Những nhà Duy Tân xứ Quảng: Những cha vợ - con rể nổi danh

05/08/2020 06:57 GMT+7

Danh nhân xứ Quảng - tiến sĩ Phạm Phú Thứ, một đại thần triều nhà Nguyễn vốn được biết đến là người có quan điểm canh tân ở những năm cuối thế kỷ 19. Nhưng chính cụ Phạm lại là cha vợ của một nhân vật đặc biệt của phong trào Duy Tân.

Cụ Phạm Phú Thứ (1821 - 1882) từng giữ các công việc quan trọng ở triều đình như Khởi cư chú (thư ký ghi lời nói và hành động của vua), rồi sang tòa Kinh diên (phòng giảng sách cho vua). Năm 1850, ông dâng sớ can gián vua Tự Đức không nên ham mê vui chơi nên bị cách chức, đưa đi làm lính trạm ở Thừa Lưu (Thừa Thiên), sau được Thái hậu Từ Dũ (hay Từ Dụ) can gián và được phục chức trở lại làm Tham tri Bộ hình. Năm 1863, ông được cử làm phó sứ trong phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp và đi thăm các nước châu Âu khác như Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.
Qua chuyến đi này, ông nhận thức chỉ có con đường canh tân mới giúp đất nước thoát khỏi lạc hậu. Khi về nước, ông dâng lên vua Tự Đức và triều thần một số tài liệu ghi chép như Tây hành nhật ký (nhật ký đi Pháp), Bác vật tân biên (sách nói về khoa học), Khai môi yếu pháp (phương pháp khai mỏ), Hàng hải kim châm (cách đi biển), Vạn quốc công pháp (cách thức giao thiệp quốc tế). Tiếc là những đề nghị của ông đều bị vua Tự Đức và các đại thần bác bỏ vì sự bảo thủ lúc bấy giờ. Năm 1881, ông về lại quê nhà và đưa vào ứng dụng một số cải tiến tại địa phương. Tương truyền, kiểu xe nước ngày nay còn thông dụng ở các tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi...) là kiểu xe nước trâu kéo ở Ai Cập vào các thế kỷ trước do ông vẽ kiểu mang về áp dụng vào thời ấy.

Con rể nối gót cha vợ

Con người có đầu óc canh tân Phạm Phú Thứ lại là cha vợ của tú tài Trương Trọng Hữu (1852 - ?) - người làng Châu Lâu, Điện Bàn mà tên tuổi gắn liền với phong trào Tây học đầu thế kỷ 20. Dưới triều Thành Thái (1889 - 1907), Trương Trọng Hữu dù thi đỗ tú tài, nhưng chán ngán nền cựu học suy tàn nên không vào quan trường mà tham gia phong trào Duy Tân ở quê nhà. Ông tham gia lập hội nông, hội thương, cùng góp công mở Trường Diên Phong (Phong Thử). Trường Diên Phong do cụ Phan Thúc Duyện sáng lập đặc biệt coi trọng môn lịch sử, khoa học thường thức, địa lý… Cụ tú Trương Trọng Hữu đã tự viết tài liệu về nhiều môn học bằng chữ Quốc ngữ cho các đồng sự dạy học trò. Nếu đến năm 1908, Phan Châu Trinh thống kê có đến 40 trường lớn nhỏ dạy học theo kiểu mới (Trung kỳ dân biến tụng oan thỉ mạt ký) và các trường ấy đã sử dụng các tài liệu mà cụ Trương Trọng Hữu viết “như là sách giáo khoa chính thức”.
Trong cao trào mở các trường tư thục Duy Tân đầu thế kỷ 20, Trường tân học Cẩm Toại (Hòa Vang) được lập năm 1908, chỉ sau Trường Diên Phong (Phong Thử) 2 năm. Mà lạ lùng thay, người mở trường lại là con rể của cụ tú Trương Trọng Hữu: ông nghè Lâm Quang Tự - một người con khả kính của dòng họ Lâm ở tổng An Phước, huyện Hòa Vang.
Ông nghè Lâm Quang Tự sinh năm 1884 ở làng Cẩm Toại, Hòa Vang. Năm 1908, ông kế nghiệp thân phụ mình là cụ Lâm Hữu Mẫn, chuyển trường tư thục Cẩm Toại (được lập từ năm 1888) từ dạy chữ Nho sang Quốc ngữ theo trường phái Duy Tân với sự cổ vũ của nhạc gia Trương Trọng Hữu và mời các thầy cô tân học về giảng dạy. Trường Cẩm Toại sau này trở thành Trường tiểu học An Phước. Theo tài liệu 95 năm truyền thống Trường tiểu học An Phước, ngoài dạy Quốc ngữ, thời đó trường còn dạy toán, sử, địa lý, khoa học thường thức và các môn thủ công như đan lát, làm xe đạp nước… Bên cạnh đó còn có các buổi diễn thuyết, bình văn, trao đổi thời sự… Nếu tính từ đó đến nay, ngôi trường này đã có bề dày gần 115 năm với bao thăng trầm, mà cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét “là một trường nghĩa thục nổi tiếng suốt hơn 100 năm nay đã từng có những hy sinh và cống hiến đối với sự nghiệp nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, giải phóng và xây dựng Tổ quốc…” (trích thủ bút ngày 18.6.1999).
Về ông nghè Lâm Quang Tự (1884 - 1938), tài liệu của Trường An Phước mô tả: “Thầy giáo đầu tiên là ông nghè Lâm Quang Tự, việc chu cấp cho nhà trường trước đây là do gia đình thầy tự lo liệu, nay được cả cộng đồng hỗ trợ. Thầy đi dạy không hưởng lương, ngày hai buổi về ăn cơm nhà…”. Khi phong trào Duy Tân bị khủng bố, ông đã di chuyển chỗ ở nhiều nơi để tránh truy lùng. Khi yên ắng, trường lại được trợ giúp của địa phương, lập ra học điền, cử người cày cấy để lấy hoa lợi trợ cấp cho các thầy cô và trường lại dạy không lấy tiền... “Lễ hội các đình làng cũng không quên ơn thầy, những lúc này, thầy (Lâm Quang Tự) lại có dịp tuyên truyền khuyến học, nếp sống mới, bài trừ hủ tục, cải cách hương thôn”, dẫn theo tài liệu của trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.