúc động kể lại: “Tôi bị nghén nặng, việc làm thì không có, dịch cũng không thể ra ngoài được nên suốt ngày thấy buồn, mệt mỏi. Tiền tiết kiệm của hai vợ chồng cũng gần cạn kiệt, các chuyến bay đều hủy hết nên không thể mua vé về. Tôi từng nghĩ không biết tới Tết có được về quê hay không. Cứ mỗi lần thấy có chuyến bay giải cứu mà chưa có tên mình là tôi tủi thân rồi khóc”.

Ngày dịch vừa bùng phát, các chuyến bay bất ngờ bị hủy nhiều người Việt tại Nhật hoang mang

Ảnh: CTV

Tháng 6, nhận email của ĐSQ VN tại NB, chị vừa mừng vừa lo vì biết mình thuộc diện vi phạm luật xuất nhập cảnh của Nhật, sợ bị rắc rối trong thủ tục không thể về nước. Nhưng rồi mọi chuyện cũng được giải quyết xong xuôi, cầm tấm vé trên tay, ôm bụng bầu, chị Hương rưng rưng xúc động. Lúc ấy chị mới dám gọi điện thoại về thông báo cho gia đình. May mắn hơn, 1 tháng sau, chồng chị cũng được ĐSQ hỗ trợ về nước, vừa kịp thời gian đưa chị vào viện sinh em bé.
“Tết sắp đến, tôi chắc chắn sẽ có một cái Tết ấm áp bên gia đình, trong khi đó đường bay quốc tế vẫn chưa mở lại, vẫn còn nhiều người mắc kẹt ở nơi đất khách. Trải qua những chuyện chẳng ai mong muốn khi mắc kẹt ở quốc gia khác không về đc, tôi cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều người vì đã được về nước, kịp sinh con bên cạnh gia đình, có ông bà phụ chăm sóc. Năm qua là một năm quá nhiều cảm xúc”, chị Hương chia sẻ.

Vợ chồng chị Hương hạnh phúc vì được về nước đoàn tụ cùng con trai và vừa kịp sinh em bé thứ hai ở VN

Hành trình trong năm 2019 của chị Phạm Thị Kiều Trinh (32 tuổi, quê Bà Rịa – Vũng Tàu) – mẹ đơn thân của 2 con nhỏ cũng là một dấu ấn không thể quên trong cuộc đời. Ngày nhỏ, cha mẹ ly hôn, chị Trinh sống cùng cha tại quê nhà. Cha chị bị tàn tật hai chân phải ngồi xe lăn, chật vật xoay xở mới nuôi nấng và lo cho chị ăn học được đến nơi đến chốn.
Vừa mới lớn, tin tưởng vào các lời hứa hẹn mật ngọt trong tình yêu, chị Trinh mang thai đứa con đầu tiên nhưng bạn trai không nhận, cắt đứt liên lạc. Một mình nuôi con, vài năm sau, tìm được một người hứa cùng san sẻ mọi âu lo trong cuộc sống, chị lại tiếp tục mang thai. Khi chị báo tin, người này cũng thầm lặng tuyệt giao mọi thông tin.

Nhiều người Việt kẹt ở Malaysia phải xin gạo hỗ trợ trong khi mất việc vì dịch

Ảnh: Mary

"Tôi không có gì trong tay nên chỉ biết liều mà thôi, nhưng tôi đã phải trả giá đắt bằng 4 tháng trời lưu lạc, sống cuộc sống khổ cực, nhiều bữa mì tôm sống không có mà ăn. Vì vậy, tôi không biết dùng từ nào diễn tả sự biết ơn của mình”.

Chị Phạm Kiều Trinh

Không đành bỏ con, chị một mình vừa làm việc để chăm lo cho hai con của mình. Đến nay, một bé được 6 tuổi và một bé gần 1 tuổi.
Chị Trinh tâm sự: “Sinh xong con thứ hai, tôi bị áp lực đủ chuyện, tiền nhà trẻ, tiền sữa, tiền bỉm, tiền ăn, một tay tôi tự lo hết. Làm công nhân không thể nào đủ được chi tiêu, tôi được giới thiệu sang Singapore tìm việc làm. Tôi nghĩ ráng một lần rồi về có vốn làm ăn, lo cho con nên đánh liều đi vào tháng 1.2020. Công việc không như ý, tôi lại liều mình sang Malaysia làm lao động bất hợp pháp kiếm ít vốn nhưng rồi dịch bùng phát, không có việc mà cũng không có tiền ăn uống, sinh hoạt”.
2 tháng trời bị kẹt ở Malaysia, chị Trinh may mắn được một người gốc Việt hỗ trợ nơi ở, thức ăn qua ngày. Lúc ấy, hai con ở quê chị đành gửi cho một người giữ trẻ. Nhớ con, từng cuộc gọi video với con mỗi ngày càng thêm cào xé vào nỗi nhớ của chị.
Tháng 5.2020, với sự hỗ trợ của ĐSQ VN tại Malaysia, chị nhận thông báo hỗ trợ về nước mà cứ ngỡ đang là mơ. Chị bộc bạch: “Tôi không có gì trong tay nên chỉ biết liều mà thôi, nhưng tôi đã phải trả giá đắt bằng 4 tháng trời lưu lạc, sống cuộc sống khổ cực, nhiều bữa mì tôm sống không có mà ăn. Vì vậy, tôi không biết dùng từ nào diễn tả sự biết ơn của mình”.

