Những người 'vô hình': Thành công dân ở tuổi... 61!
29/12/2017 09:02 GMT+7
'Bây giờ tui mới được là người Việt Nam!', bà Trương Thị Hồng Tâm nói như reo nhưng nước mắt lại chảy tràn, khi nhận tấm thẻ căn cước công dân tại chương trình Chạm vào ước mơ (do Báo Thanh Niên thực hiện ngày 28.12).
Tự động phát
Bà Hồng Tâm còn có biệt danh là Tâm “si đa”, 61 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM, là nhân vật Nửa thế kỷ “tôi đi tìm tôi” trong loạt bài Những người “vô hình” (đăng trên Báo Thanh Niên từ ngày 26 - 28.12).
Video: Tâm 'si đa' bật khóc khi lần đầu được cấp CMND
|
|
“Tưởng đời mình tiêu rồi”
|
|
Đề cập đến những khó khăn phải đối mặt trong thân phận một người “vô hình”, bà Tâm bộc bạch: “Khó khăn khi không có giấy tờ tùy thân thì muôn vàn, chứ không phải là một. Thí dụ như mướn nhà trọ, mình không được quyền đứng tên. Mình muốn có chiếc xe đi, cũng không được, đi xe của thiên hạ thôi. Muốn mua bảo hiểm để đỡ tốn kém lúc ốm đau bệnh tật, không có giấy tờ thì làm sao mua được...”.
Bà Tâm sinh năm 1956, gốc ở làng Bình Trưng, Thủ Đức (nay thuộc Q.2, TP.HCM). Tuổi thơ của bà có thể nói là “dữ dội” khi bị thất lạc gia đình từ trước năm 1975. Từ đó, bà sống lang thang trên đường phố, từng nghiện ma túy, không nhà cửa, không nơi ở ổn định, không có giấy tờ tùy thân... “Mãi đến năm 34 tuổi, lúc tôi đã không còn hình hài người, bất ngờ tôi được gặp một nhóm thanh niên trẻ. Họ đã “gột rửa” tôi, giúp tôi tìm lại chính mình”, bà kể.
Trong những năm tháng hoàn lương kể từ 1991, Tâm “si đa” tiếp xúc, giúp đỡ không biết bao cảnh đời éo le, lầm lỗi, trong đó có không ít cô gái mại dâm, trẻ bị nhiễm HIV/AIDS...
Khát khao có được giấy tờ tùy thân là nỗi đau đáu “vắt qua hai thế kỷ” của bà Tâm nhưng vẫn không được giải quyết. Đã bao lần, bà từng than thở: “Đợi chờ cái giấy CMND mấy chục năm, tôi từng nghĩ nhiều khi mình xuống mồ sợ còn chưa có. Mà tui không chỉ nghĩ đến lúc xuống mồ đâu mà nghĩ đến khi chết mình làm sao thiêu được đây? Tại vì không có giấy tờ gì, địa phương nào chứng, làm sao thiêu được?”.
Bế tắc, tuyệt vọng, giữa năm 2017, bà đã tìm đến Báo Thanh Niên bày tỏ ước mơ có được giấy tờ tùy thân như một công dân bình thường. Theo đó, nhà báo Đình Phú (PV Thanh Niên) đã nhiệt tình trực tiếp hỗ trợ bà lo các thủ tục và cho bà mượn nhà ở để đủ điều kiện làm sổ tạm trú, sổ hộ khẩu và làm thẻ căn cước công dân đúng theo quy định.
VIDEO: Chạm vào ước mơ giúp Tâm si đa có thành công dân ở tuổi 61
|
“Tưởng đời mình tiêu rồi, nhưng không ngờ giờ cũng ngon lành. Tôi cảm thấy hạnh phúc lắm rồi!”, bà Tâm hồ hởi khi nhận được thẻ căn cước công dân bọc bí mật bên trong gói quà lớn, do trung tá Nguyễn Lê Kim Huệ, Phó đội trưởng Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Q.2, trao. Trung tá Kim Huệ là một trong những người tận tình hướng dẫn thủ tục làm giấy tờ tùy thân cho Tâm “si đa”.
Chia sẻ trong chương trình Chạm vào ước mơ, trung tá Nguyễn Đình Dương, Phó trưởng công an Q.2, cho biết: “Khi Đội quản lý hành chính báo trường hợp chị Tâm chưa có hộ khẩu và CMND, tôi rất quan tâm. Điều này cũng có nguyên nhân là lúc nhỏ chị ở Q.2 nhưng sau đó sống lưu lạc. Đội đã trích lục lại nguồn gốc chị Tâm, sau đó anh Đình Phú cho mượn nơi ở, nên chị được nhập hộ khẩu rồi tiến tới làm giấy căn cước công dân. Hôm nay, chúng tôi mừng cho chị chính thức trở thành công dân VN, mặc dù lâu nay đương nhiên là như vậy nhưng giờ chị có được thẻ có căn cước công dân trong tay mình”.
tin liên quan
Những người 'vô hình' - Kỳ 2: Vòng đời bế tắcĂn tết lớn !
Chạm vào thẻ căn cước công dân - ước mơ lớn của cuộc đời, Tâm “si đa” bộc bạch: “Khi đã có được tờ giấy chứng minh, sổ hộ khẩu, thì mình sẽ giúp được rất nhiều đứa trẻ bất hạnh. Mình có giấy tờ thì những đứa trẻ ở với mình mới được có giấy tờ. Mà mình thật tình muốn giúp mấy em nó, nhưng lực bất tòng tâm. Nhưng bây giờ tui đã có rồi!”.
Tuyết Mai (bán bánh tráng trộn ở gần khu vực hồ Con Rùa), một trong những trẻ đường phố từng được bà Tâm tiếp cận, nhận làm con nuôi, nghẹn ngào: “Má Tâm nói hoài: “Sao lâu quá tao không có giấy CMND, tao không phải là người VN”. Thấy má Tâm được vậy, em hạnh phúc lắm!”.
Là một thành viên trong nhóm “thanh niên trẻ” cảm hóa, giúp bà Tâm hoàn lương ngày trước, anh Trần Công Bình, cán bộ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), cho rằng niềm vui mà bà Tâm có được hôm nay là niềm vui chung, là sự lan tỏa của hành trình “cho và nhận” trong xã hội.
Sự lan tỏa ấy cũng đã thể hiện trong những lời tâm tình của nhà báo Đình Phú khi hỗ trợ bà Tâm làm giấy tờ tùy thân: “Căn hộ tôi ở chỉ 50 m2. Khi cho bà Tâm ở nhờ nhà để làm sổ tạm trú, hộ khẩu, thẻ căn cước công dân, tôi chẳng lo điều gì cả. Người ta phấn đấu vươn tới sự giàu sang, còn tôi thấy bà Tâm nỗ lực phấn đấu chỉ để tìm lại chính mình. Tôi nghĩ mình đang may mắn, trong cuộc sống thường ngày bao năm qua cũng từng được nhiều người khác giúp đỡ rất chân tình, cũng từng đi ở nhờ nhà người khác lúc khó khăn nên đã cùng anh chị em đồng nghiệp ở Báo Thanh Niên cố gắng giúp lại bà Tâm, mong bà có chút niềm vui để tiếp tục viết lại tên mình”.
Một người dân ở Đà Nẵng có dịp vào TP.HCM, chị Đặng Thị Thu Hà khi xem chương trình Chạm vào ước mơ qua mạng, đã trực tiếp đến Báo Thanh Niên trao tặng bà Tâm 10 triệu đồng. Bà Tâm phấn khởi: “Năm nay tui ăn tết lớn!”.
Tổng rà soát những người “vô hình”
Sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt phóng sự Những người “vô hình”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng khẳng định UBND TP giao Công an TP chủ trì, phối hợp UBND 24 quận, huyện, các sở ngành liên quan tổng rà soát, cử ra đầu mối tiếp nhận, tháo gỡ vướng mắc, giải quyết thủ tục thấu tình đạt lý để giúp cho “những người vô hình” có được giấy tờ tùy thân, đảm bảo quyền công dân.
Tại chương trình Chạm vào ước mơ, trung tá Nguyễn Đình Dương, Phó trưởng Công an Q.2 khẳng định những trường hợp trên địa bàn Q.2 có hoàn cảnh tương tự bà Trương Thị Hồng Tâm, có thể đến Công an Q.2 trình bày thông tin nhân thân. Trên cơ sở đó, Công an Q.2 sẽ thẩm tra, xác minh, giải quyết. Đình Phú
|
Bình luận (0)