Báo Thanh Niên làm cầu nối

Những ngày cuối tháng 4, anh Lê Tiến Dũng (23 tuổi, quê Thanh Hóa), lúc ấy đang ở tỉnh Saitama, Nhật Bản (NB) nhắn với Báo Thanh Niên: “Mong anh chị cứu em với, em bệnh nặng, đang sụt ký nhiều mà không thể xin được suất về nước”. Khi ấy, mỗi tháng từ Nhật chỉ có 2 chuyến bay đưa công dân về nước và đSQ VN tại NB chọn người về dựa trên danh sách hàng chục ngàn người đăng ký.
Anh Dũng sang Nhật theo diện visa du học sinh, nhưng ra ngoài làm từ tháng 12.2019. Vì mắc viêm gan B, men gan tăng nên anh thường xuyên bị nổi mẩn đỏ, mệt mỏi, sốt, không ngủ được và sút nhiều ký đến mức “nhìn như cậu học sinh cấp 2”.

Anh Lê Tiến Dũng trên chuyến bay về nước được ĐSQ hỗ trợ

Ảnh: NVCC

"Trước đó, tôi cứ nghĩ không biết mình còn phải ở lại đến năm nào, nhiều đêm tôi mất ngủ vì sợ bỏ mạng trên đất Nhật. Giờ tôi đang làm thợ điện lạnh ở Bà Rịa - Vũng Tàu, lương chỉ bằng 1/3 nhưng tôi thấy mình may mắn vì tìm được việc làm trong mùa dịch và được ở bên người thân. Tôi sẽ ghi nhớ đến suốt cuộc đời mình”.

Anh Phạm Tiến Dũng

Thời điểm đó, Dũng tham gia nhiều nhóm trên mạng xã hội để tìm cách về VN, gửi email đi khắp nơi nhưng không nhận được phản hồi. Bế tắc, Dũng tìm đến báo Thanh Niên và được hướng dẫn cụ thể cách làm đơn, kết nối giới thiệu tôi với ĐSQ. Đúng 1 tháng sau anh được về nước, bắt đầu điều trị bệnh và nghỉ ngơi.
Anh tâm sự: “Về nước điều trị, nghỉ ngơi 2 tháng tôi tăng được 4 kg, bệnh ổn hơn nhiều. Trước đó, tôi cứ nghĩ không biết mình còn phải ở lại đến năm nào, nhiều đêm tôi mất ngủ vì sợ bỏ mạng trên đất Nhật. Giờ tôi đang làm thợ điện lạnh ở Bà Rịa - Vũng Tàu, lương chỉ bằng 1/3 so với bên Nhật nhưng tôi thấy mình may mắn vì tìm được việc làm trong mùa dịch và được ở bên người thân. Tôi sẽ ghi nhớ đến suốt cuộc đời mình”.
Tương tự, từ Macau trở về VN vì vợ sinh non trong mùa dịch Covid-19, anh Hà Vĩ Lâm (31 tuổi, TP.HCM) bất ngờ bị kẹt ở sân bay Malaysia suốt 18 ngày. Qua sự kết nối của Báo Thanh Niên, anh được ĐSQ VN tại Malaysia hỗ trợ về nước vào giữa tháng 4 vừa qua.

Dù công việc không ổn định, nhưng được ở bên gia đình ăn Tết với anh Lâm là điều hạnh phúc

Ảnh: Vũ Phượng

Với anh Lâm, đây là một cột mốc không thể quên trong “năm Covid” đồng thời là bước ngoặt để sau khi ly hương lại cố hương lập nghiệp. Anh kể, 4 tháng sau khi trở về VN, anh chỉ ở nhà phụ giúp gia đình buôn bán ở chợ mà không tìm được việc làm. Mùa trung thu đến, anh mới cùng một người quen mở một quầy bánh nhỏ.
Anh Lâm bộc bạch: “Những ngày kẹt ở sân bay là những ngày ám ảnh nhất cuộc đời tôi, nằm ngủ lăn lóc trên sàn, tắm qua loa trong nhà vệ sinh, nằm đó chờ trong vô vọng. Tôi như vớ được tấm phao cứu sinh khi gửi email cầu cứu và nhận được phản hồi, kết nối của Báo Thanh Niên, liên lạc được với ĐSQ VN tại Malaysia. Ngày đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi hít lấy hít để không khí trên “đất mẹ” và nghĩ sống rồi, y như được sinh ra thêm lần nữa”.
Mới đây, anh bắt đầu đi làm shipper cho công ty nổi tiếng với mức thu nhập chẳng thấm tháp vào đâu so với hồi ở Macau, nhưng đổi lại anh được ở bên gia đình, phụ vợ chăm sóc 2 con nhỏ. Anh nói, có trải qua những ngày “dở sống dở chết” mới biết những điều hạnh phúc giản đơn có ý nghĩa to lớn như thế nào. “Tôi xin được gửi lời cảm ơn từ tận sâu trái tim mình đến ĐSQ và Báo Thanh Niên, đã cho tôi cơ hội được trở về quê hương, được ăn Tết bên gia đình trong một năm thật đặc biệt”, anh Lâm bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.